PHÊ PHÁN MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI,
XUYÊN TẠC VỀ LỢI ÍCH QUỐC GIA - DÂN TỘC Ở VIỆT NAM
Lợi ích quốc gia - dân tộc là một vấn đề vô cùng hệ trọng đối với tất cả
các nước trên thế giới. Bài viết khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt
lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, nhất quán trong chính sách đối nội và
đối ngoại. Điều này không chỉ thể hiện trong quan điểm, chủ trương, chính sách
mà thực tiễn cũng đã chứng minh. Đồng thời, bài viết phê phán những luận điệu
xuyên tạc vấn đề này nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn
định chính trị.
1.
Về lợi ích quốc gia - dân tộc
Lợi
ích quốc gia - dân tộc luôn là kim chỉ nam trong việc hoạch định chủ trương,
đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nó bao hàm trong đó “tất cả
những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư
cách quốc gia - dân tộc có chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ;
đồng thời, thể hiện sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo
hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú,
tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh
quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia, dân
tộc”(1).
Lợi
ích quốc gia không phải lúc nào cũng đồng nhất với lợi ích dân tộc. “Lợi ích
quốc gia thiên về đại diện lợi ích của giai cấp cầm quyền. Lợi ích dân tộc
thường được hiểu là lợi ích của mọi người dân của một nước. Khái niệm lợi ích
quốc gia - dân tộc có hướng tổng hợp cả hai khái niệm trên”(2). Đã
từng có trường hợp, giới cầm quyền hy sinh lợi ích dân tộc vì lợi ích giai cấp,
lợi ích phe nhóm. Năm 1870, khi thủ đô Paris (Pháp) bị quân Phổ bao vây thì
Chính phủ vệ quốc của giai cấp tư sản lại đầu hàng, không đứng về phía nhân dân
trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Nội
hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc cũng có sự khác nhau trong từng thời điểm
lịch sử. Ở Việt Nam, dưới chế độ phong kiến, lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân
tộc là độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo đất nước, lợi ích quốc gia - dân tộc không chỉ là giành độc lập dân
tộc để giữ chủ quyền lãnh thổ mà còn là đi lên CNXH. Nhưng trong giai đoạn
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mục tiêu độc lập dân
tộc, giữ chủ quyền lãnh thổ được đặt lên trên.
Từ
khi thống nhất đất nước đến nay, lợi ích cốt lõi quốc gia - dân tộc Việt Nam là
độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội XHCN. Hiện nay, nội hàm
bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc ở Việt Nam được thống nhất với nội hàm bảo vệ
Tổ quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà
nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”(3).
Ngày
nay, lợi ích giữa các quốc gia được thể hiện trên cơ sở vừa hợp tác, vừa cạnh
tranh quyết liệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hòa bình, hợp
tác và phát triển là xu thế chủ đạo, song bên cạnh đó vẫn có những mâu thuẫn,
xung đột diễn ra dưới nhiều hình thức rất phức tạp. Vì vậy, việc bảo đảm được
lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề hệ trọng đối với mỗi quốc gia nhằm bảo vệ
đất nước và thực hiện hợp tác quốc tế.
Trong
khi đó, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm đang là một trong những nguy cơ gây tổn
hại đến sự phát triển đất nước, lợi ích của nhân dân, phá hoại khối đại đoàn
kết, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chỉ có thể giữ vững
những thành quả cách mạng mà chúng ta đã đạt được khi “luôn ghi nhớ trong tâm
khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là
tối thượng”(4).
Những
thành tựu, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam đạt được như ngày nay
đã chứng minh quan điểm đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết
của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt. Tuy nhiên, hiện nay đang có một số
luận điểm thể hiện sự nhận thức phiến diện phạm trù lợi ích quốc gia - dân tộc;
nguy hiểm hơn có luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước Việt Nam nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc cũng
như gây mất ổn định chính trị ở nước ta.
2.
Một số luận điệu sai trái, xuyên tạc về lợi ích quốc gia - dân tộc
Thứ
nhất, luận điệu cho rằng bảo vệ chế độ XHCN không phải là nội hàm của bảo vệ
lợi ích quốc gia - dân tộc
Ý
kiến này cho rằng: “Bảo vệ Tổ quốc chỉ là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền
quốc gia, chứ không phải là bảo vệ một chế độ chính trị hay một đảng phái nào”.
Thậm chí, những người này còn tuyên truyền rằng phải “tỉnh ngộ”, từ bỏ CNXH thì
đất nước mới có điều kiện để bảo đảm và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia. Họ
còn đưa ra luận điệu đòi “Đánh đổi chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo lấy sự cam kết của một số cường quốc phương Tây, làm đối
trọng với Trung Quốc” để giữ gìn độc lập, chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia
dân tộc(5). Bản chất của luận điệu này chính là muốn tách rời mục
tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
Thực
tiễn lịch sử của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho thấy, cuộc đấu
tranh giành độc lập dân tộc đi theo con đường phong kiến hay tư sản đều thất
bại. Trên hành trình tìm đường cứu nước, từ việc tìm hiểu chủ nghĩa Mác -
Lênin, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết
luận: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân
tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(6).
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã chứng minh sự lựa chọn đó là đúng đắn.
Nhưng
CNXH không chỉ là mục tiêu để giành độc lập dân tộc, mà việc thực hiện các mục
tiêu của CNXH còn là cơ sở để củng cố vững chắc độc lập dân tộc và các giá trị
của độc lập dân tộc mới được thực hiện đầy đủ. Đối với Việt Nam, từ khi có Đảng
Cộng sản, độc lập dân tộc là một nền độc lập thật sự chứ không phải là thứ “độc
lập giả hiệu”, “độc lập nửa vời”, “độc lập hình thức”.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nền độc lập đó phải gắn với dân chủ, tự do, ấm no
và hạnh phúc cho nhân dân lao động, nghĩa là độc lập dân tộc phải gắn với CNXH.
Bởi vì: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét,
thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của
độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(7).
Thực
tiễn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử. Nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, trở thành một trong
những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Thu
nhập bình quân đầu người từ 200 USD năm 1990 lên 2.779 USD năm 2020. Quy mô nền
kinh tế nước ta đạt khoảng 271,2 tỷ USD năm 2020(8). Năm 2019, tăng
trưởng GDP cả nước đạt 7,02%. Năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19,
nhiều nước trên thế giới đã rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia
hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương (+2,91%), dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm
an sinh xã hội(9). Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ với
khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc
gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định song phương với hơn 100 nước. Văn hóa, xã
hội và đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Thành tựu về xóa đói giảm
nghèo của Việt Nam đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ
lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 53% năm 1993 xuống còn dưới 4% năm 2019(10).
Những
thành tựu đó của chúng ta đã được thế giới ghi nhận. Bằng chứng là, Việt Nam
được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng
Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ
2013 - 2017, Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016
- 2018. Năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm ba trọng trách: Ủy viên không
Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch
AIPA.
Những
thành tựu trên là minh chứng cho sự gắn kết giữa độc lập dân tộc và CNXH, con
đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết:
“Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề độc lập cho dân
tộc và cuộc sống tự do, hạnh phúc cho số đông nhân dân. Thực tiễn Việt Nam, từ
khi có Đảng Cộng sản, có Nhà nước XHCN, nhất là 35 năm đổi mới, đã chứng minh
điều này. Trong đại dịch Covid-19, những thành công đạt được trong hỗ trợ người
dân chăm lo sức khỏe, phát triển kinh tế, ổn định đời sống đã minh chứng ở Việt
Nam “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng ta không chỉ tăng trưởng kinh tế mà
còn giải quyết được nhiều vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản
chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”(11).
Những
thành tựu đó một lần nữa chứng minh, để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc ở
Việt Nam phải bảo vệ cả độc lập chủ quyền, bảo vệ nhân dân thống nhất với bảo
vệ chế độ XHCN.
Thứ
hai: luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không đại diện cho lợi ích quốc
gia - dân tộc và bất cứ lực lượng nào đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên
hết đều có thể trở thành lực lượng lãnh đạo.
Trong
thời gian qua, các thế lực thù địch đã tung nhiều thông tin xuyên tạc, như:
“Cộng sản khinh dân, Đảng Cộng sản đã mạo nhận là đội tiên phong của giai cấp
công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc
Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao
động. Trong lịch sử, không có khi nào Đảng Cộng sản phục vụ lợi ích của giai
cấp công nhân và nhân dân lao động mà cộng sản chỉ lợi dụng công nhân và nhân
dân lao động để phục vụ quyền lợi của Đảng Cộng sản”(12)... Lợi dụng
một số hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình
trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhiều kẻ đã rêu rao: “Đảng
không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng không còn mang bản chất cách
mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc”(13).
Trong khi Đảng nhận rõ những hạn chế, tăng cường chỉnh đốn Đảng, chúng lại cố
tình phủ nhận những nỗ lực của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
cho rằng những hành động đó không phải vì lợi ích dân tộc mà chỉ nhằm “che mắt
thế gian”, “ta đánh mình, mình đánh ta”, “chỉ dám đánh con tôm, con tép”(14)...
Do đó, họ cho rằng, lực lượng nào lãnh đạo không quan trọng, miễn là đặt lợi
ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Đây là quan điểm sai trái, muốn tách rời
Đảng với dân tộc, muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối
với toàn xã hội.
Trước
hết, cần khẳng định, ở Việt Nam, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đủ trí
tuệ, bản lĩnh để lãnh đạo đất nước, mà cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới
thực sự vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong lịch sử, đã xuất hiện những lực
lượng muốn vươn lên vị trí lãnh đạo nhưng hoặc không đủ khả năng hoặc là những
kẻ cơ hội. Năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản xuất hiện thêm hai đảng là Việt Nam
Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt cách) và
nhiều tổ chức, đảng phái chính trị khác. Thực chất, lãnh đạo cách mạng Việt Nam
chỉ có Đảng Cộng sản, các đảng phái khác không đại diện cho lợi ích của nhân
dân và dân tộc. Khi quân Trung Hoa Dân quốc rời khỏi Việt Nam, hai đảng cũng
rút theo. Như vậy, những đảng phái không đứng về phía nhân dân, không thực sự
mang lại lợi ích chính đáng cho nhân dân đã bị chính lịch sử và nhân dân loại
bỏ. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là sự lựa chọn của lịch sử,
của nhân dân.
Sự
lựa chọn đó là đúng đắn. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt
Nam đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong
hơn 92 năm qua, thành công của Đảng có được vì lợi ích của Đảng thống nhất với
lợi ích của dân tộc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đồng thời,
lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp được bảo đảm khi đặt đưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này hoàn toàn khác với đảng chính trị trong thể
chế đa đảng, khi đảng đó chỉ đại biểu cho một nhóm lợi ích nhất định, mà trong
rất nhiều trường hợp lợi ích cục bộ của đảng phái mâu thuẫn, xung đột với lợi
ích chung của xã hội.
Đối
với Đảng Cộng sản Việt Nam, bất cứ người nào, không phân biệt thành phần xuất
thân, khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng, tự nguyện đứng trên lập trường giai
cấp công nhân để phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thực hiện theo Cương
lĩnh và Điều lệ Đảng, đều được bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng. Điều lệ Đảng ghi
rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành của giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và của dân tộc”(15). Đảng không có lợi ích nào
khác ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc, của nhân dân; Đảng đấu tranh kiên
quyết với mọi biểu hiện chủ nghĩa biệt phái, “lợi ích nhóm”, không chỉ có nguy
cơ gây chia rẽ nội bộ mà còn làm suy giảm năng lực đại biểu cho lợi ích của
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Lịch
sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đã chứng minh, Đảng luôn đặt lợi ích quốc
gia - dân tộc lên trên hết. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, khi phát xít Nhật
vào Đông Dương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng “Trong lúc này quyền lợi
dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(16), lợi ích của giai cấp, của
bộ phận phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trở thành
Ðảng cầm quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc vẫn được Ðảng đặt lên hàng đầu, tất
cả vì đoàn kết dân tộc, giữ vững nền độc lập vì tự do, hạnh phúc của nhân
dân.
Do
hoàn cảnh lịch sử đặc biệt phải chống thù trong, giặc ngoài, Ðảng Cộng sản phải
rút vào hoạt động bí mật, “Ðể tỏ rằng: những đảng viên cộng sản là những chiến
sĩ tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng
của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp,
hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc”(17).
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, những người cộng sản luôn đi
đầu trong sự nghiệp đấu tranh và chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc.
Cũng
vì luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, Đảng sẵn sàng thẳng thắn
nhìn nhận sai lầm, khuyết điểm để sửa sai. Năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
với bút danh Trí Cường đã viết tác phẩm Tự chỉ trích, một mẫu mực về đấu tranh
tự phê bình và phê bình, làm rõ những khuyết điểm của Đảng khi không đoàn kết,
không nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong cuộc bầu cử vào Viện Dân
biểu, Hội đồng Quản hạt ở Nam Kỳ... Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch
Hồ Chí Minh viết Sửa đổi lối làm việc với tinh thần tự phê bình nghiêm túc. Đến
Đại hội VI, Đảng đã tự phê bình và chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, từ đó đưa
ra đường lối đổi mới. Tinh thần thẳng thắn này tiếp tục được thể hiện trong
Nghị quyết Trung ương sáu (lần hai) Khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI
về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4
Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Sau
khi đất nước thống nhất, bước sang giai đoạn xây dựng CNXH, lợi ích quốc gia -
dân tộc vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng nhận thức sâu sắc qua các kỳ
Đại hội, nhất là thời kỳ đổi mới. Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (tháng 7-2003)
chỉ rõ: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc
giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện
công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao
nhất của Tổ quốc”(18). Đại hội XI của Đảng (năm 2011) xác định, mục
tiêu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mới là “vì lợi ích quốc gia, dân
tộc”. Như vậy, vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc luôn được Đảng khẳng định:
“Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản
của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi”(19).
Cuộc
chiến chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất
kể người đó là ai” đã khẳng định, tất cả những cán bộ đảng viên chỉ vì lợi ích
cá nhân, vì lợi ích nhóm mà bỏ quên và làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân,
của đất nước, đều bị nghiêm trị. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được kết quả tích cực. Các
cấp ủy đã kiểm tra gần 265.000 tổ chức đảng viên và trên 1,1 triệu đảng viên.
Trong đó, đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên.
Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra
Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 229 đảng viên(20).
Trong
cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn hành động vì
lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Cả hệ thống chính trị đã
vào cuộc quyết liệt, chung sức, đồng lòng, khoanh vùng, kiểm soát, đón người
Việt từ vùng dịch về, hỗ trợ doanh nghiệp, những đối tượng yếu thế trong xã
hội... Tổ chức Y tế thế giới, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, báo chí các nước
ghi nhận và đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam. Nhờ những
thành tựu đó, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng đã tăng lên rất nhiều, cho
thấy sự ghi nhận của nhân dân đối với sự nỗ lực, tinh thần vì dân, vì nước của
đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ
ba, luận điệu xuyên tạc cho rằng Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam không bảo
vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền,
biển đảo.
Trước
một số sự việc liên quan đến vấn đề về biên giới lãnh thổ, nhất là vấn đề ở
Biển Đông, có luận điệu cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam vì vấn đề hệ tư tưởng
mà “bỏ quên” lợi ích quốc gia - dân tộc. Thậm tệ hơn, họ xuyên tạc trắng trợn
khi cho rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam “nhu nhược” trong đường lối, chính sách
bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; những đối sách của Đảng, Nhà nước né tránh
vấn đề Biển Đông. Và rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam đã “thỏa thuận” với Trung
Quốc trong vấn đề Biển Đông, “Việt Nam làm ngơ về Biển Đông”, Việt Nam và Trung
Quốc “ngầm thỏa thuận” để không làm căng thẳng tình hình Biển Đông(21).
Thậm chí có ý kiến cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam đã bán nước cho Trung Quốc
vì lợi ích của Đảng, vì cùng chung ý thức hệ(22).
Lợi
dụng, dựa dẫm vào những luận điệu xuyên tạc trên và “nhân danh” “vì
lợi ích quốc gia - dân tộc”, vì “lòng yêu nước”, một số kẻ gây rối, kích động
nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước; gây ra một số vụ bạo loạn, làm phức tạp tình
hình xã hội, tạo hận thù dân tộc, chia rẽ nội bộ và làm căng thẳng quan hệ đối
ngoại của Việt Nam.
Phải
khẳng định lại lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tất cả phải vì
lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam sẽ không bao giờ nhân nhượng trước những gì
thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”(23).
Bên cạnh đó, cũng phải bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây
dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, Việt Nam cần giải quyết các tranh chấp,
bất đồng một cách “khôn khéo, kiên quyết” bằng các biện pháp hòa bình trên cơ
sở luật pháp quốc tế. Hoàn toàn không phải là “nhu nhược” hay vì “cùng ý thức
hệ” như những kẻ chống phá xuyên tạc.
Nhìn
lại lịch sử dân tộc, chúng ta luôn nhớ những bài học của ông cha trong ứng xử
với triều đình phong kiến phương Bắc. Chẳng hạn như chính sách “Trong xưng đế,
ngoài xưng vương”, bề ngoài trên danh nghĩa chịu “thần phục”, chấp nhận cống
nạp để được phong chức tước, công nhận chủ quyền, hoãn binh, ngăn chặn chiến
tranh, giữ yên bờ cõi... bên trong thì xưng “Hoàng Đế” để cai quản, trị vì đất
nước. Hay bài học trong sự kiện năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
quyết định ký Hiệp định Sơ bộ (ngày 6-3-1946) với Pháp theo “hòa để tiến”.
Những hành động như vậy không phải là “nhu nhược” mà chính là để bảo vệ cái cốt
lõi nhất của lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ hòa bình. Đảng Cộng sản Việt
Nam kiên định phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; trong đó, lợi ích “bất
biến” là độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội XHCN làm kim chỉ
nam để ứng xử một cách có nguyên tắc nhưng rất linh hoạt với mọi tình thế.
Không
phải là một nước lớn nên Việt Nam cần có cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt để bảo
đảm hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước. Việt Nam đã và đang áp dụng
triệt để các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc, thể hiện sự nhất quán
trong quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước: Việt Nam luôn nỗ lực trong
giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn
trọng luật pháp quốc tế(24); tôn trọng, ưu tiên áp dụng quy định của
điều ước quốc tế(25), tích cực thực hiện các cam kết quốc tế; nhất
quán thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”(26) (không
tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia;
không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước
khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Thực hiện điều này giúp Việt Nam tránh được xung đột về quân sự, tránh bị cô
lập về kinh tế, cô lập về ngoại giao, tránh bị lệ thuộc về chính trị. Chủ
trương đúng đắn và các nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền
quốc gia đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và
nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp, lập
trường chính nghĩa của Việt Nam.
Tại
Đại hội XII, Đảng ta khẳng định lợi ích quốc gia là “tối cao”, nghĩa là bất di
bất dịch. Đến Đại hội XIII, trước tình hình chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi
dậy, Đảng đã có sự điều chỉnh phù hợp khi nhấn mạnh “bảo đảm cao nhất lợi ích
quốc gia - dân tộc”, cùng với những yếu tố hài hòa lợi ích riêng và lợi ích
chung. Đó là tôn trọng và bảo đảm lợi ích chính đáng của các quốc gia khác trên
cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đó cũng chính là vì lợi
ích quốc gia - dân tộc mình.
“Đất
nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay"(27), có được điều đó là vì, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã
luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, cũng như đã xác định được con
đường phát triển cho toàn thể dân tộc: con đường độc lập dân tộc gắn liền CNXH.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản Việt Nam - lực lượng duy nhất có đủ
bản lĩnh và trí tuệ lãnh đạo đất nước cũng luôn bảo vệ lợi ích của Tổ quốc.
Những thành tựu đó là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định sự lựa chọn lực lượng
dẫn dắt dân tộc và con đường phát triển của nhân dân ta là hoàn toàn đúng đắn,
là sự thật mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc được.
__________________
(1)
Phạm Bình Minh (chủ biên): Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam
trong giai đoạn mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011,
tr.208-209.
(2)
Đặng Đình Quý: Bàn thêm về lợi ích quốc gia dân tộc trong hoạt động đối
ngoại Việt Nam giai đoạn mới, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 1 (80), Hà
Nội, 2010, tr.115.
(3)
ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.81.
(4) “Lợi
ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng”,
https://dangcongsan.vn/thoi-su/loi-ich-cua-quoc-gia-dan-toc-cua-nhan-dan-cua-dang-la-toi-thuong-509240.html,
truy cập ngày 26-12-2018.
(5)
Xem: “Thực chất “hai kịch bản” cho Việt Nam là gì?”, báo Quân đội
nhân dân, số ra ngày 29-8-2011, tr.8.
(6)
Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà
Nội, 2000, tr.128.
(7)
Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2011, tr.175.
(8),
(19), (27) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.61, 162-163, 25-26.
(9)
Việt Dũng: “IMF: Năm 2020 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên
10.000 USD”,
https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/imf-nam-2020-gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-viet-nam-dat-tren-10000-usd-331067.html,
truy cập 04-01-2021.
(10)
Xem: “Toàn văn Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, ngày
21-10-2019.
(11) “Bài
viết của Tổng Bí thư về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, https://vietnamnet.vn/
vn/thoi-su/chinh-tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-737210.html,
truy cập ngày 16-5-2021.
(12),
(14) Ban Tuyên giáo Trung ương: Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng
của Đảng trong tình hình mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020,
tr.79-80, 110.
(13)
Cục Tuyên huấn: Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá
cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, Nxb Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2019, tr.45.
(15)
ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.4.
(16)
Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,
tr.230.
(17)
ĐCSVN: Văn kiện Ðảng Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2000, tr.19.
(18)
Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Trung
ương 8 khóa IX, Nxb Chính trị quốc giaS ự thật, Hà Nội, 2003, tr.46-47.
(20)
Phạm Đông, Hải Nguyễn: “Đã kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000
đảng viên”, https://laodong.vn/thoi-su/da-ky-luat-hon-1300-to-chuc-dang-va-gan-70000-dang-vien-893289.ldo,
truy cập ngày 27-3-2021.
(21)
Xem: Thông tin nội bộ, Bản tin của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, số tháng
9-2016, tr.50.
(22)
Hội đồng Lý luận Trung ương: Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc
cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2017, tr.295.
(23)
Xem: Tạp chí Biển Việt Nam, số tháng 2-2020, tr.9.
(24)
ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.148.
(25)
Trong các văn bản luật của Việt Nam đều có quy định ưu tiên áp dụng điều ước
quốc tế trong trường hợp có khác biệt giữa quy định của nội luật và điều ước
quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Điều 6.1 Luật số 108/2016/QH13 về Điều ước
quốc tế ngày 09-4-2016, Luật Biển.
(26)
Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2019, tr.25, 26-29.
Nguồn:
Tạp chí Lý luận chính trị, Bản điện tử, Thứ bảy, 18 Tháng 6 2022
TS NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét