Cứ
mỗi lần đất nước ta tiến hành kỷ niệm các sự kiện lớn, y như rằng các thế lực
thù địch lại tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc, hòng hạ thấp ý nghĩa của các sự
kiện đó. Lần này cũng vậy, khi nước ta đang chuẩn bị kỷ niệm 77 năm Cách mạng
Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, thì chiêu trò này lại tái diễn, nhưng với thủ đoạn
nguy hiểm hơn, hòng phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta từ ngày có
Đảng. Bởi vậy, nhận rõ thủ đoạn đó của chúng và kiên quyết lên án, bác bỏ là
hết sức quan trọng, cần thiết.
Bằng nhiều thủ đoạn, qua các
phương tiện thông tin, nhất là thông qua mạng in-tơ-nét, các thế lực thù địch
trong và ngoài nước đã và đang tung ra các luận điệu xuyên tạc thâm độc để
tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Để chứng minh cho những luận điệu
đó, họ đã bóp méo, xuyên tạc sự thật lịch sử Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ
XX.
Đó là luận điệu phủ nhận
công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác –
Lê-nin đối với Cách mạng Việt Nam. Diễn trò “hạ bệ”, họ đưa ra luận điệu: “Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa
Mác – Lê-nin với học thuyết đấu tranh giai cấp đã gây ra
cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm; rằng Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc
chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm phương tiện; đưa
chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm lịch
sử,...”. Như chúng ta đều biết, sau khi thực dân Pháp xâm lược, áp đặt chế độ
thuộc địa ở nước ta, một thế hệ những người con ưu tú nhất đã khai phá, thử
nghiệm nhiều con đường cứu nước: Phan Bội Châu chọn con đường quân chủ lập
hiến, theo mô hình của Nhật Bản; Phan Châu Trinh chọn con đường dân chủ tư sản,
dựa vào chính người Pháp để cải cách xã hội,... rút cuộc đều thất bại. Nguyễn
Ái Quốc không xác định trước một mô hình xã hội nào, mà cho rằng trước hết phải
nghiên cứu, học hỏi hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của
nhân dân. Người đã chọn con đường nghiên cứu tại các nước tư bản phát triển ở
phương Tây, nơi sản sinh tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, có nền khoa học -
kỹ thuật phát triển cao. Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, chỉ khi đến được
với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc mới tìm thấy con
đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Người viết
rằng, bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính
nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin. Người chỉ ra: “Muốn
cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách
mạng vô sản”1. Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin,
Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, xác định Cương lĩnh đầu tiên
của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, nhân dân ta đã giành được độc lập;
giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược,
thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước
đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thật lịch sử hiển nhiên, không thể bẻ cong,
bóp méo. Thân thế, sự nghiệp, tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được
dân tộc Việt Nam trân trọng mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Khóa
họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Pa-ri (20-10 đến 20-11-1987) đã
thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí
Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của
Việt Nam, vào năm 1990”.
Như vậy, cái trò “hạ bệ” của
những kẻ xuyên tạc chẳng lừa được ai! Song lố bịch hơn, họ nói: việc “du nhập”
chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử,
chỉ đưa đến tai họa cho dân tộc, vì chủ nghĩa Mác – Lê-nin
là “tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc”. Theo họ “học thuyết
Mác – Lê-nin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, chỉ phù hợp với một
chừng mực nào đó với trình độ, lực lượng sản xuất và văn hóa Nga, không phù hợp
với thế kỷ này, với nước ta,...”. Xuyên tạc bản chất của chủ nghĩa Mác, họ nói
học thuyết này là xóa bỏ cá nhân: “Công hữu hóa tư liệu sản xuất chỉ xóa bỏ cá
nhân trong kinh tế thì chuyên chính vô sản đã xóa bỏ cá nhân trong toàn bộ đời
sống xã hội. Với chuyên chính vô sản, chỉ những người nắm quyền lãnh đạo đảng
cộng sản mới có cá nhân. Khối nhân dân còn lại chỉ là một đám đông, một bầy lạc
đà” (Phạm Đình Trọng - Bi kịch Việt Nam). Thâm độc hơn, gần đây
có kẻ tung ra luận điệu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác – Lê-nin.
Làm như đề cao Hồ Chí Minh, họ nói: bây giờ học thuyết Mác - Lê-nin đã lỗi
thời, Đảng ta chỉ nên dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, v.v.
Thực tế lịch sử trong thế kỷ
XX cho thấy: Cách mạng Tháng Mười Nga và các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã mở ra một
con đường mới - con đường xây dựng một xã hội hướng đến không còn chế độ người
bóc lột người, không còn dân tộc này áp bức, bóc lột dân tộc khác. Lịch sử đã
chỉ ra rằng, không có Cách mạng Tháng Mười Nga, không có Liên Xô, Đồng minh
không thể chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, không có Cách mạng Tháng Tám ở Việt
Nam vào năm 1945. Đó là những sự kiện và tiến trình lịch sử không thể xuyên
tạc. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa những người cộng sản phủ nhận những sai
lầm, khuyết điểm của mình. Chẳng hạn như, xây dựng xã hội theo mô hình xã hội
chủ nghĩa kiểu cũ với xóa kinh tế tư nhân, nền kinh tế thị trường, xây dựng nền
kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp. Đây là một trong những
nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của xã hội ở Liên Xô, Đông Âu và cả ở Việt Nam.
Như V.I. Lê-nin đã từng nói: Chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều mà là
“kim chỉ nam cho cuộc sống”. Nói cách khác, lý luận cách mạng đó cần phải được
vận dụng và phát triển phù hợp với bối cảnh thời đại và dân tộc. Xa rời phương
pháp luận này, tất yếu sẽ không tránh khỏi tổn thất, thậm chí là sụp đổ chế độ
xã hội.
Trung thành và vận dụng linh
hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta khởi
xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đã và đang đạt nhiều thành tựu quan
trọng có ý nghĩa lịch sử: kinh tế ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá;
đời sống nhân dân được bảo đảm và từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh
được tăng cường; thế và lực của nước ta đã nâng lên, v.v. Việt Nam không chỉ là
biểu tượng của “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” mà còn là tấm gương “xóa đói,
giảm nghèo”, điểm sáng thu hút bạn bè đến đầu tư, thăm quan, du lịch. Việt Nam
tham gia ngày càng mạnh mẽ vào đời sống chính trị thế giới; thiết lập quan hệ
ngoại giao với 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó quan hệ đối tác chiến lược
và đối tác toàn diện với 13 nước. Việt Nam là: thành viên chính thức của WTO;
Ủy viên Hội đồng Nhân quyền tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 68); Tổng Thư
ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017; Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện IPU-132,
v.v. Vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc
tế. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và
phong trào cánh tả trên thế giới vẫn phát triển mạnh mẽ; đặc biệt, Trung Quốc -
nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là minh chứng sinh động cho sức sống
bất diệt của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, phản bác mạnh mẽ nhất những luận điệu
xuyên tạc.
Một thủ đoạn thâm hiểm nữa mà
các thế lực thù địch thường sử dụng như đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào dịp
nước ta kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trên các trang mạng,
họ lại tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc ý nghĩa của sự kiện quan
trọng này. Chúng đưa ra luận điệu: Cách mạng Tháng Tám với việc lập
ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm
quyền chỉ là sự “ăn may” khi phát-xít Nhật đầu hàng đồng minh, chứ Đảng Cộng
sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có vai trò gì. Trắng trợn và lố bịch
hơn, chúng còn rêu rao rằng, Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc vào “thảm họa”
với hai cuộc chiến tranh (1945 - 1954 và 1954 - 1975), làm cho đất nước bị tàn
phá, dân tộc bị phân ly và ngày nay vẫn nghèo nàn, đói khổ, v.v. Theo họ, giá
như không đi theo con đường những người cộng sản vạch ra mà bằng cách xin
“chính quốc” trao trả độc lập thì nước ta vẫn có độc lập, tránh được chiến
tranh, đi theo con đường của các nước tư bản để tới phồn vinh (!) Một số kẻ còn
lập luận rằng: từ sau cuộc đảo chính của Nhật (09-3-1945), Đông Dương nói chung
và Việt Nam nói riêng không còn là thuộc địa của Pháp, mà là thuộc địa của
Nhật. Trong khi đó, phát-xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh cho tơi tả, phải
chịu thất bại thảm hại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, ở Đông Dương
xuất hiện “khoảng trống quyền lực” cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành
thắng lợi (?). Thực chất những quan điểm trên là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành quả cách mạng to lớn của nhân dân ta.
Thực tiễn minh chứng, ngay từ
khi vừa ra đời, Đảng ta đã phát động, lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931 và
1936-1939. Đó là những cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho Tổng khởi nghĩa
giành chính quyền. Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, tình
hình thế giới và ở Đông Dương biến chuyển căn bản. Đảng ta nhận định và chuyển
hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và phát
động cao trào đấu tranh mới tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tại Hội
nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), Đảng ta xác định: “Trong lúc này nếu
không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do
cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi
kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi
lại được”2. Ngày 09-3-1945, phát-xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ
chính quyền Pháp. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập
hội nghị mở rộng và ngày 12-3-1945 ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và
hành động của chúng ta”. Hội nghị quyết định phát động cao trào chống
Nhật, cứu nước trong toàn quốc, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cả dân
tộc ta gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng, tạo và đón lấy thời cơ để
vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 14-8-1945, Nhật
Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, bọn tay sai của
chúng đã hoang mang đến cực độ. Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị
toàn quốc, nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và cử ra Ủy
ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay đêm 13-8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra
Lệnh khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp, quyết định
thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh
tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay trong ngày 16-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến.
Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”3.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhân dân cả nước đã nhất tề vùng lên, chỉ trong vòng
chưa đầy nửa tháng, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã thành công, lật đổ
bộ máy thống trị phát-xít cùng triều đình phong kiến, thiết lập chính quyền
cách mạng trên cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02-9-1945, tại
Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc
lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra con đường phát
triển của dân tộc. Như vậy, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi nhanh
chóng là nhờ sự tài tình của Đảng và Bác Hồ trong nghệ thuật chỉ đạo và lãnh
đạo cách mạng; sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, lực lượng,… nhất là, việc dự
báo, chớp lấy thời cơ lịch sử “ngàn năm có một” để lãnh đạo nhân dân Việt Nam
đứng lên tự giải phóng mình, chứ không hề ngồi yên trông mong, chờ đợi một
“khoảng trống quyền lực” hay một khoảng “chân không chính trị” nào; càng không
bao giờ ngồi chờ “trao trả độc lập”.
Sự thật sinh động của những
ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử khẳng định rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công
không phải là “sự ăn may” như ai đó từng hồ đồ tuyên bố. Giá trị lịch sử
và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét