Việt Nam đã nhiều lần
nêu quan điểm chính thức về xung đột giữa Nga và Ukraine, thế nhưng, các thế lực
thù địch lại đang cố tình đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc nhằm gieo
rắc sự hoài nghi về đường lối đối ngoại của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam trong
quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sau khi Đại hội đồng Liên Hợp quốc bỏ phiếu
thông qua nghị quyết về xung đột giữa Nga và Ukraine, trên internet, mạng xã hội,
các thế lực thù địch, cơ hội chính trị liên tục đăng tải thông tin, bài viết có
nội dung phê phán, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta
trong quan điểm, cách ứng xử trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga
và Ukraine, từ đó hướng dư luận trong nước và quốc tế hiểu sai lệch về Việt
Nam. Những luận điệu ấy cho rằng quan điểm của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ
ràng”, “lá phiếu phản ánh xu hướng nguy hiểm trong chính sách đối ngoại và đồng
lõa với cái ác”, “lá phiếu gây thất vọng lớn cho người dân Việt Nam”, vu cáo Việt
Nam “hèn hạ và đạo đức giả”, tuyên truyền “viễn cảnh Việt Nam sẽ như Ukraine”.
Có một số luận điệu khác cho rằng Việt Nam đã
không đi theo số đông, cố tình lựa chọn quan điểm trung lập đối với vấn đề xung
đột giữa Nga và Ukraine. Cá biệt, một số người cuốn theo lối suy diễn ấy, đưa
ra các bình luận tiêu cực, thậm chí kích động tư tưởng chống phá, từ đó lấy cớ
vu cáo “người dân ủng hộ đa số” còn quan điểm của Đảng và Nhà nước “chỉ là thiểu
số”. Nhiều bài viết đưa ra luận điệu quy chụp, cho rằng Việt Nam cũng như các
quốc gia chọn giữ thái độ trung lập là những quốc gia đổ lỗi cho Mỹ và phương
Tây đã kích động cuộc xung đột này diễn ra. Ở phương diện khác, từ những
quan điểm, phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam về
tình hình chiến sự tại Ukraine trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các
đối tượng đã cắt xén, thêm thắt, bịa đặt, làm sai lệch thông tin để quy kết cho
phần lớn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ Nga cũng như cuộc chiến tranh
xâm lược Ukraine, từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình, quay
lưng với hòa bình.
Để thấy rõ
được tính chất sai trái, xuyên tạc trong luận điệu, đồng thời chủ động trong nhận
diện, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, cần nhìn nhận, xem xét khách quan,
toàn diện, cụ thể, thấu đáo từ thực tiễn đường lối, chính sách đối ngoại của Việt
Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự điều hành của Chính
phủ trước những bất ổn về chính trị xảy ra tại Ukraine thời gian qua. Chúng ta
khẳng định Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Nhân dân Việt Nam thấu hiểu
và trân trọng giá trị của nền hòa bình, độc lập, tự do. Đảng, Nhà nước và Nhân
dân Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không bao
giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào, như đã và đang xảy ra tại
Ukraine. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam những ngày qua
liên tục truyền đi thông điệp thể hiện rõ quan điểm, lập trường chính thức của
Đảng, Nhà nước Việt Nam không ủng hộ xung đột quân sự xảy ra tại Ukraine, đồng
thời tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh căng thẳng leo
thang gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến nền hòa
bình của nhân loại.
Ngày 01/3/2022, khi Đại hội đồng Liên Hợp quốc
tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ XI thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng
Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc nhấn mạnh:
“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại
và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính
đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc
biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp cho hòa bình, an
ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”.
Ngày 03/3/2022, tại họp báo thường kỳ, trả lời
báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê
Thị Thu Hằng đã khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm
chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn
thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt
được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên
trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và nguyên tắc cơ bản của luật
pháp quốc tế”.
Có thể thấy rằng, kể từ khi cuộc xung đột giữa
Nga và Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất kỳ phát
ngôn và hành động nào ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột
và Việt Nam luôn khẳng định lập trường không thay đổi, đó là Việt Nam không đứng
về bên này chống bên kia hay ngược lại mà luôn đứng về lẽ phải, công lý, luật
pháp quốc tế. Chính vì vậy những luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng Việt
Nam ủng hộ bên này chống bên kia, “cổ súy chiến tranh” là hoàn toàn sai trái,
xuyên tạc.
Cán
bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam phải luôn tin tưởng vào đường lối, chính
sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; giữ vững quan điểm, lập trường tư tưởng
chính trị. Chúng ta không thể lấy những ý kiến, lời bình của các cá nhân đơn lẻ
để quy thành cái chung, cái phổ biến, cái bản chất. Thực tế đòi hỏi chúng ta cần
tỉnh táo để không “tát nước theo mưa”, hùa theo những luận điệu sai trái, xuyên
tạc. Mỗi người cần nâng cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với những luận điệu
sai trái, xuyên tạc về Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét