Những thành quả của sự nghiệp cách mạng hơn 90 năm qua đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để tiếp tục đảm đương được vai trò lãnh đạo trong giai đoạn mới, Đảng ta phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; nâng tầm bản lĩnh và trí tuệ, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Tầm quan trọng và mối quan hệ biện chứng giữa
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng không
phải chỉ đại biểu lợi ích của đảng viên, mà đại biểu lợi ích của toàn giai cấp
công nhân, toàn thể dân tộc và loài người”. Xây dựng Đảng trong sạch, vững
mạnh là tiền đề quan trọng chi phối tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ, hiệu quả xây
dựng hệ thống chính trị; đồng thời, hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan,
tổ chức của hệ thống chính trị là minh chứng khẳng định vai trò lãnh đạo của
Đảng, là thước đo năng lực, uy tín, vai trò, vị thế của Đảng cầm quyền. Năng
lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng thể hiện qua hiệu lực, hiệu quả quản lý
của Nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ
chức chính trị - xã hội. Từ nhận thức sâu sắc đó, Đại hội XIII của Đảng đã phát
triển thành tố “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” của Đại
hội XII thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh”.
Với vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa
sống còn đối với Đảng và chế độ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được
Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các
thời kỳ cách mạng. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương đã ban hành nhiều
nghị quyết, quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện
quyết liệt, hiệu quả. Đại hội XIII của Đảng, từ chủ đề, bài học kinh nghiệm,
đến quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm đều nhấn mạnh đến công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo nên một chỉnh
thể sâu sắc và toàn diện hơn.
Xét về cả phương diện lý luận và thực tiễn,
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, xây dựng, chỉnh
đốn Đảng là then chốt, tạo động lực thúc đẩy xây dựng hệ thống chính trị; đồng
thời, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả tạo cơ sở vững chắc củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống
chính trị và toàn xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững
mạnh giúp Đảng có mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, nhân lên sức mạnh của
toàn Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát
vọng phát triển vì một Việt Nam hùng cường. Từ đó, có thể khẳng định, tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là
yêu cầu quan trọng hàng đầu, là đòi hỏi tất yếu trong tiến trình đổi mới đất
nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo,
năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động
của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tính đồng bộ, sự phù hợp
giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa đất nước phát triển nhanh, bền
vững.
Những dấu mốc quan trọng trong xây dựng, chỉnh
đốn Đảng và hệ thống chính trị
Năm 1939, trong phong trào Mặt trận Dân chủ
Đông Dương, Đảng đã tiến hành sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng về tư tưởng và
tổ chức. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”,
xác định mục tiêu, phương châm: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những
nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu
thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất,
mạnh mẽ”. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chỉ
đạo chấn chỉnh những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ
cương vị cao trong bộ máy chính quyền non trẻ. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân
dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ngày 17-10-1945, Người đã phê phán, răn
đe, cảnh tỉnh một số căn bệnh của cán bộ nắm chức vụ, quyền hạn trong bộ máy
chính quyền các cấp, như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu
ngạo… Đặc biệt, tháng 10-1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”,
lần đầu tiên Người dùng cụm từ “việc chỉnh đốn Đảng”, xác định 12 chuẩn
mực về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, định danh, nhắc nhở: “Muốn cho
Đảng được vững bền/ Mười hai điều ấy chớ quên điều nào”; xác định phận sự
của người đảng viên và cán bộ là: “ Trọng lợi ích của Đảng hơn hết… lợi ích của
cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất
định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục
tùng lợi ích lâu dài”; phải rèn luyện đạo đức cách mạng - nhân, nghĩa, trí,
dũng, liêm. Về tự phê bình và phê bình, Người chỉ rõ: “Mục đích phê bình cốt để
giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt
hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng
như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm
bớt…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương,
chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị,
dìm người giỏi, bệnh hủ hóa,... Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ
vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”; vì vậy, Người
yêu cầu trong chỉnh đốn Đảng phải kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân”. Tháng
5-1952, tại Lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác
định: “Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng
viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường
vô sản”.
Năm 1961, Đảng ta mở cuộc vận động chỉnh huấn
mùa xuân, mục đích là xây dựng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động tinh
thần làm chủ, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, hiểu rõ nhiệm vụ sản xuất và
tiết kiệm trong giai đoạn mới, phê phán chủ nghĩa cá nhân, tham ô lãng phí, tác
phong quan liêu mệnh lệnh, bảo thủ rụt rè. Sau đó, Bộ Chính trị tiếp tục có chỉ
thị về cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân năm 1965 nhằm làm cho cán bộ, đảng
viên và đoàn viên thanh niên lao động, trên cơ sở nhận thức rõ tình hình, nhiệm
vụ và yêu cầu của cách mạng mà nâng cao phẩm chất và đạo đức cách mạng, phê
phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng ta đặc biệt
chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện trên ba nội dung lớn:
1- Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
2- Phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và
phê bình thường xuyên, nghiêm túc.
3- Chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên
quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng.
Từ các Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7
(khóa VI) năm 1989, Đảng ta đã có chủ trương, nghị quyết nhằm bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội VII của Đảng đã
thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991). Hội nghị Trung ương 3 (tháng 6-1992)
đã ban hành Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”;
trong đó, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm đã trở thành nguy cơ không thể
xem thường, đó là: “Trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai
nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của
khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã
có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực
dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng…”.
Năm 1999, trong Đảng bộc lộ sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán
bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn, Hội nghị Trung ương 6
(lần 2) khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số
10-NQ/TW, ngày 2-2-1999, “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác
xây dựng Đảng hiện nay”. Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng ta thẳng thắn
nhìn nhận công tác xây dựng Đảng có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua
nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với
Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của
Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong
đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp
cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện
khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội,
thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng,
lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Trước tình hình đó, liên tiếp 3 Hội nghị
Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) đều ban hành các nghị quyết, kết luận về xây
dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã ban hành
Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng
viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa””. Đây là những dấu mốc quan trọng khẳng định
Đảng ta luôn kiên định, kiên quyết và tập trung trí tuệ, tâm sức cho công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nhận diện những quan điểm
sai trái, thù địch
Thời gian qua, các thế lực thù
địch đã ra sức công kích, xuyên tạc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Việt
Nam. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá khôn ngoan khi đưa vấn
đề xây dựng Đảng thành vấn đề then chốt nhưng đó chỉ là kiểu “giật gấu vá vai”.
Tình trạng này tất yếu sẽ khiến Đảng đổ vỡ và tan rã”. Chúng hàm hồ dự đoán,
tình hình sẽ ngày càng có nhiều sự phản ứng quyết liệt của nhân dân chống lại Đảng.
Những suy luận vô căn cứ nhưng rất nguy hiểm vừa nhằm xuyên tạc, phủ nhận công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vừa nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng và nhân
dân.
Ngoài ra, trước những hạn chế,
yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình
trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thời gian qua; các thế
lực thù địch, cơ hội chính trị coi đây là cái cớ không gì thuyết phục hơn
để xuyên tạc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các thế lực thù địch
còn ra sức tuyên truyền, xuyên tạc và hơn nữa là cổ súy hành động
“từ bỏ” Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất
toàn bộ Đảng Cộng sản với một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến
chất và lên tiếng rêu rao “Đảng không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng
không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động,
của dân tộc”.
Họ tìm cách thổi phồng, bịa đặt,
xuyên tạc đời tư của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…, gieo rắc sự hoài
nghi trong các tầng lớp nhân dân về lòng trung thành, tinh thần tận tụy phục vụ
Tổ quốc, phụng sự nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà lúc sinh thời của Hồ
Chí Minh cũng như Đảng ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố. Theo họ, đó chỉ là
những cách Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh
mình, mình đánh ta”, hay “chỉ dám đánh con tôm, con tép thôi” … Đây là những
luận điệu hết sức thâm độc hòng gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân
dân ta đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Không chỉ xuyên tạc, phủ nhận
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, các thế lực thù địch, cơ hội chính
trị còn công kích tình trạng tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng
viên. Từ một số vụ, việc tham nhũng trong thời gian gần đây, nhất là những
vụ liên quan đến một số lãnh đạo cấp cao, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị
trong và ngoài nước đã lấy hiện tượng làm bản chất, quy chụp, cường điệu
hóa, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với
một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Họ đã
lên tiếng rêu rao rằng “Đảng không còn là Đảng do Hồ Chí Minh
sáng lập, Đảng không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của
nhân dân lao động, của dân tộc”. Tinh vi hơn, với chiêu bài “tung hô thần
tượng”, các phần tử cơ hội chính trị đã lấy đạo đức, nhân cách của Chủ tịch
Hồ Chí Minh để chỉ trích Đảng vì đã “dung túng”, “bao che” cho cán bộ, đảng
viên dẫn đến tình trạng cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng.
Gần đây, khi Hội nghị Trung
ương 4 khóa XIII diễn ra, các thế lực thù địch lại được dịp lên tiếng công
kích, xuyên tạc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng những luận điệu mang
tính quy chụp, suy diễn vô căn cứ. Ngày 6/10/2021, trên trang VOA giật tít
dòng chữ: “Điều quan tâm duy nhất là sự sống còn của đảng, của chế độ”. Họ
xuyên tạc rằng, đang trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, người lao động ở các tỉnh
phía Nam rơi vào cảnh khó khăn do COVID-19 nhưng Trung ương
lại tổ chức “họp trong phòng lạnh” để tung hô, khen ngợi các thành tích “vinh
quang thuộc về Đảng”, còn “đau thương trút lên đầu nhân dân”. Thậm
chí họ còn vu cáo rằng “Đảng không bận tâm về hoạt động phòng, chống dịch
COVID-19 mà chỉ quan tâm làm sao để Đảng “muôn năm trường trị”…
Những luận điệu xuyên tạc trên
vẫn là trò “rượu cũ bình mới” nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng.
Vẫn là những quan điểm dân túy thường thấy, các thế lực phản động, cơ hội chính
trị lấy danh nghĩa đứng về phía nhân dân để chỉ trích Đảng và Nhà nước nhằm
kích động một bộ phận nhân dân chống lại những quy định của Nhà nước trong công
tác phòng, chống dịch. Mục đích sâu xa của chiêu bài này là bẻ lái dư luận, phủ
nhận chế độ của ta, từ đó ca ngợi, cổ xúy, hướng lái theo cái họ gọi là
giá trị xã hội phương Tây. Bên cạnh đó, thông qua việc bóp méo tình hình Việt
Nam, các thế lực thù địch cũng cố tình xuyên tạc bản chất ưu việt, nhân văn của
chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.
Trong những năm gần đây, chiêu trò bóp méo, xuyên tạc chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là những “trò bẩn” mà các
đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thù địch thường xuyên sử dụng để chống
phá Việt Nam, nhất là sau các hội nghị của Đảng hoặc sau khi Đảng ta ban hành
nghị quyết, quy định mới.
Sau khi Ban Chấp hành
Trung ương ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng
viên không được làm, các đối tượng phản động, thù địch ra sức xuyên tạc, suy diễn,
chỉ trích, công kích chế độ, nhạo báng vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Một số trang mạng của cá nhân, tổ chức thù địch, phản động, hội đoàn chống
cộng hải ngoại lu loa rằng, việc Đảng ban hành quy định những điều đảng viên
không được làm là để “vá những lỗ thủng quá nhiều của chế độ”; điều đó cho thấy
“Đảng đứng trên pháp luật, lấn át vai trò của pháp luật”. Những luận điệu xuyên
tạc này còn được cổ súy trên đài BBC, RFA, VOA… Họ viện dẫn nhiều ý kiến vô căn
cứ của những đối tượng có hiềm khích và tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước Việt
Nam. Chúng cho rằng: “Những quy định cấm đảng viên chỉ là chiêu bài chứ không
có hiệu quả trong thực tế” hoặc các đối tượng suy diễn “Đảng loay hoay, mò mẫm
soạn ra các văn bản giấy tờ quy định cấm cho thêm rắc rối, chồng lấn pháp luật,
vì những điều ấy pháp luật cũng cấm rồi, đảng viên cũng là công dân, thêm điều
cấm là Đảng đứng trên, đứng ngoài pháp luật, vi phạm Hiến pháp”…
Trước hết, cần khẳng định
những luận điệu trên là phản động, xảo trá, vu khống, phủ nhận thành tựu to lớn
của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hòng làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng
viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Những luận điệu trên không thể phủ
nhận thực tế suốt 92 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao
vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của Đảng bằng chính bản lĩnh, nghị lực,
trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết
thân cho Nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu
không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống
nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân
hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Thực tế từ ngày có Đảng, Nhân dân ta đã có
người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng
lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX.
Trong nhiều nhiệm kỳ Đại
hội Đảng gần đây, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt,
có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XIII xác định mục tiêu tổng quát, trong đó nhiệm vụ
"Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng;
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện” là nhiệm vụ
hàng đầu. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XIII, cụ thể hóa Nghị quyết Đại Hội,
Đảng ta đã ban hành rất nhiều quy định liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng; trong đó, có Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được
làm.
Đảng ta là Đảng cầm quyền,
trước yêu cầu mới ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nếu Đảng không giữ vững
bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không
thống nhất cao về ý chí và hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống;
không chặt chẽ về tổ chức; không được Nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững
và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Vì vậy, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh,
chấn chỉnh lại đội ngũ đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng là việc
làm cần thiết và hết sức bình thường của một chính Đảng.
Một
Đảng cách mạng, chân chính dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những yếu
kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và những hạn
chế trong nội tại tổ chức Đảng, đảng viên để từ đó đề ra các giải pháp chỉnh đốn,
sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém. Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung
ương Đảng (khóa XIII) thẳng thắn nhìn nhận sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan
là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên
thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, quên mất trách
nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân. Vì thế, cùng với nhiều quy định
khác, Đảng ta ban hành Quy định 37-QĐ/TW là để mỗi đảng viên “tự soi, tự sửa”
chính bản thân mình và giúp cho kỷ luật, kỷ cương của Đảng ngày càng chặt chẽ
và nghiêm minh.
Quy định số 37-QĐ/TW bổ
sung nhiều nội dung mới, ví dụ như quy định rõ đảng viên không được “chủ nghĩa
cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân
chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán,
chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Hoặc quy định, đảng viên không được
“can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều
tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để
bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà
nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình
phạt cho người khác”. Việc bổ sung những nội dung này là rất cần thiết và phù hợp
nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống
tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh hiện nay.
Với mỗi đảng viên Đảng
Cộng sản Việt Nam thì việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện là việc làm “như
đánh răng, rửa mặt hàng ngày”, nhất là khi đã đứng vào hàng ngũ những người ưu
tú nhất, tiên tiến nhất, nguyện suốt đời phấn đấu, hi sinh cho đất nước, phụng sự
tổ quốc, phục vụ Nhân dân thì đòi hỏi phẩm chất, tư cách đạo đức phải gương mẫu
hơn người dân bình thường. Đảng viên, bên cạnh việc tuân thủ, thực hiện tốt nhiệm
vụ đã được quy định trong Điều lệ và văn bản của Đảng, thì với vai trò là công
dân cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Do đó, Đảng ban hành
các quy định là để thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và nâng cao chất lượng
đội ngũ đảng viên chứ không phải là “dẫm chân” hay “chồng lấn” pháp luật.
Trong thời gian tới, để
thực hiện tốt Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm và các
quy định khác của Đảng, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải khẳng định
rõ quyết tâm chính trị; nhận diện rõ ràng âm mưu, và những luận điệu sai trái,
xuyên tạc Quy định 37-QĐ/TW cũng như thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta của
các phần tử phản động, cơ hội chính trị, thế lực thù địch. Và điều quan trọng
hơn cả là mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa
phương cần “tự soi”, “tự sửa”, cùng với đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của
tổ chức đảng trong giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên tu dưỡng,
rèn luyện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý nghiêm minh những
khuyết điểm, sai phạm của đảng viên trong quá trình thực hiện Quy định về những
điều đảng viên không được làm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã khẳng định “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng ta ngày càng vững
mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, tổ chức đảng có sức chiến đấu cao
hơn, đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với Nhân dân mật thiết hơn để thúc đẩy thực
hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn”. Thực hiện tốt công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng nói chung; trong đó, có Quy định về những điều đảng viên không
được làm sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường,
phồn vinh và hạnh phúc.
Một số giải pháp
“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu
xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do
nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất
hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện
phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết,
tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan
hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Để thực hiện mục tiêu đó,
chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh toàn diện; tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ,
bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết
với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng. Trong đó, tập trung thực hiện
đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư
tưởng; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tăng cường trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu.
Tiếp tục quán triệt, nhận thức thật sâu sắc các quan điểm,
tư tưởng chỉ đạo Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; các nghị quyết, chỉ thị, kết
luận, quy định, quy chế… của Trung ương về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống
chính trị. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống
chính trị, không chỉ quán triệt tư tưởng chỉ đạo, nội dung các văn bản của Đảng
mà cần có sự phân tích, so sánh, liên hệ và vận dụng phù hợp với thực tế từng
cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Chú trọng
xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu
dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản
lý và người đứng đầu các cấp, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên
phong, gương mẫu.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến
lược và người đứng đầu các cấp, gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ
thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ
của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng; đặt
trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương
thức lãnh đạo của Đảng và kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh
gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực,
nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài. Đổi mới,
nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ và đánh giá cán bộ.
Chủ động phát hiện nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp
chiến lược nhiệm kỳ 2025-2030 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo, bảo đảm tính
kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm
số lượng và cơ cấu hợp lý. Luân chuyển cán bộ phải phù hợp với chức danh quy
hoạch; bảo đảm cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn
cán bộ tại chỗ; luân chuyển ngang và dọc, luân chuyển cán bộ Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sang các lĩnh vực khác, và ngược
lại. Tăng cường cán bộ có bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực cho địa bàn
trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp; khắc phục tình trạng khép kín trong
công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ công tâm, khách quan, có tiêu chí rõ ràng và
thông qua sản phẩm cụ thể; gắn việc đánh giá cá nhân với đánh giá tập thể, với
kết quả thực tế thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời
cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp,
mắc sai phạm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Thực hiện
tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám
làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Ba là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ,
thống nhất, hiệu quả.
Kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương của Đảng; rà
soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế, hệ thống pháp luật đầy
đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Bổ
sung, hoàn thiện toàn diện hơn các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo
tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”; giữa xây dựng đạo đức
cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân; phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các
loại “bệnh tật” phát sinh trong Đảng và hệ thống chính trị; giữ nghiêm kỷ luật,
kỷ cương của Đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp,
bảo đảm tốt mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”;
phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm
thay Nhà nước hoặc buông lỏng lãnh đạo.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật
đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý
nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác kiểm tra, giám sát,
kỷ luật đảng, kết hợp phòng ngừa với xử lý vi phạm kỷ luật. Cải tiến, đổi mới
phương pháp, quy trình, kỹ năng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật
đảng theo hướng chặt chẽ, bài bản, khoa học hơn; trong đó, tập trung vào các cơ
chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm, phòng ngừa, ngăn chặn từ xa khuyết điểm,
vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức
đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công
tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu kiện kéo dài. Tăng cường
kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ theo quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán,
bảo vệ pháp luật có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí đấu
tranh, có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu.
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân
cử, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân
để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc
hội, Hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng
Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị
- xã hội và báo chí. Hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Sớm cụ thể hóa những quy định
của Đảng, đồng thời thể chế hóa, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực và quy định về kiểm soát quyền lực công khai, minh bạch, rõ
ràng để mỗi người dân đều có thể giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối
sống của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải
tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước
về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các
vấn đề nhân dân phản ánh, khiếu kiện.
Bước vào thời kỳ mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần
tăng cường đoàn kết, chung sức, đồng lòng chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân,
“giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người
đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, dẫn dắt công cuộc đổi mới tiếp tục tiến
lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra
là phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta “trở thành nước phát triển, theo định
hướng xã hội chủ nghĩa”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét