Quan điểm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là kết quả của sự kế thừa, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
từ kinh nghiệm truyền thống của dân tộc dựng nước phải đi đôi với giữ
nước và từ thực tiễn của đất nước
qua các thời kỳ, dấu ấn lịch sử quan trọng, từ bối cảnh quốc tế, khu vực và từ
yêu cầu, khả năng về quốc phòng, an ninh và sự phát triển kinh tế; đồng thời đó cũng là một quá trình bổ sung sao cho phù hợp với
tình hình thế giới, khu vực và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Điều này, thể
hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, Đại Hội XIII của Đảng xác định ngày
càng đầy đủ, toàn diện về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong nhận thức, lãnh đạo, chỉ đảo
của Đảng về mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự mở rộng và bao trùm hơn so với
trước đây, đó là “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã
hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc”[1]. Một mặt tiếp tục khẳng định mục tiêu nhiệm vụ bảo
vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời phải
gắn với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa và nhấn mạnh,
bổ sung thêm mục tiêu bảo vệ nền văn hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Bởi
vì, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cần
phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc thì việc bảo vệ và phát huy vai
trò, sức mạnh to lớn của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa giữ nước nói riêng
có ý nghĩa đặc biệt quan trọng “văn hóa
còn nước còn, bản sắc còn dân tộc còn” và các giá trị văn hóa đó vừa hiện hữu
thông qua thực tiễn bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc, vừa tiềm ẩn bên trong mỗi
người dân cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Có thể thấy rằng,
trong mọi giai đoạn cách mạng, lợi ích quốc gia - dân tộc luôn là vấn đề cốt
lõi và xuyên suốt chi phối việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của
Đảng, Nhà nước. Những thành tựu, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của
Việt Nam đạt được như ngày nay đã chứng minh cho sự lãnh đạo của
Đảng luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết là hoàn
toàn đúng đắn, sáng suốt. Lợi ích quốc gia - dân tộc được xác định và
bảo vệ làm thỏa mãn nguyện vọng, khát khao cháy bỏng của người dân Việt Nam trước
những vấn đề sống còn của quốc gia; phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của
dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, các chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế,
tích cực góp phần kiến tạo, thúc đẩy hòa bình thế giới và khu vực.
Thứ hai, Đại hội
XIII của Đảng chỉ rõ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Phát
huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết
hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng
quốc tế”; “củng
cố quốc
phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ
trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân,
trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”[2].
Có thể thấy, quan điểm về
lực lượng bảo vệ Tổ quốc là quan điểm cơ bản, xuyên suốt, được thể hiện trong
các nghị quyết Đại hội Đảng VII, IX, X, XI. Ở Đại hội thứ XIII, Đảng ta xác định
lực lượng bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của đất nước, của toàn dân tộc,
do nhiều lực lượng, nhân tố tạo thành, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trong
đó, sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị, sự trong sạch
của đội ngũ cán bộ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định. Đó
là sức mạnh của toàn thể người dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, có tâm hồn,
trí tuệ, bản lĩnh, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam, có đức hy sinh, sẵn
sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc khẳng định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức
mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, Đảng ta còn nhấn mạnh: Đồng thời, kết hợp sức mạnh thời đại, tranh thủ tối
đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Như vậy, lực lượng bảo vệ Tổ quốc
không chỉ là toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lực lượng vũ trang
nhân dân giữ vai trò nòng cốt với sự tổng hợp của các yếu tố: chính trị, quân sự,
kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, đối ngoại.
Thứ ba, Đại hội XIII của Đảng có bước tiến mới về xây dựng và phát huy vai trò nòng
cốt của lực lượng vũ trang,
đó là “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công
an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một
số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về
chính trị, có chất lượng tổng hợp và có sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung
thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
trong mọi tình huống”. Thực tế cho thấy, việc xác định xây dựng Quân đội
nhân dân, Công an nhân dân “từng bước hiện đại” hay “hiện đại” luôn là sự lựa
chọn không dễ dàng, đã và đang có những khó khăn nhất định về nhận thức, tư tưởng và trong tổ chức thực hiện.
Trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì cần phải ưu tiên trước cho một số lực
lượng nhất định tiến lên hiện đại. Vì thế, xác định “một số quân chủng, binh chủng
tiến thẳng lên hiện đại” là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ
trong thời gian trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc, điểm
nhấn trong
văn kiện Đại hội XIII chú trọng “Xây dựng lực lượng dự bị động
viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng miền, trên
biển”[3]. Quan điểm này phản ánh sâu sắc tính chất toàn
dân, toàn diện của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo
vệ Tổ quốc. Đây cũng là lần đầu tiên, vấn đề xây dựng dân quân tự vệ trên biển được đưa vào văn kiện để định hướng chỉ
đạo xây dựng lực lượng này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo
trong tình hình mới; thể hiện bước phát triển quan trọng trong tư duy của Đảng
về xây dựng lực lượng quốc phòng trên biển, nhằm tạo ra lực lượng đủ mạnh để bảo
vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong lúc tình hình Biển Đông
đang diễn biến phức tạp, khó lường, việc cụ thể hóa về xây dựng lực lượng dân
quân tự vệ và dự bị động viên trên biển là đòi hỏi khách quan, vừa là sáng tạo,
đột phá trong tư duy của Đảng về tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong mọi
lúc, mọi nơi, mọi tình huống. Để phát huy lực lượng này, trong Văn kiện nêu: Có cơ chế huy động nguồn lực từ địa
phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh. Nội dung
này, Đảng ta muốn nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế huy động vì trên thực tế ta
đã có cơ chế rồi nhưng đòi hỏi nhiệm vụ mới, tình hình mới trong tư duy cần có
cơ chế hoàn thiện, hoàn chỉnh.
Thứ tư, Đại hội XIII
của Đảng tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ
Tổ quốc. Đây là bước phát triển toàn diện và đồng bộ về nhận thức, tư duy lý luận và chỉ đạo
hoạt động thực tiễn của Đảng, trong Văn kiện Đại
Hội XIII khẳng định: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc,
Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia,
Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian
mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh
chuyên ngành khác. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách
về quốc phòng, an ninh và liên quan đến quốc phòng, an ninh trong điều kiện
mới”[4].
Việc ban hành và triển khai thực hiện các chiến lược này thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược cũng như cụ thể hóa đường lối cách
mạng của Đảng, hay đó còn là mưu lược, kế sách và nghệ thuật tổ chức thực hiện đưa
đường lối của Đảng vào cuộc sống. Từ đó, tập hợp, quy tụ lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp
nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ
nước từ lúc nước chưa nguy; đấu tranh phòng, chống các mối đe dọa an ninh
truyền thống và an ninh phi truyền thống, nhất là phòng, chống “diễn biến hòa
bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các nguy
cơ mà Nghị quyết Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”
đã dự báo.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn Kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 155 - 156.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn Kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 156.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn Kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 158.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn Kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 160.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét