Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

 

CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ

CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Phạm Yên Hưng

          Cách đây 97 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân ta. Trong những ngày này, một số thế lực thù địch, phản động lại rêu rao luận điệu hòng xuyên tạc, hạ thấp vai trò của báo chí cách mạng nước ta. Chúng cho rằng: Nhà văn nói láo, nhà báo nói dựa! Chúng tuyệt đối hóa vai trò của báo mạng và cho rằng ở thời đại 4.0 thì không cần báo giấy!

          Bằng cơ sở lý luận, thực tiễn, chúng ta khẳng định rõ, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Khi nói về báo chí, V.I. Lênin chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[2].

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng những người làm báo đã ra trận với tư thế người chiến sĩ, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu, đã sáng tạo nên những tác phẩm báo chí giàu sức sống, gắn kết triệu người trên cả nước, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc. Ngày nay, báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị, xã hội –  nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta, chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông, sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”[3]./.

         

         



[1] Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb CTQG, H. 2013, tr. 46.

[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 466.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 146.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét