Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

GÓP PHẦN PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM ĐÒI “ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930 tại Hương Cảng, Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã diễn ra hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản tại Việt Nam. Hội nghị có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng. Sau này, tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị thống nhất lấy ngày 03/02 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Kể từ khi có Đảng, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định, là một tất yếu khách quan trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh, thì kẻ thù vẫn không ngừng xuyên tạc, chống phá. Một trong những luận điệu chống phá cơ bản của chúng là: đòi Việt Nam phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đang đảng đối lập”. Đây là quan điểm hoàn toàn sai trái, thiếu khách quan và khoa học. Khẩu hiệu đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” như một công cụ tư tưởng để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá các nhà nước xã hội chủ nghĩa và các trào lưu tiến bộ trên thế giới. Chúng cho rằng, chế độ chỉ có một đảng lãnh đạo là độc tài, là mất dân chủ, là nguyên nhân dẫn đến mọi sự trì trệ, tiêu cực của xã hội. Chỉ có “đa nguyên, đa đảng” mới có thể mang lại một nền “dân chủ thực sự”. Tính nguy hiểm của thủ đoạn này biểu hiện ở một số khía cạnh như sau:

Thứ nhất, đây là một luận điểm mang nặng tính chất mị dân, dễ gây nên sự ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn về nhận thức, sự dao động tư tưởng trong một bộ phận nhân dân, thậm chí ngay cả một số cán bộ, đảng viên. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến sự chia rẽ về chính trị, tư tưởng trong xã hội, cùng với đó là sự hoài nghi, xói mòn niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta.

Thứ hai, mưu đồ thực chất của “đa nguyên, đa đảng” là nhằm hạn chế, từ đó dần dần thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Một khi đạt được mưu đồ đó, các thế lực phản động sẽ ngóc đầu dậy, tranh thủ kiếm chác lợi ích cho bản thân mình.

Thứ ba, nếu mất cảnh giác trước luận điệu đòi “đa nguyên, đa đảng”, hệ quả tất yếu sẽ là đất nước hỗn loạn, mất ổn định, nền kinh tế đổ vỡ, văn hóa suy đồi… Đất nước khi ấy không thể có được nền độc lập thực sự, mà sẽ bị xâu xé, bị chi phối bởi các nước lớn. Lịch sử thế giới đã có minh chứng về một Liên bang Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu của nhưng năm 90 thế kỉ trước.

Cần khẳng định rằng, “đa nguyên, đa đảng” cũng có yếu tố tích cực của nó, song thực chất “đa nguyên, đa đảng” không hề đồng nhất với “dân chủ thật sự”. Bởi lẽ “dân chủ” là một giá trị xã hội, được hình thành và bảo đảm bởi nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau. Trong bất kỳ xã hội nào, dù nhất nguyên hay đa nguyên, một đảng hay đa đảng, chỉ phản anh hình thức bên ngoài còn yếu tố quyết định chính là bản chất của chế độ đó. Điều đặc biệt quan trọng là, đảng cầm quyền và nhà nước quan tâm đến thể chế bảo đảm quyền lực thực tế của nhân dân, chăm lo cho nhân dân, tôn trọng nhân dân… thì xã hội đó mới có “dân chủ thật sự”. Ở Việt Nam, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước đều thể hiện rõ quan điểm “mọi quyền lực thuộc về nhân dân”, “nhân dân lao động là người chủ đất nước”... Dân chủ ở Việt Nam hiện nay là dân chủ xã hội chủ nghĩa, một nền dân chủ của đông đảo quần chúng nhân dân, khác biệt so với nền dân chủ tư bản chủ nghĩa, vốn chỉ mang đến lợi ích cho giai cấp tư sản. Vì vậy, không chỉ vì một vài hiện tượng có biểu hiện mất dân chủ ở một số nơi rồi cố tình vu khống, phủ nhận bản chất tốt đẹp chế độ ta.

Sự ra đời của một thể chế chính trị hay một đảng phái chính trị phải do nhu cầu của thực tế xã hội, phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sự thành lập của một đảng phái không thể chỉ để “làm phong phú, đa dạng thêm ý thức hệ tư tưởng” như một số kẻ rêu rao, mà tự thân nó phải làm tròn bổn phận của mình, với tư cách là một lực lượng chính trị, để mang lại lợi ích cho dân tộc, cho đất nước. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay không hề có một nhu cầu nào như vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam chính là lực lượng đại diện duy nhất cho lợi ích của toàn dân tộc, ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Nhu cầu về đảng đối lập thực chất chỉ để phục vụ cho lợi ích nhỏ nhen, thấp hèn của một nhóm người chỉ vì bản thân mà bất chấp.

Tóm lại, Việt Nam là một đất nước có vị trí địa chính trị quan trọng, luôn bị kẻ thù nhòm ngó. Xuyên suốt lịch sử, dân tộc ta đã phải đoàn kết để dựng nước và giữ nước. Do đó, tinh thần đại đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đảng Cộng sản Việt Nam chính là hiện thân cao nhất cho tinh thần đại đoàn kết ấy. Việt Nam không thực hiện chế độ đa đảng không phải vì chúng ta bảo thủ hoặc mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan, là vì sự ổn định và phát triển của đất nước. “Đa nguyên, đa đảng” không phù hợp với hoàn cảnh nước ta và chắc chắn không thể được nhân dân ta chấp nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét