Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

 

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG, AN NINH

TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

                                                                                                     Sơn Đào

Đại hội XIII của Đảng xác định: Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Vì thế, trong thời gian tới, cần nghiêm túc quán triệt và thực hiện tốt quan điểm này.

Quan điểm của Đảng ta về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc luôn có tính nhất quán; đồng thời có sự bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình mới. Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới ở cả nội dung, giải pháp thực hiện.

 Thứ nhất, trên cơ sở những nội dung lớn, cơ bản được nêu trong Văn kiện Đại hội XII, như: xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, Nghị quyết Đại hội XIII đã bổ sung nội dung mới là “Phát huy thế trận lòng dân”. Về xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân xác định rõ lộ trình, mục tiêu đạt được đến năm 2025, 2030. 

Thứ hai, về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, Nghị quyết Đại hội XIII nêu một nội dung mới quan trọng, đó là nguồn lực và thể chế hóa nguồn lực bảo đảm cho quốc phòng, an ninh. Trong đó, nhấn mạnh nguồn lực con người: có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ. 

Thứ ba, về phương hướng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Nghị quyết Đại hội XIII xác định theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, “thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”3. Như vậy, ở đây có sự phát triển, với tiêu chí rất cao: tự chủ, tự cường, hiện đại và là một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Điều đó là cần thiết, sát với thực tiễn tình hình mới. Bởi, chỉ khi nào nền công nghiệp quốc phòng, an ninh: tự chủ, tự cường, hiện đại, thì khi đó mới có sự chủ động trong việc bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang. 

Thứ tư, Đại hội XIII xác định: Thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác. Hệ thống chiến lược trên rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì thế được Đảng ta định hướng xây dựng từ Đại hội X, nhưng phải sau hơn 10 năm (đến giữa nhiệm kỳ Đại hội XII) mới hoàn thành. Cho nên việc chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược đó với yêu cầu toàn diện, đồng bộ là rất cần thiết trong tình hình mới.

Để tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần đoàn kết, nỗ lực thực hiện sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tập trung vào những nội dung lớn, cơ bản sau:

Một là, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là những động thái liên quan, tác động trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống.

Hai là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.

Bốn là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả hệ thống chiến lược quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét