Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

 ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

PHÁ HOẠI KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC Ở VIỆT NAM

 

ST: Hà Quốc Việt - Hồ Chí Minh học 2022

         

Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin có nội dung quan điểm sai trái, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo nên sự mơ hồ, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng; tác động tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Bởi vậy, nhận diện và đấu tranh bác bỏ các quan điểm, luận điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận thành tựu dân chủ, nhân quyền và thành quả của khối đại đoàn kết dân tộc mà chúng ta đã đạt được là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay; góp phần giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

 

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội:

Hơn hai năm qua, trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và đời sống xã hội ở nước ta. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng toàn dân, toàn quân và các tổ chức chính trị - xã hội đã sẻ chia, chung sức, đồng lòng, huy động mọi nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, ổn định cuộc sống Nhân dân. Thế nhưng, dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội tìm mọi cách xuyên tạc, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta; họ không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn đen tối nào; trong đó, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là thủ đoạn rất nguy hiểm.

Chúng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, các nhà tự xưng là “dân chủ” vin cớ “bảo vệ nhân quyền” tạo ra nhiều “chiêu trò”, xuyên tạc, bóp méo sự thật về kết quả phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh chống phá Đảng và Nhà nước ta; họ dàn dựng các “kịch bản” tuyên truyền, xuyên tạc một cách công phu, tỉ mỉ, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, nhằm đánh lạc hướng dư luận, nói xấu Đảng, Nhà nước, tạo tâm lý bi quan, hoài nghi, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ rêu rao: “Việt Nam đối diện khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn diện, chỉ biết phong tỏa mặc dân sống chết ra sao”; “không hỗ trợ cứu đói cho dân mà còn tận thu vơ vét tiền của dân”; thâm hiểm hơn, họ còn tung ra những băng video phỏng vấn ý kiến của những người lao động nghèo chưa được nhận hỗ trợ từ chính quyền để vu khống rằng “người nghèo không được hỗ trợ”, “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu”... Từ đó, họ vu khống Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền”, họ xuyên tạc, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân ở Việt Nam.

Tuy nhiên, dù họ có “áp đặt, vu cáo” đến đâu thì họ cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng, Việt Nam là một nước luôn tôn trọng và phát huy “dân chủ” và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của con người. Điều này được thể hiện ngay trong hệ thống quan điểm, đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam. Khi đại dịch Covid -19 xảy ra, lây lan, bùng phát ở nước ta, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan nhà nước ra lời kêu gọi, tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong Nhân dân “lá lành đùm lá rách”, góp công, góp sức, góp tiền ủng hộ tuyến đầu phòng, chống dịch, bổ sung nguồn kinh phí của Chính phủ mua vaccine phòng dịch, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng và đẩy lùi đại dịch Covid-19 bảo vệ tính mạng cho Nhân dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận và ca ngợi.

Những thành quả và quan điểm của Việt Nam về dân chủ, nhân quyền là rất rõ ràng, đúng đắn. Thế nhưng trên một số trang mạng vẫn có những cá nhân, tổ chức tán phát bài viết xuyên tạc, bác bỏ, cố tình phủ nhận những thực tế về dân chủ, nhân quyền và những thành quả về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã phần nào làm thay đổi nhận thức, cách nhìn về bức tranh tổng thể khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng. Họ phủ nhận tất cả, từ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, một số người tự xưng mình là những người có “sứ mệnh” - những người “trung thành“ với Đảng, đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”. Vậy thực chất quan điểm chính trị của họ là gì? Họ thường xuyên đăng tải những thông tin sai trái, thù địch, bịa đặt lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” nhằm nói xấu chế độ, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ở trong nước cấu kết với các nhóm phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài tổ chức: Diễn đàn, Thông luận cùng với “những điều kiến nghị của một công dân”, những kẻ cơ hội đổ lỗi tình trạng khủng hoảng và đói nghèo ở nước ta là hậu quả của chính sách cai trị độc tài dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin mà Đảng Cộng sản áp đặt trên đất nước Việt Nam. Chúng tập trung bài xích nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Bằng việc vu cáo Đảng Cộng sản chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “độc đoán, đảng trị”, thực hiện sự chuyên chính của một đảng, sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu, chúng đối lập Đảng với Nhà nước; đối lập Đảng, Nhà nước với Nhân dân và lực lượng vũ trang. Họ nhắc đi, nhắc lại luận điệu rằng, thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay là “không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, chế độ một đảng lãnh đạo, là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”; rằng, một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ.

Tình hình trên đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; trong đó cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng và của cả hệ thống chính trị. Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược; tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch”1.

Như vậy, quan điểm của Đảng ta tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân phải thường xuyên, liên tục nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục và phải đạt hiệu quả cao. Cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội đang đẩy mạnh thực hiện truyền bá những quan điểm, luận điệu sai trái, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam.

Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc

Một là, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào theo đạo về đường lối, chính sách nói chung, đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước nói riêng. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh, nhận diện, vạch mặt những kẻ có mưu đồ đen tối nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược; tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch”2. Đây thực sự là cuộc đấu tranh “một mất, một còn” giữa ta và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Với phương châm chỉ đạo công tác lý luận, tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng… Cùng với đó, Đảng ta yêu cầu: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng”3. Trên cơ sở đó, đề cao truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm công dân, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, sự đồng thuận xã hội, ý thức, trách nhiệm cộng đồng, tự lực tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chống mọi biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, ly khai,… coi đó là yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, không ngừng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; kết hợp hài hòa ba lợi ích: cá nhân, tập thể và xã hội; huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân, phát huy dân chủ gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ Nhân dân; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Theo đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc và công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Công tác dân vận cần đổi mới, tìm ra những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giúp địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, nâng cao dân trí, phòng chống dịch bệnh, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, định canh, định cư, tạo việc làm cho lao động tại chỗ là người dân tộc thiểu số; hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo. Qua đó, tăng cường sự đồng thuận giữa những người theo tín ngưỡng, tôn giáo và những người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, biểu dương kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, “gương người tốt, việc tốt”; động viên và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những hành vi chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị - xã hội. Thực hiện tốt công tác quản lý xã hội, nắm chắc tình hình, phối hợp với các lực lượng, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng, gần gũi, sát dân, nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và những vấn đề xảy ra trên địa bàn để có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng.

Chủ động phát hiện, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; từ đó củng cố nhận thức chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”4. Cùng với đó là phối hợp làm tốt công tác vận động quần chúng, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, qua đó, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp sự đồng thuận xã hội trong cộng đồng dân tộc, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Chú thích:

1,2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.231.

3,4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H, 2021, tr.96, 34.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét