Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh
công kích, chống phá Đảng, Nhà nước ta, tập trung xuyên tạc vào đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Đặc
biệt chúng không ngừng tuyên truyền sai sự thật về công tác phòng, chống tham
nhũng mà Đảng ta đã và đang quyết tâm thực hiện trong thời gian qua. Từ một số
vụ việc tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất của một số cán bộ được phát
hiện trong thời gian gần đây, chúng lấy hiện tượng làm bản chất, quy chụp, cường
điệu hóa cho rằng, toàn bộ cán bộ của Đảng đều rơi vào tình trạng tham nhũng,
suy thoái, thoái hóa, biến chất, suy ra Đảng, Nhà nước tham nhũng và đó là “bản
chất”, là căn bệnh nan y, kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền, dẫn tới hậu
quả là “nền kinh tế đất nước kiệt quệ” do tình trạng tham nhũng, suy thoái. Mục
đích của chúng nhằm vẽ lên một bức tranh tối màu về thực trạng xã hội Việt Nam
do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân, làm mất
niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tạo sự nghi ngờ về quyết tâm chống
tham nhũng của Đảng, đồng thời phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ,
đảng viên với quần chúng nhân dân và làm mất đi sự đồng thuận trong xã hội.
Trước hết, cần phải hiểu tham ô,
tham nhũng, lãng phí là một trong những “căn bệnh”, một “giặc nội xâm” vô cùng
nguy hiểm, có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của một đất nước,
một quốc gia dân tộc. Không chỉ ở các nước đang phát triển, tham nhũng cũng là
một vấn đề khó giải quyết tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển, đặc biệt
khi nó được thực hiện một cách tinh vi dưới những vỏ bọc hợp pháp. Theo đánh
giá của Tổ chức minh bạch thế giới (Transparency International viết tắt là TI),
trên thế giới hiện nay tham nhũng tồn tại ở trên 2/3 các quốc gia và 1/3 tổng số
các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Các quốc gia phát triển
trên thế giới như các nước Bắc Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước trong khối
EU, Ấn Độ, Trung Quốc ..v.v. hiện nay cũng đang phải đối mặt với nạn tham nhũng
rất lớn.
Ở Việt Nam hiện nay, tham nhũng,
lãng phí cũng đang là một vấn nạn bức bối và được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt
quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống “giặc
nội xâm” này. Bác đã chỉ ra những yêu cầu đối với đạo đức của người cán bộ là
phải: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Tiếp nối những tư tưởng của
Bác, Đảng ta trong những năm qua đã và đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham
nhũng trên phạm vi cả nước, “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham
nhũng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, Đảng ta
xác định nạn tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Và trong các văn kiện sau này của Đảng luôn đề cập và ngày càng khẳng định công
cuộc phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng
của Việt Nam. Đại hội XIII có thêm những bước phát triển mới về phòng, chống
tham nhũng, với nhiều biện pháp: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế
răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê
khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức,
nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức
chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình,
các doanh nghiệp và Nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng”; “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt
trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong
phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là vấn đề động viên, khuyến
khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng”; “Có
cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí”; “Kiên
quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm
chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”…
Quán triệt quan điểm đó, công tác
phòng, chống tham những ở nước ta đã diễn ra hết sức quyết liệt, mạnh mẽ. Từ đầu
năm 2022 đến nay đã có hơn 1.200 vụ tham nhũng được điều tra, trong đó, hơn 730
vụ với hơn 1.500 đối tượng đã bị đưa ra tòa. Mới đây nhất, liên quan đến vụ đại
án Việt Á nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và
nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bị khai trừ khỏi Đảng, đồng thời bị khởi tố và
bắt tạm giam liên quan đến “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công
vụ” và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát,
lãng phí. Những kết quả chống tham nhũng ở Việt Nam vừa qua được quốc tế đánh
giá rất cao. Đây chính là tiền đề để thu hút sự đầu tư của các tập đoàn tài
chính nước ngoài vào Việt Nam phát triển kinh tế. Việc Đảng và Nhà nước ta kiên
quyết đẩy mạnh chống tham nhũng, đánh tham nhũng hoàn toàn không phải là sự đấu
đá, tranh giành quyền lực trong nội bộ như luận điệu xuyên tạc của các thế lực
thù địch. Mà đây là hành động thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đấu tranh trong
nội bộ để làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước,
củng cố và tăng cường niệm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam. Đó là sự hiện thực hóa quan điểm “nhìn thằng sự thật, nói đúng sự thật”,
không bao che, giấu diếm khuyết điểm của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và chỉnh
đốn Đảng.
Như vậy có thế khẳng định rằng, đâu
tranh chống tham nhũng ở Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng
Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây là
hoạt động nhằm hướng tới mục đích làm trong sạch bộ máy nhà nước, nâng cao sức
chiến đấu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý
của nhà nước trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay hướng tới thực hiện
thành công mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hôi; làm cho “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
VĐB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét