PHÊ PHÁN LUẬN
ĐIỂM ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
KHÔNG THỂ CHỐNG
THAM NHŨNG, SUY THOÁI
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang triển khai thực hiện Nghị
quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Kết
luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị;
kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về
chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lợi dụng
tình hình dư luận xã hội đang bức xúc về tệ nạn tham nhũng, suy thoái của một số
cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ các vị trí lãnh đạo cơ quan chính
quyền, quản lý kinh tế; công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng,
suy thoái của Đảng còn hạn chế, khuyết điểm, dẫn đến kết quả chưa đạt mục tiêu,
yêu cầu đặt ra, một số người đã tung ra luận điểm “Đảng Cộng sản Việt Nam không
thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công”. Họ cho rằng: Tham nhũng,
suy thoái là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền; vì xã hội ta thiếu
dân chủ nên không thể chống tham nhũng, suy thoái thành công; đã nhiều lần phát
động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng
gia tăng... Từ đó, họ kết luận cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái của Đảng
Cộng sản Việt Nam không thể thành công.
Cần nhận thấy rằng, quốc gia nào cũng vậy, trong mỗi thời điểm
đều do một đảng cầm quyền. Khi đảng nào cầm quyền thì người đứng đầu và các chức
vụ quan trọng của chính quyền nhà nước đều do người của đảng đó đảm nhiệm; đường
lối, chủ trương của đảng cầm quyền sẽ chi phối đường lối, chính sách của quốc
gia. Dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn
tham nhũng, suy thoái vẫn thường xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống
pháp luật khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế, xã hội cao. Điều quan trọng
hơn hết là đảng nào có mục tiêu vì nước, vì dân, giáo dục, quản lý tốt cán bộ,
đảng viên, thì có thể hạn chế đến mức thấp nhất nạn tham nhũng, suy thoái,
không gây nên những tiêu cực lớn đối với xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời, lãnh đạo cuộc đấu
tranh giành chính quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng tuyệt đại đa số đều là những
nhà cách mạng tự nguyện từ bỏ lợi ích bản thân, xả thân chiến đấu hy sinh vì sự
nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt của
các nhà lãnh đạo Đảng, các cán bộ, đảng viên, mãi mãi lưu danh trong lịch sử vẻ
vang của Đảng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai,
Võ Văn Tần, Hoàng Văn Thụ,…
Trong kháng chiến, đảng viên cộng sản là những người tiên
phong nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, chấp nhận hy sinh bản thân mình để
giành thắng lợi cho cách mạng. Họ đã trở thành những anh hùng bất tử, nêu tấm
gương sáng cho bộ đội và nhân dân noi theo quyết chiến quyết thắng với quân
thù. Khi đó, cũng có một số người phạm vào tội lỗi tham ô, lãng phí, quan liêu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án, gọi đó là “giặc nội xâm”, là bạn đồng minh của thực
dân và phong kiến. Tội lỗi đó làm hại đến tính mệnh và tài sản của nhân dân,
làm mất thanh danh, uy tín của Đảng và Nhà nước. Những kẻ phạm tội đó, dù ở
cương vị nào cũng phải đem ra xét xử theo đúng pháp luật để đề cao phép nước.
Chính vì sự tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên và việc Đảng, Nhà nước xử
lý không khoan nhượng đối với những người phạm tội với cách mạng, với nhân dân,
đã khiến cho Đảng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo kháng chiến thắng lợi.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc,
biết bao cán bộ, đảng viên Quân đội ngày đêm ở nơi xa xôi biển đảo, biên cương
canh giữ chủ quyền đất nước; nhiều cán bộ, đảng viên Công an dũng cảm chiến đấu
trên mặt trận thầm lặng, giữ gìn an ninh chính trị và cuộc sống yên bình cho
nhân dân; những cán bộ, đảng viên trực tiếp sản xuất vất vả trong nhà máy, trên
đồng ruộng; những cán bộ, đảng viên lao động trí óc ngày đêm miệt mài nghiên cứu,
sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung, không tính toán thiệt hơn,
không đòi hỏi sự ưu ái cho riêng mình.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ
rõ: “công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ
đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều
kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích
cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự "đã trở thành phong
trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng
tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước
đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị,
phát triển kinh tế-xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân
dân đối với Đảng, Nhà nước ta”. Đó là những minh chứng khẳng định Đảng ta xứng
đáng là lực lượng lãnh đạo. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế
như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội
ngũ cán bộ, đảng viên”.
Như vậy, từ thực tế nền
chính trị các quốc gia trên thế giới và lịch sử chế độ chính trị Việt Nam thời
hiện đại đã chứng tỏ chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh
ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái trong xã hội. Vấn đề dân chủ trong xã hội, đây
là một vấn đề lớn, không một quốc gia nào dám tự coi là đã thực hiện một cách
hoàn hảo. Mỗi quốc gia, dân tộc thực hiện dân chủ xã hội tùy thuộc vào tình
hình chính trị - xã hội, sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, trình độ phát
triển kinh tế, xã hội, truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc và trình độ
dân trí…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét