Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

 

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NHỮNG TIẾN TRIỂN TỐT ĐẸP

TRONG QUAN HỆ VIỆT - MỸ

Viễn Dương

          Từ ngày 12-17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Mỹ. Trước hết, về mặt đối ngoại, chuyến đi này vừa thể hiện thông điệp đa phương trong quan hệ ASEAN với Mỹ, Việt Nam với Liên hợp quốc, vừa thể hiện thông điệp song phương, trong đó đặc biệt là quan hệ của Việt Nam với Mỹ.

          Chuyến đi lần này không chỉ triển khai hướng đi trong chính sách phát triển, chủ trương đối ngoại của Việt Nam, cũng như là định hướng phát triển của Việt Nam với khát vọng đến 2030 - 2045 do Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua, mà chủ trương lớn nhất của Việt Nam là thực hiện chính sách đối ngoại nhất quán độc lập, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa, đồng thời là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề của quốc tế. Đây chính là thông điệp lớn nhất, Việt Nam vừa tiếp tục phát triển vừa hội nhập mạnh mẽ.

          Đã có những hợp tác rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ trong một chặng đường dài. Trong những năm gần đây, mối quan hệ đó càng đi vào chiều sâu hơn, bao hàm cả chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ cho đến các vấn đề kinh tế. Khi quan hệ ngoại giao song phương gắn kết lâu dài, nền kinh tế Việt Nam có cơ hội phát triển và hội nhập, có thể tham gia vào thị trường của Mỹ. Điều này cũng cho thấy qua hợp tác giữa hai nền kinh tế với nhau, có sự bổ sung cùng phát triển. Để làm điều đó, cần dựa trên những nguyên tắc và quan hệ tôn trọng lẫn nhau, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin. Hơn nữa, phải tạo ra những lợi ích đan xen đôi bên cùng có lợi. Hai bên cùng hiểu biết để thúc đẩy mối quan hệ về mặt kinh tế, chính trị.

          Khi quan hệ về mặt kinh tế giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu thì chắc chắn càng có những cọ xát, khác biệt về mặt kinh tế, thương mại. Có những vấn đề đặt ra đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới. Một là, hai bên cần phải thiết lập những cơ chế để đối thoại, xử lý những khác biệt trong quan hệ kinh tế khi 2 nước ngày càng đẩy mạnh quan hệ đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Hai là, khuôn khổ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ vốn được xây dựng khoảng 20 năm trước đây như là hiệp định thương mại song phương... cần phải củng cố và có những cải biến thích hợp với bối cảnh hiện nay để thúc đẩy hợp tác, phát triển. Ba là, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế mới, trong đó có hợp tác về kỹ thuật số bao gồm cả thương mại số,… là những vấn đề rất mới, có lẽ hai bên cần phải thảo luận, trao đổi để cùng nhau hợp tác hơn nữa ở những khía cạnh này.

          Tin tưởng rằng, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ sẽ được nâng lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét