Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

 

SỰ ''IM LẶNG'' NGUY HẠI!

 

ST: Nguyễn Long Nguyên - Hồ Chí Minh học 2022

 

Dân gian có câu “Im lặng là vàng”, với hàm ý khuyên nhủ ai đó nên có thái độ khiêm nhường, nhã nhặn đúng lúc đúng chỗ; biết im lặng cần thiết khi lời nói của mình có thể làm tổn thương, gây hại cho người khác hoặc làm rắc rối thêm vấn đề... Tuy nhiên trong cuộc sống, sự “im lặng” không phải lúc nào cũng là “vàng” mà có thể trở thành nguy hại cho sự phát triển, như khi cán bộ, đảng viên thấy đúng không ủng hộ, thấy sai không dám đấu tranh.

 

Thời gian qua, tâm lý “đấu tranh, tránh đâu” và thái độ “im lặng” có thể hiểu là hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm của nhiều cán bộ, đảng viên, xảy ra ở không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị, được khoác tấm áo “đoàn kết, thống nhất cao” bên ngoài, còn thực tế bên trong thì hậm hực, tức tối, kéo bè, kết cánh để chống đối nhau đã xảy ra. Cũng có hiện tượng “im lặng” khác là không ít cán bộ, đảng viên không dám làm gì vì sợ sai nên chùng chình, không thực thi nhiệm vụ trước những khó khăn, bức xúc từ cuộc sống. Cả hai sự “im lặng” như trên đều gây hại cho tổ chức, địa phương và mở rộng ra là cản trở sự phát triển của đất nước.

 

Cách đây hơn 35 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã phê phán rất gay gắt điều mà ông gọi là “sự im lặng đáng sợ” để tấn công vào “thành trì” quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. “Sự im lặng đáng sợ” là sự im lặng của người có chức, có quyền câu kết, tránh né, bao che cho nhau để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... “Sự im lặng đáng sợ” còn là sự im lặng của người dân, của những người tích cực trước những tiêu cực, sai trái hiển hiện trước mắt mà không có phản ứng gì. Do vậy, công khai chỉ ra “Những việc cần làm ngay” và phê bình trên báo chí chính là một giải pháp quan trọng, hiệu quả được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh coi trọng.

 

Biểu hiện rõ nét khi sự “im lặng” diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương gần đây là việc trì trệ trong triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Lý do chủ yếu là “sợ sai” nên ở cơ sở đã nghĩ ra nhiều “giấy phép con” để cốt cho “an toàn”. Hay như tình trạng giải ngân đầu tư công cũng vậy, khiến hàng chục nghìn tỷ đồng nằm im trong khi rất nhiều công trình, dự án… thiếu vốn.

 

Thực tế cho thấy, các tổ chức bị kỷ luật với hình thức Cảnh cáo gần đây như: Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025… cũng có nguyên nhân từ hiện tượng "ai biết người nấy" nên khi có sai mà không phát hiện, phát hiện mà không đấu tranh kịp thời; hoặc cũng có thể đồng lõa, dung túng cho nhau, cùng nhau “ngậm miệng” vì lợi ích cá nhân, cục bộ. Hậu quả là cùng lãnh án kỷ luật cả tập thể.

 

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái. Trong đó có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Đối với cán bộ, đảng viên, nếu thể hiện sự im lặng như trên thì lâu ngày sẽ vô hình trung trở thành kẻ đồng lõa với cái xấu, dung túng cho cái sai và tiếp tay cho cái ác lộng hành. Khi cán bộ, đảng viên không bày tỏ thái độ, hành động gì trước một sự việc đáng lẽ phải có chính kiến kịp thời, vì lợi ích chung thì đó là biểu hiện của sự vô trách nhiệm.

 

Do đó, giải pháp để ngăn ngừa bệnh “im lặng” là cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đồng thời, phải gắn vai trò, trách nhiệm đối với những hậu quả do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gây ra. Có như vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới đạt được hiệu quả và có tác dụng động viên, khích lệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên khác học tập, làm theo. Nhận diện đúng những biểu hiện suy thoái tạo cơ sở cho mỗi cán bộ, đảng viên suy ngẫm và hành động; tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình, kiểm điểm đánh giá cá nhân, góp ý cho người khác và xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

 

Kiên quyết vạch trần, đấu tranh phòng, chống tình trạng số đông “im lặng”là một trong những việc làm cấp thiết để góp phần xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch. Cụ thể là cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm công vụ cho cán bộ, đảng viên; phát huy dân chủ trong đảng và trong xã hội; coi trọng văn hóa phản biện lành mạnh; thực thi chặt chẽ các quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực cá nhân người đứng đầu; tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm dân chủ, độc đoán, chuyên quyền...

 

Đặc biệt là cần có sự nhìn nhận, xem xét với phương pháp biện chứng trước những sai sót trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, không nên phủ định sạch trơn với những thang “điểm trừ” khi đánh giá cán bộ, đảng viên. Vì thế, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần làm tốt hơn nữa công tác đánh giá cán bộ cho thật sát với điều kiện tình hình mới. Trong đó, phải xem sự sáng tạo, đột phá của cán bộ, đảng viên là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong hệ thống tiêu chí đánh giá, cương quyết không “dĩ hòa vi quý”, cào bằng.

 

Phê phán, đấu tranh với tình trạng “im lặng”, suy nghĩ “đấu tranh, tránh đâu” là việc làm cần thiết nhằm góp phần rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu, phẩm chất trung thực, dũng cảm của cán bộ, đảng viên trong điều kiện hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét