PHẢN BÁC NHỮNG
LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, XUYÊN TẠC VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thông qua các phương
tiện truyền thông, các thế lực phản động thiếu thiện chí, thù địch, bất mãn, cơ
hội chính trị đã tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, Hiến pháp, pháp luật
của Nhà nước nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng
xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, qua đó hạ thấp vai trò lãnh đạo, uy
tín của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ. Bài viết phân
tích, luận giải và phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc về
phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác
phòng, chống tham nhũng được đề cập trong các văn kiện của Đảng như: Cương
lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, là cơ sở chính trị trong công tác phòng,
chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, chủ trương
của Đảng thành các bộ luật, luật, nghị định, thông tư..., tạo hành lang pháp lý
vững chắc, góp phần hoàn thiện từng bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không
thể tham nhũng”, cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”
và cơ chế để “không cần tham nhũng”.
Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và cả hệ
thống chính trị đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các
ngành với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn” và đã đạt
được những kết quả rõ rệt; được người dân đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc
tế ghi nhận và đánh giá cao.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ
luật trên 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy
viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 22 sĩ quan cấp tướng
trong lực lượng vũ trang(1).
Mặc dù vậy, kết quả đấu tranh chống tham nhũng cũng là chủ đề mà
các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để công
kích, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm thực hiện các mưu đồ “diễn biến hòa bình”. Chúng
đưa ra những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng
và Nhà nước ta, như:
Chúng xuyên tạc rằng: Tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, trong một thể chế mà không có tư pháp độc lập, toà án xử
theo lệnh của Đảng không thể chống được tham nhũng. Hoặc bản thân bộ máy đẻ ra
tham nhũng, cái lò này đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đẻ ra tham nhũng
này đi, chứ không phải đốt những kẻ tham nhũng; bởi không bao giờ đốt hết được
cả(2).
Nghiên cứu về tham nhũng cho thấy, khi nào xã hội còn tư hữu và
tồn tại các hình thức sở hữu khác nhau, các giai cấp khác nhau thì tham nhũng
còn xuất hiện, tồn tại ở những mức độ và tính chất nhất định. Ở đâu có quyền
lực, có tổ chức nhà nước mà bị tha hóa, không kiểm soát được quyền lực, minh
bạch hoạt động thì nguy cơ tham nhũng đều có thể xảy ra. Do đó, dù là hình thức
nhà nước nào, thể chế chính trị nào, tham nhũng đều tồn tại. Thực tế, tham
nhũng có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và các nước đều đặc biệt quan
tâm tìm cách thức để phòng ngừa, xây dựng thiết chế ngăn chặn, hạn chế, đẩy
lùi.
Việt Nam đã chuyển từ mô hình nhà nước tập quyền XHCN sang mô
hình nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là bước đổi mới trong tư duy lý luận về xây
dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước của Đảng. Sự đổi mới này dựa trên nhận thức
đúng đắn về những hạn chế của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trước đây cũng
như những giá trị đã được thừa nhận chung của nhân loại về nhà nước pháp quyền.
Đảng đã tiếp thu chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại về nhà nước pháp
quyền và quản trị nhà nước hiện đại. Việc lựa chọn mô hình nhà nước pháp quyền
XHCN Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin
về nhà nước XHCN, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân và những giá trị tiến bộ, phù hợp với lý luận về nhà nước pháp
quyền của nhân loại. Về tổ chức quyền lực nhà nước, chúng ta chủ trương tổ chức
theo nguyên tắc: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp,
kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
hành pháp và tư pháp”. Điều này hoàn toàn phù hợp với thể chế chính trị của
nước ta và đã được ghi nhận tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
Luận điệu cho rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế
chính trị ở Việt Nam” là một sự quy chụp, xuyên tạc, vô căn cứ. Nhà nước pháp
quyền XHCN là thống nhất, trong đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp
được phân cấp, phân quyền với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Tòa án xét xử dựa
trên hành vi, chứng cứ phạm tội, chứ không phải “xét xử theo lệnh của Đảng” như
luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thực chất luận điệu xuyên tạc này
nhằm tuyên truyền, cổ xúy cho nhà nước tam quyền phân lập.
Trong khi Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm chính trị, đẩy
mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý hàng loạt cán bộ, đảng
viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì các thế lực thù địch lại đưa ra những
giọng điệu xuyên tạc rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
hiện nay là “cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng”, “là sự đấu đá
nội bộ, phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam”(3).
Việc Đảng lãnh đạo hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác
cán bộ và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay
là tất yếu, khách quan, dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn rõ ràng và đầy đủ.
Bởi lẽ, việc không kiểm soát được quyền lực sẽ dẫn đến những hậu quả khôn
lường, sự “tha hóa quyền lực” và sự lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ
thường đi liền với tham nhũng. Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, nhiều đại
biểu đã chỉ rõ: Phòng, chống tham nhũng trong tuyển dụng công chức, bổ nhiệm
cán bộ rất khó, nhưng đây lại là “nguyên nhân mấu chốt” và tham nhũng cũng từ
đây mà ra. Đặc biệt, tham nhũng trong công tác cán bộ là dạng tham nhũng phổ
biến nhất và cũng khó chống nhất. Dạng tham nhũng này vô cùng nguy hiểm, nó có
thể phá hoại đường lối, chiến lược của Đảng về công tác cán bộ, làm hư hỏng đội
ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Nếu không có giải pháp kiểm soát quyền lực
trong công tác cán bộ và đấu tranh tranh phòng, chống tham nhũng hữu hiệu thì
hệ quả sẽ hết sức nghiêm trọng, sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức yếu
kém, làm mục ruỗng hệ thống chính trị, thậm chí đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 Hội nghị Trung ương 7 khóa
XII đã xác định: kiểm soát chặt chẽ quyền lực là một nội dung trọng tâm, khâu
đột phá trong công tác cán bộ. Theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, cơ chế
kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ có chức, có quyền phải được thực hiện
với sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý
của Nhà nước, vai trò giám sát và phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị -
xã hội, đặc biệt là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân. Nghị quyết yêu
cầu: “mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân
dân; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ
chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng
đội ngũ cán bộ. Tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán
bộ”(4).
Công tác phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có
“ngoại lệ”, không có “đặc quyền” đối với bất kỳ ai. Với quan điểm rõ ràng, cụ
thể đó, luận điệu: “Phòng chống tham nhũng đấu đá nội bộ, tranh giành quyền
lực”; “Đảng không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”... là hoàn toàn sai
lầm và vô căn cứ.
Việc xử lý cán bộ, công chức, đảng viên tham nhũng, vi phạm pháp
luật là hết sức cần thiết, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Phương châm phòng,
chống tham nhũng mà Đảng ta đề ra là: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài;
phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng
ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người
có hành vi tham nhũng, hay bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can
thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, từng bước ngăn chặn, đẩy
lùi tham nhũng; tạo bước chuyển biến rõ rệt nhằm giữ vững ổn định chính trị,
phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà
nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.
Quy định về xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đã xem xét cả đơn
thư nặc danh, như vậy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và đấu tranh
phòng, chống tham nhũng hoàn toàn không phải là cuộc thanh trừng nội bộ, gây
mất đoàn kết, mà nhằm bảo đảm lợi ích nhân dân, giữ vững sự ổn định và phát
triển bền vững của chế độ XHCN.
Trên không gian mạng, các thế lực phản động ra sức tuyên truyền
rằng: “căn nguyên tạo ra tham nhũng là do một đảng lãnh đạo, đảng đứng trên
pháp luật. Vì thế, phải thực hiện đa đảng để không còn hoặc là hạn chế tham
nhũng”(5). Thực tế, chúng muốn lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng để xóa bỏ
sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời, cổ xúy cho tham nhũng, lợi ích nhóm. Chúng
xuyên tạc nhằm gây chia rẽ nội bộ, làm suy giảm ý chí, lòng tin của nhân dân;
giảm ý nghĩa thắng lợi công cuộc phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, một bộ
phận người dân do chưa hiểu đúng, hiểu rõ về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
của Đảng, Nhà nước nên hoài nghi, có những phát ngôn lệch lạc, làm ảnh hưởng
đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ,
do đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta,
vì lợi ích của Đảng, của đất nước và mỗi người dân. Đây là “mặt trận” phức tạp,
gay gắt, quyết liệt, trực tiếp đấu tranh với sự chống đối “vô hình” của những
người đi ngược lại lợi ích chung của Đảng và đất nước. Nhận thức rõ nguy cơ
tham nhũng, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống, tham nhũng,
gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ
đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật để thể chế hóa các chủ trương, đường lối
của Đảng như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự,... Thí dụ, cụ thể
hóa quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có
ngoại lệ, không có hạ cánh an toàn...”, Bộ luật Hình sự Việt Nam đã quy định
không có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm tham
nhũng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn cất lên những tiếng nói lạc
lõng, cố tình xuyên tạc, bóp méo, làm sai lệch vấn đề, định hướng dư luận với
mục đích xấu. Do đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nhận diện đúng
những âm mưu, thủ đoạn tinh vi đó, giữ vững quyết tâm cao trong cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng hiện nay. Mỗi tổ chức, cá nhân phải nhận thức phòng,
chống tham nhũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, kiên quyết phòng, chống
với tinh thần thẳng thắng, quyết liệt. Phòng chống tham nhũng bằng cả cơ chế,
chính sách và hệ thống kiểm soát quyền lực... Có như vậy, tham nhũng, lợi ích
nhóm mới bị đẩy lùi và không còn cơ hội để tồn tại. Đồng thời, phải luôn tỉnh
táo trước các âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn
đề này.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021
(1)
https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/phien-hop-thu-18-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-1491867843.
(2)
http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Chieu-tro-xuyen-tac-Hoi-nghi-Trung-uong-10-ve-phong-chong-tham-nhung-546293.
(3)
http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nhan-dien-ro-rang-dau-tranh-kien-quyet-voi-am-muu-loi-dung-van-de-tham-nhung-de-chong-pha-viet-nam-113014.
(4) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập các Văn kiện Hội
nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia
- Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 50 - 51.
(5)
http://tapchithongtindoingoai.vn/ly-luan-thuc-tien-kinh-nghiem/nhan-dien-va-dau-tranh-voi-thu-doan-xuyen-tac-trong-phong-chong-tham-nhung-32405.
TS TĂNG THỊ THU TRANG
Viện Nhà nước và Pháp luật,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét