Trong quản lý xã hội, vai trò của pháp luật có vị trí, ý
nghĩa rất quan trọng. Mọi công dân đều phải tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành. Nhất
là trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta hiện nay. Các tàn dư tư tưởng của xã
hội cũ vẫn còn tồn tại đan xen, điều đó càng thể hiện rõ hơn nữa trong nền kinh
tế thị trường định hướng XHCN.
Phép nước được coi là nghiêm minh, là chuẩn mực khi ai có
công thì thưởng, ai có tội thì phạt. Thưởng, phạt đúng công, đúng tội, đúng người,
đúng việc. Không được lấy công để xóa tội dù cũng vẫn một con người ấy.
Thật vậy: Con người khi đặt trong sự vận động liên tục với
những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau sẽ bộc lộ phẩm chất, bản lĩnh, khả năng của
mình. Ngay thẳng hay lươn lẹo, trung thực hay giả dối, trong sạch hay dơ bẩn...
trước sau cũng sẽ “phơi bày” ra trước bàn dân, thiên hạ, hay như kiểu “cái kim
trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
Trong những năm gần đây, với chủ trương xây dựng, chỉnh đốn
đảng, để Đảng ta ngày càng đạo đức, văn minh, mang lại niềm tin cho nhân dân là
một đảng của dân, do dân và vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một đảng mà giấu
giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng; một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm
của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh
sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, là một
đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.”
Trong khi cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến
mạnh mẽ và quyết liệt thì một số cán bộ, đảng viên có vị trí lãnh đạo, chủ trì
vi phạm kỷ luật bị đưa ra xử lý, xét xử không ít. Điều đó chứng tỏ quyết tâm chống
tham nhũng, tiêu cực rất cao của Đảng ta, với chủ trương “không có vùng cấm”,
“nhốt quyền lực vào trong lòng cơ chế” trong cuộc đấu tranh gian khổ, phức tạp
này. Dù ai đó từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng,
tướng lĩnh... đều phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật một cách đích
đáng nếu phạm tội. Vậy nên, chúng ta không khỏi xa xót khi thấy rằng ranh giới
giữa anh hùng và tội đồ thời nay thật quá mong manh.
Có cán bộ từng nhiều lần hùng hồn diễn thuyết về lý tưởng
cách mạng, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh chống tham nhũng,
tiêu cực, đạo đức trong sáng của người cán bộ, đảng viên... lại trở thành tội
phạm. Họ đã lấy tấm thẻ đảng viên hay những danh hiệu, chức vụ mà Đảng và Nhà
nước trao để che đậy những mưu mô tính toán đen tối, thực thi những việc làm
khuất tất để được giàu có hơn, sung sướng hơn, không chỉ một mà nhiều đời. Họ
đã bị đánh bại bởi đồng tiền, bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường. Phải nói
thẳng rằng, lòng tham vô đáy đã che mắt những con người ấy. Họ đã bị đánh gục bởi
sức quyến rũ không hề nhỏ của đồng tiền. Với những kẻ thoái hóa, biến chất thì
tiền là số 1, tiền là trên hết, có nhiều tiền sẽ có tất cả.
Chưa bao giờ câu “cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được
bằng rất nhiều tiền” lại mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng như vậy. Không nghi ngờ
gì nữa, câu nói ấy khi ướm đặt vào nhiều trường hợp “anh hùng” biến thành “tội
đồ”, cán bộ đổi vai phạm nhân thật trùng khít. Khi đã coi thường, chà đạp lên
danh dự thì những cán bộ, đảng viên có chức quyền bị biến chất sẽ dám làm tất cả
để thu lợi cho mình mà không hề nghĩ tới tác hại, hậu quả vô cùng ghê gớm đối với
Tổ quốc và nhân dân. Họ đã đi ngược lại với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ
Chí Minh, về tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Nhất là cán
bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức đảng và bộ máy Nhà nước.
Những ngày qua, dư luận xã hội đều đăng tải những tin tức về
vụ Việt Á. Trước hết, chúng ta không thể nói hết những mất mát, đau thương mà
nhân dân ta phải chịu đựng trong “cơn bão dịch bệnh” mang tên Covid-19 quét qua
nước ta và thế giới từ 2020 đến nay. Với tinh thần chống dịch như chống giặc,
Toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta đã vào cuộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc, chúng ta đã cơ bản chiến thắng đại dịch. Thế mà, có những cán bộ,
đảng viên lợi dụng việc “chống dịch như chống giặc” để cấu kết làm ăn phi pháp,
thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Tính mạng nhân dân, lợi ích đất nước chẳng là gì cả
trong mắt kẻ tham lam vô độ. May mà vụ việc tiêu cực chấn động xã hội rất lớn
này đã sớm bị phanh phui, vạch trần.
Vấn đề thoái hóa, biến chất về tư tưởng, chính trị, đạo đức,
lối sống đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong Tác phẩm “Nâng cao đạo đức
cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (viết đầu năm 1969) của Người đã nói rất
rõ vấn đề hệ trọng này. Đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng của bản lĩnh
chính trị vững vàng, sáng suốt; của tư tưởng kiên định, đạo đức trong sáng và tổ
chức chặt chẽ của Đảng ta. Đạo đức cách mạng là giá trị cốt lõi văn hóa Đảng. Nếu
ai coi nhẹ đạo đức cách mạng, đề cao chủ nghĩa cá nhân thì sớm muộn cũng bị
thoái hóa biến chất; con đường từ “anh hùng” đến “tội đồ”, từ cán bộ, đảng viên
đến phạm nhân rất ngắn. Đó là bài học cảnh tỉnh không của riêng ai.
Khi đã đứng vào hàng ngũ của Đảng,
mỗi người cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ mục đích vào đảng của mình là gì; có
dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể hay không; có dám đương đầu với
những khó khăn, thử thách trong cuộc sống; đối mặt với sự cám dỗ của đồng tiền;
sự xuyên tạc của các thế lực thù địch hay không. Để làm được điều đó, mỗi người
đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc rằng: Phải tuyệt đối trung thành với Đảng,
với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức, lối sống
trong sạch lành mạnh, không vi phạm vào điều lệ đảng và những điều đảng viên
không được làm; nâng cao tính tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập
trung dân chủ; hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân. Không vì lợi ích nhỏ nhặt
trước mắt mà đánh đổi danh dự, không vì đồng tiền mà vứt bỏ đạo đức, tư cách của
người cán bộ, đảng viên. Có như vậy, chúng ta mới thoát khỏi sự cám dỗ của tiền
tài, vật chất. Mới trở thành người đảng viên có tâm, tài, đức của Đảng, phấn đấu
vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân và của chính bản thân
mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét