Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

 

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ

“NHÂN QUYỀN” TẠI VIỆT NAM

H.S

          Ngày 11/10/2022, Việt Nam là một trong 14 quốc gia đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu cao. Điều đó đã chứng minh cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời, khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

          Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền hòng phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”, đàn áp tôn giáo, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”… Rõ ràng, âm mưu của chúng là hết sức thâm độc, lộ rõ bản chất “ăn không nói có”, cứ nhân cơ hội có sự kiện gì liên quan đến Việt Nam là tìm cách xuyên tạc, phá hoại.

          Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình phát triển đất nước. Các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.

          Trải qua hơn 35 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo vệ quyền con người. Một ví dụ điển hình là trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt chính sách an sinh xã hội được Chính phủ ban hành nhằm bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Gói an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng (năm 2020), gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng (năm 2021) là giải pháp kịp thời, không chỉ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, mà còn khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đặt lợi ích của người dân lên trên”, “không để lại ai ở phía sau”.

          Thực tế nhân quyền ở Việt Nam cũng đã được nhiều nhà lãnh đạo, chính khách quốc tế, các nhà quan sát, du khách đến Việt Nam cảm nhận, đánh giá. Trong báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: “Với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đạt mức phát triển con người cao. Đây là thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới”.

          Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc về nhân quyền tại Việt Nam, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác, ngăn chặn kịp thời, đầy lùi, đập tan thủ đoạn “lợi dụng nhân quyền” chống phá của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét