Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

NHỮNG “TIẾNG LOA RÈ”

 

Những ngày này, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Theo đúng “kịch bản dân chủ” được dựng sẵn, lợi dụng sự quan tâm của dư luận và sức nóng của nghị trường, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã tiến hành các “chiến dịch truyền thông” tiêu cực, tung ra những thông tin sai trái, xuyên tạc về hoạt động của Quốc hội nhằm gây nhiễu loạn dư luận, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong 19 ngày, từ 23-5 đến 16-6. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận trong và ngoài nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Đồng thời, Quốc hội cũng tập trung xem xét, thảo luận, quyết định về các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, công tác giám sát và các vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Như thường lệ, khi đất nước diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng thì các trung tâm phá hoại tư tưởng do thế lực thù địch, phản động, chống đối điều hành cũng đẩy mạnh việc xuyên tạc sự thật, công kích đất nước. Thông qua mạng xã hội, chúng vu khống trắng trợn về Quốc hội Việt Nam bằng nhiều luận điệu như: “Thực ra nhà nước cộng sản chả khác nào nhà nước phong kiến. Mà nhà nước phong kiến thì chả cần Quốc hội họ vẫn điều hành đất nước theo cách của họ”, “Quốc hội Việt Nam không chính danh, hoạt động không dân chủ, chỉ tiêu tốn tiền thuế của người dân nên phải dẹp bỏ”, “Quốc hội Việt Nam không thực chất, chỉ là con rối của Đảng”, “phải giải tán Quốc hội hiện tại để bầu ra Quốc hội mới”…?! Ngoài ra, bằng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, xuyên tạc ý kiến của đại biểu Quốc hội, các đối tượng chĩa mũi nhọn công kích, phỉ báng, bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự của nhiều đại biểu. Hoạt động của những kẻ này là không thể chấp nhận được.

Phải khẳng định rõ, Quốc hội Việt Nam là hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp, do chính nhân dân bầu ra. Ngày 23-5-2021, cử tri cả nước đã tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Việc bầu cử được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Kết thúc cuộc bầu cử, hơn 69,2 triệu cử tri cả nước (đạt 99,6%) đã đi bỏ phiếu và bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định không xác nhận tư cách của 1 người trúng cử, do không đảm bảo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Có thể khẳng định, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, hoạt động vì quyền và lợi ích của nhân dân. Những luận điệu cho rằng Quốc hội là “không chính danh”, “không hợp pháp”, “bù nhìn”, “hoạt động không thực chất” là sự xuyên tạc trắng trợn và không thể chấp nhận được.

Trong 76 năm đồng hành cùng dân tộc, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình với đất nước. Quốc hội đã thực hiện nghiêm quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hoạt động của Quốc hội được tiến hành thực chất, hiệu quả. Những kết quả mà nước ta đã đạt được trên tất cả phương diện từ chính trị, kinh tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh… là minh chứng rõ ràng nhất về vấn đề này. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Quốc hội nước ta hoạt động với nguyên tắc làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Tính dân chủ trong các hoạt động của Quốc hội ngày càng được thể hiện rõ nét. 

Trong công tác xây dựng pháp luật, các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật. Các dự án luật trước khi trình Quốc hội phải được Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Sau khi trải qua các bước nêu trên, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội căn cứ vào nội dung của dự án luật.

Ở một khía cạnh khác, thông qua các phiên chất vấn, tính dân chủ, thẳng thắn, cởi mở trong hoạt động của Quốc hội đã được thể hiện rất rõ ràng. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trong những năm qua, việc đăng đàn trả lời chất vấn của các “tư lệnh ngành” đã trở thành một “đặc sản” của Quốc hội và được dư luận quan tâm theo dõi. Nhiều vấn đề “nóng”, liên quan trực tiếp đến các mặt trong đời sống xã hội đã được đưa lên nghị trường. Không ít đại biểu đã trực tiếp tranh luận, phản biện ý kiến của người được chất vấn và đại biểu khác để làm rõ các vấn đề được nêu ra. Thông qua hoạt động chất vấn – trả lời chất vấn và tranh luận trực tiếp trên nghị trường, dư luận có thể nhận rõ bản lĩnh, năng lực, trình độ của đội ngũ lãnh đạo. 

Cùng với đó, việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội cũng cho thấy sự công khai, minh bạch, dân chủ trong đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đây là động lực để những người giữ chức danh được lấy phiếu tín nhiệm không ngừng nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công việc.

Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định pháp luật. Trước và sau khi diễn ra kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã tiến hành tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả hoạt động của đại biểu và Quốc hội cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để kịp thời giải quyết. Có thể khẳng định, Quốc hội và các đại biểu luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, đại diện cho tiếng nói của người dân.

Việc chống phá hoạt động của Quốc hội là hành động đi ngược lại lợi ích của quốc gia, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích của những người dân chân chính. Thông qua đây, chúng ta càng thấy rõ bộ mặt “giả nhân, giả nghĩa” của những kẻ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” phá hoại sự bình yên của đất nước.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét