Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

NHẬN DIỆN CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHỐNG ĐẢNG, NHÀ NƯỚC LIÊN QUAN VỤ ÁN NÂNG GIÁ KIT XÉT NGHIỆM TẠI CÔNG TY VIỆT Á

 

            Ngày 07/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Chu Ngọc Anh (nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) và Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) do những sai phạm liên quan đến vụ án nâng giá kit xét nghiệm xảy ra tại Công ty Việt Á.

          Việc xử lý các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ án Việt Á cho thấy sự quyết tâm không khoan nhượng với hành vi sai phạm trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; khẳng định quan điểm “diệt tận gốc, cắt tận ngọn”; thể hiện một nguyên tắc nhất quán “xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào”. Từ thời điểm xảy ra vụ án đến nay, hàng loạt quan chức, lãnh đạo đầu ngành các địa phương, một số bộ ngành đã bị khởi tố, bắt giam, “lò lửa” chống tham nhũng nóng hơn bao giờ hết; sự quyết liệt, triệt để, không khoan nhượng trong chỉ đạo và hành động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, với phương châm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và thượng tôn pháp luật hơn lúc nào hết được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả.

          Vụ án Việt Á cho đến nay vẫn đang được các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực mở rộng điều tra, lần lượt “đưa ra ánh sáng” những hành vi sai phạm. Điều tra làm rõ đến đâu, giải quyết, xử lý đến đó. Tuy nhiên, lợi dụng những bức xúc của dư luận quần chúng đối với vụ án, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn như Việt Tân, RFA, RFI, BBC Tiếng Việt, VOA… liên tục đăng tải, bình luận, đưa ra những luận điệu để xuyên tạc bản chất vụ việc, cố tình làm sai lệch, tạo dư luận trái chiều công kích, phủ nhận công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta. Mới đây nhất hồi ngày 08/6/2022, trên trang thông tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng bài: “Phản hồi của dân chúng về vụ bắt giữ ba lãnh đạo cấp cao liên quan đến Việt Á”, đưa ra những luận điệu cho rằng “việc bắt giữ ba quan chức mới nhất chỉ là sự đấu đá trong hàng ngũ cấp cao nhất của Đảng Cộng sản và số phận của các lãnh đạo này được định đoạt sau khi cuộc đấu đá này ngã ngũ”. Các đối tượng thường xuyên dùng thủ đoạn phỏng vấn, tán phát các video, hình ảnh, bài viết với nội dung sai trái, cực đoan của những đối tượng gắn mác “chuyên gia”, “học giả”, những cá nhân tự cho mình là những “nhà phản biện” để bóp méo, đả phá đối với sự việc, cho rằng “việc xem xét kỷ luật các quan chức này quá rề rà trong một thể chế độc đảng”, ca tụng chế độ dân chủ pháp quyền “thì những sai phạm kiểu này sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc từ lâu rồi”, quy chụp việc chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng cũng “không thể làm thay đổi được bản chất hư hỏng hết thuốc chữa của hệ thống cai trị này”; đồng thời nghi ngờ sự lựa chọn nhân sự, những con người đang có sai phạm như trên vào lãnh đạo bộ máy chính quyền của Đảng; đổ lỗi việc để xảy ra những vụ án như vậy là do chế độ, lỗi do Đảng, Nhà nước.

          Những luận điệu thù địch thường đi đến kết luận “Ban Chỉ đạo vào cuộc chỉ để giải quyết hậu quả”; rồi quy kết vấn nạn tham nhũng “thủng từ gốc”. Đưa từ vụ việc tại Việt Á, các đối tượng tiếp tục xâu chuỗi những vụ án tham nhũng lớn gần đây rồi quy kết công cuộc chống tham nhũng “chỉ trên khẩu hiệu”, không đạt kết quả nhằm hạ thấp vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng; đổ lỗi do chế độ “độc Đảng, độc quyền”. Từ vụ việc, mục đích các đối tượng tung ra thông tin sai lệch nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tạo hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.

          Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, mà ở tất các quốc gia, dân tộc không phân biệt về thể chế chính trị đa đảng hay một đảng lãnh đạo, không phân biệt về trình độ phát triển xã hội giàu hay nghèo đều xuất hiện tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, không thể lấy vụ án tham nhũng tại Công ty Việt Á cũng như các vụ án tham nhũng, tiêu cực khác để gán ghép, suy diễn là do chế độ “độc đảng” như cái cách mà các thế lực thù địch đang tìm cách đổ lỗi, quy trách nhiệm, cố tình quy kết tình trạng tham nhũng, tiêu cực là do chế độ, do Đảng, Nhà nước.

          Vụ án Việt Á là một vụ án nghiêm trọng, xảy ra vào thời điểm “nhạy cảm” khi toàn xã hội đang gồng mình để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một số cán bộ tha hóa, biến chất, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã lợi dụng dịp “nước sôi lửa bỏng” để “thừa nước đục thả câu” ăn chia lợi nhuận theo kiểu “đục nước béo cò”. Đây rõ ràng là hành vi phải được xử lý và nghiêm trị thích đáng. Ngay khi vụ án xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt để không bỏ lọt sai phạm. Tháng 12/2021, Bộ Công An khởi tố vụ án, bắt Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á và các phần tử liên quan về tội nâng giá bộ xét nghiệm Covid-19 và đưa nhận hối lộ. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã khởi tố hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các cán bộ cấp vụ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc CDC 5 tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế. Và tất nhiên con số chưa dừng lại ở đó, chỉ trong hơn năm tháng (từ giữa tháng 12 năm 2021 đến nay), cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giam 58 người liên quan đến vụ án, trong đó có cán bộ cấp cao các bộ ngành và địa phương. Điều này thể hiện rất rõ quan điểm nhất quán trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.

          Thực tế cho thấy, sai phạm ở vụ án Việt Á là sai phạm mang tính hệ thống, xảy ra trên diện rộng và liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Nhưng không thể đồng nhất với “lỗi hệ thống”, “lỗi của cả bộ máy”. Nguyên nhân căn bản là của sai phạm xảy ra do một số thủ tục trong quá trình đấu thầu được rút gọn để phục vụ công tác chống dịch, việc giám sát còn nhiều sơ hở, thiếu công khai, minh bạch dẫn đến khơi dậy lòng tham của những kẻ thoái hóa, biến chất. Do đó, không thể quy kết nguyên nhân gây ra vụ án là do bản chất và hậu quả của chế độ “độc đảng” và kêu gọi “cải cách thể chế chính trị” là điều phi lý, phi thực tế.  

          Qua vụ án Việt Á cho thấy cuộc chiến chống tham tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ trong nội bộ. Vì vậy, cần phải có những bước đi thận trọng, chuẩn xác để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước. Vụ án cũng chứng minh chủ trương “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta được thực thi trên thực tế chứ không phải “khẩu hiệu suông, mị dân” như luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động. Chính sự chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ, đồng lòng, quyết tâm cao trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị đã để lại dấu ấn nổi bật trong cộng đồng quốc tế, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét