Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

 KINH TẾ THỊ TRƯỜNG CÓ THẬT SỰ LÀ SẢN PHẨM 

CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN


Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là kết quả của quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc những quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường của các nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay,  có nhiều quan điểm chưa thống nhất, không ít thế lực ra sức chống phá, xuyên tạc, đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, cho rằng, chỉ có một loại kinh tế thị trường là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Thực chất, đó là luận điểm phản khoa học, không có cơ sở lý luận và thực tiễn, cố tình xuyên tạc mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bởi lẽ:

Nguồn gốc và bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa. Các phạm trù (giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ), quy luật (giá trị, cạnh tranh, cung - cầu) của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù, quy luật của kinh tế thị trường. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản sử dụng để phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thời kỳ đầu mới ra đời là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, chưa có hoặc rất ít sự can thiệp của nhà nước. Sự điều tiết của thị trường - “bàn tay vô hình”, ngoài những mặt tích cực còn đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế chu kỳ, đòi hỏi phải có sự quản lý của nhà nước - “bàn tay hữu hình” để hạn chế, khắc phục những khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường. Ngày nay, nền kinh tế thị trường hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình”, vừa có điều tiết bởi “bàn tay hữu hình”.

Như vậy, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm “riêng có” của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Đến nay, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển, như kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường xã hội ở Đức, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển, kinh tế thị trường phối hợp ở Nhật Bản,…

 Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước kinh tế chưa phát triển, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mô hình này là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Trong đó, đặc trưng của kinh tế thị trường nói chung được thể hiện ở  chỗ, đó là nền kinh tế: Vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và các chủ thể kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ, huy động các nguồn lực phát triển; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Mặt khác, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn mang đặc trưng về định hướng xã hội, đó là nền kinh tế thị trương: Có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là mô hình kinh tế đặc thù lấy cái riêng là định hướng xã hội chủ nghĩa để chế định cái chung là kinh tế thị trường. Nó vừa bao hàm đầy đủ các thuộc tính chung của kinh tế thị trường, nhưng vừa chứa định những cái riêng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó hoàn toàn phù hợp với qui luật phát triển của lịch sử, Bởi lẽ, trong lịch sử phát triển của nhân loại cũng đã chứng minh điều đó.

 Mr Beautiful

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét