Trong cao trào cách mạng sôi sục của quần chúng cách
đây 77 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng, có
đoạn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một
nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và
lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Bản Tuyên
ngôn Độc lập được Bác Hồ công bố trước đồng bào cả nước và nhân dân toàn thế
giới tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội sáng 2/9/1945. Từ giờ phút ấy, nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và ngày đó trở thành ngày Quốc khánh của nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có gì quí hơn độc lập,
tự do”. Vì độc lập, tự do, nhân dân ta đã một lòng đi theo Đảng, lật đổ ách đô
hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành lấy chính quyền và lập nên Nhà nước
công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhưng ngay sau khi ra đời, chính quyền
cách mạng non trẻ phải một lúc đương đầu với muôn vàn khó khăn: thù trong, giặc
ngoài, cộng với “giặc đói”, “giặc dốt”, trong khi ngân quĩ và tiềm lực quân sự
chưa có gì... Trong khó khăn ngàn cân treo sợi tóc đó, cùng với toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân, lực lượng Công an nhân dân tuy còn non trẻ nhưng đã không quản
nguy hiểm, đập tan những âm mưu lật đổ của Quốc Dân Đảng và các thế lực chống
đối mà tiêu biểu là vụ án phố Ôn Như Hầu và nhiều chiến công khác để con thuyền
cách mạng vượt qua ghềnh thác mà lướt tới. Cũng vì độc lập tự do, nhân dân ta
đã nhất tề đứng lên “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có
súng có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc” nhất loạt đứng lên dưới lá cờ cứu
nước, trường kỳ kháng chiến, đánh thắng hai “đế quốc to” là thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ suốt 30 năm, giành lấy độc lập, tự do.
Chỉ 15 năm sau ngày thành lập, Đảng ta
đã lãnh đạo nhân dân làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng 8 và thành lập
nước Cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Liên tiếp những năm
sau, chúng ta đã kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, tiến
hành cuộc kháng chiến trường kỳ cùng các cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới
Tây Nam, biên giới phía Bắc, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc. Tiếp theo,
cả đất nước bắt đầu sự nghiệp đổi mới, một cuộc cách mạng chưa có tiền lệ để
đất nước được như ngày nay. Sở dĩ có được những thành công vang dội, có ý nghĩa
lịch sử đó vì ta có sự ủng hộ của nhân dân, có kinh nghiệm chống giặc
ngoại xâm cha ông để lại, Đảng ta có truyền thống đoàn kết chặt chẽ, hết lòng
phục vụ giai cấp, phục vụ dân tộc như Bác Hồ đã đánh giá trong Di chúc của
Người.
Ngày nay, cuộc đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ vẫn luôn đặt lên hàng đầu cùng nhiệm vụ thoát nghèo, phát triển
đất nước nhưng thế và lực của nước ta đã khác, tính chất và đặc điểm của cuộc
đấu tranh này cũng khác trước. Nhiệm vụ giữ vững độc lập chủ quyền là để giữ
vững hòa bình, rảnh tay xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh, hội nhập với thế giới. Từ một nước thuộc địa, đã từng
xảy ra nạn chết đói hai triệu người, 95% người dân mù chữ, bị chiến tranh tàn
phá đến kiệt quệ, trở thành một nước độc lập, có chủ quyền, Việt Nam đang dần
vươn lên thành một nước tham dự vào hầu hết các tổ chức quốc tế có uy tín hàng
đầu, có quan hệ thương mại với 198 nước trên thế giới, có tiếng nói ngày càng
có uy tín và trọng lượng trên trường quốc tế. Việt Nam nổi tiếng trên thế giới
về nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển với tốc độ cao. Từ một nước thiếu
ăn, thiếu mặc và mọi hàng hóa thiết yếu, bị cô lập cấm vận nhiều thập kỷ, nước
ta đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, là quốc gia hàng đầu
trong xuất khẩu nhiều loại nông sản, nhất là gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu.
Trước tình hình đó, quan điểm trước sau như một của Việt Nam là bảo vệ và giữ
vững độc lập, chủ quyền đất nước, di sản ngàn đời do cha ông để lại trên đất
liền, trên biển, trên không. Mặt khác, chúng ta chủ trương là bạn, là đối tác
tin cậy với các nước và các tổ chức quốc tế vì hòa bình, phát triển, tôn trọng
độc lập chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau... Vì
mục tiêu đó, trong cuộc đấu tranh hiện nay, trước tiên là phải duy trì được hòa
bình để xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh, làm cho nhân dân và dư luận thế
giới hiểu rõ lẽ phải thuộc về Việt Nam cũng như thiện chí của Việt Nam để họ
ủng hộ chúng ta cả về lý và tình trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ này.
Kỷ niệm ngày Quốc khánh năm nay, một
lần nữa đặt ra vấn đề độc lập chủ quyền đất nước để chúng ta từ thấm thía chiến
công xưa, nghĩ tới trách nhiệm nay. Bài học giữ vững độc lập chủ quyền đất nước
chắc chắn sẽ củng cố thêm niềm tin cũng như tăng thêm ý chí quyết tâm của mỗi
chúng ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét