ĐẨY LÙI THÓI XU NỊNH - NGĂN CHẶN MỐI NGUY HẠI KHÔN LƯỜNG
Trung Thành
Có
một thực tế rằng thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự vào
cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chúng ta đang quyết liệt kiếm tìm, nhận
diện, bước đầu chữa trị thành công nhiều căn bệnh tiêu cực trầm kha trong chính
đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Thế
nhưng có một căn bệnh dù xuất hiện đã lâu, diễn ra khá phổ biến, gây nhiều
phương hại cho tổ chức, nhưng đến nay chưa được thật sự quan tâm đấu tranh, đẩy
lùi, đó là "bệnh nịnh bợ", thói xu nịnh.
1. Theo "Từ điển
tiếng Việt", xu nịnh, nịnh bợ... là một cách để lấy lòng và cầu lợi. Hiểu
nôm na, xu nịnh là khen ngợi quá đáng chỉ cốt để làm đẹp lòng nhau, thường nhằm
mục đích cầu lợi cho cá nhân. Thói xu nịnh đã có từ ngàn xưa, với muôn hình vạn
trạng, biến hóa khôn lường và gây nhiều hậu quả, hệ lụy cho xã hội. Cha ông xưa
từng đúc rút “mật ngọt chết ruồi”, răn dạy hiền tài và dân chúng phải: “Tránh
xa kẻ nịnh bợ là cách tránh tai họa”. Đặc biệt, các bậc tiền nhân đã cảnh báo:
"Tôn nịnh đại suy"-nghĩa là để cho thói nịnh bợ phát triển thì nguy
cơ suy thoái lớn là không tránh khỏi, thậm chí dẫn đến khuynh đảo xã hội, suy
vong triều chính...
Gần
72 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn sách nổi tiếng có nhan đề “Sửa đổi
lối làm việc”. Bác nêu khá nhiều khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, trong đó
kịch liệt lên án “bệnh xu nịnh, a dua”. Bác chỉ rõ: Người mắc căn bệnh đó là do
kém tính Đảng, mắc phải bệnh đó là hỏng việc lớn và chính Người thể hiện quyết
tâm xuyên suốt, quyết liệt nêu gương thực hiện đấu tranh, đẩy lùi "bệnh xu
nịnh” vốn tiềm tàng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Dù được cảnh tỉnh từ
sớm, thế nhưng "căn bệnh xu nịnh” không vì thế mà dần mất đi. Nguy hại
hơn, hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và tiêu cực từ
đời sống xã hội, "bệnh nịnh" trở thành vấn nạn trầm kha ở nhiều nơi,
len lỏi vào nhiều ngõ ngách đời sống xã hội, với nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều
cấp độ, hoàn cảnh, tình huống, mưu đồ khác nhau. Nhận diện về vấn đề này, trong
cuộc hội thảo về công tác tổ chức cán bộ mới đây, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy
viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương mạnh
mẽ khẳng định: Nịnh hiện đang là căn bệnh nan y!
Thực tế cho thấy, việc
nịnh đã biến tướng đa dạng và phát triển với nhiều hình hài, phương thức. Không
chỉ cấp dưới nịnh cấp trên, nhân viên nịnh thủ trưởng, quần chúng nịnh đảng
viên... mà nay còn có hiện tượng trên nịnh dưới, nhất là vào các dịp bỏ phiếu
tín nhiệm, đánh giá cán bộ, bình bầu thi đua, chuẩn bị đại hội, bầu bán nhân sự
ở các cấp, các ngành... Không chỉ cấp dưới trực tiếp nịnh thủ trưởng cấp trên
mà nhân viên còn nịnh gián tiếp vợ, con thủ trưởng; không chỉ nịnh bằng lời lẽ
ngon ngọt mà còn thể hiện sự nịnh một cách tinh vi, thông qua nhiều kênh, nhiều
phương tiện vật chất, cơ chế, chính sách...
Đồng chí Trưởng ban Tổ
chức Trung ương (khóa XII) phân tích về sự nguy hại của "căn bệnh xu
nịnh”: Từ trước đến nay, trong suốt tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng
nước nhà của Đảng, một vũ khí sắc bén, hữu dụng trong công tác xây dựng Đảng và
đội ngũ cán bộ vững mạnh là tự phê bình và phê bình, thế nhưng trong nhiều
trường hợp đã bị chuyển hóa sang nịnh và tự nó vô hiệu thứ vũ khí công hiệu ấy.
Nịnh đã gieo mầm bệnh làm đau yếu tổ chức, gây giảm sút năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, khiến một số cá nhân
trở nên tự mãn, ảo tưởng về “hào quang” của bản thân, ngỡ mình đã là người tài
ba, xuất chúng. Hệ quả là “bệnh kiêu ngạo cộng sản” xuất hiện, làm xấu đi hình
ảnh của Đảng và bộ máy cầm quyền. Cũng trong quá trình đó, những cán bộ, đảng
viên chân chính, trung thực sinh ra chán nản, giảm sút ý chí và vơi cạn tình
yêu dành cho tổ chức, đơn vị. Tinh thần trách nhiệm và khả năng cống hiến cũng
vì đó dần tiêu tan.
Không
chỉ vậy, nịnh còn tác động trực tiếp đến chất lượng công tác cán bộ trong Đảng.
Một số người được nịnh vì ưa lời ngon, tiếng ngọt, say sưa với cảm giác được
“làm bề trên” nên sinh ra xao lòng, thiếu tỉnh táo, mất bản lĩnh, không đánh
giá đúng thực chất cán bộ, thiên vị cho kẻ luồn cúi, không trọng dụng cán bộ
tốt mà lại tạo điều kiện cho người xấu lấn lướt, lộng quyền, thăng tiến. Hơn
thế, người xu nịnh và cán bộ thích nịnh mặc nhiên trở thành “cặp bài trùng” có
chung lợi ích nên tất yếu dẫn đến phe cánh, cục bộ, gây mất đoàn kết và hình
thành lợi ích nhóm... Đó là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”, là môi trường thuận lợi cho việc phát sinh ung nhọt, nảy nở
tiêu cực, tham nhũng và những biểu hiện tha hóa, biến chất ở cán bộ, đảng viên.
2. Sự nguy hại và hệ lụy
của "bệnh nịnh” là đáng sợ như vậy, nhưng đáng ngại là hiện nay nó chưa được
số đông cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ và mạnh dạn đấu tranh. Thậm chí,
trước ảnh hưởng của tư duy cũ và văn hóa phong kiến, nhiều nơi vẫn quan niệm
"bệnh nịnh” là một thứ “vô hại”, là gia vị cho cuộc sống thêm phần sinh
động, phong phú. Nhiều người cho rằng cái sự nịnh là chuyện sẵn có trong mỗi tổ
chức, đơn vị nên sinh ra tư tưởng chấp nhận, ngại phê bình, đấu tranh. Cùng với
đó, hiện nay, hệ thống các căn cứ, cơ sở pháp lý, hoặc bộ tiêu chí nhận diện
vấn nạn xu nịnh vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa thành hệ thống, nhất là chưa được
cơ quan chức năng thực sự tích cực nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.
Trước
thực tế trên, để tuyên chiến, đẩy lùi vấn nạn xu nịnh trong cán bộ, đảng viên,
trước hết, toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội cần khẩn trương, nghiêm
túc tiến hành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp để sớm thống nhất nhận thức về
hình hài, tính chất và sự nguy hại của "bệnh xu nịnh” đối với sự nghiệp
cách mạng nói chung, đối với đạo đức công vụ và chất lượng đội ngũ cán bộ nói
riêng trước tình hình mới. Phải trên cơ sở có nhận thức đúng, cả hệ thống chính
trị và toàn dân mới quyết liệt vào cuộc, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiên
quyết đấu tranh, diệt khử từng bước vấn nạn nịnh bợ, xu nịnh, a dua...
Đặc biệt, để có cơ sở
nhận diện đối tượng xu nịnh, trong công tác đánh giá cán bộ, mỗi tổ chức đảng,
tổ chức chính trị-xã hội cần sớm nghiên cứu xây dựng các tiêu chí cụ thể để
đánh giá, nhận diện biểu hiện xu nịnh; xem đó là một tiêu chí quan trọng trong
hệ tiêu chí đánh giá cán bộ hiện nay. Trên cơ sở kết quả đánh giá, việc một cá
nhân được số đông thành viên trong tập thể phát hiện, phản ánh có biểu hiện xu
nịnh thì tổ chức và cơ quan chức năng phải quyết liệt kiểm tra, giám sát, chấn
chỉnh kịp thời và có biện pháp xử lý thích đáng, thậm chí phải tiến hành kỷ
luật nếu cần thiết. Nhất quyết không được xem nhẹ, cả nể, bỏ qua với bất kỳ
biểu hiện nào dù nhỏ nhất của "bệnh xu nịnh”. Đặc biệt, trong các dịp đánh
giá cán bộ, bình xét thi đua, bầu cử các vị trí công tác chủ trì, chủ chốt thì
công tác rà soát, thẩm định cán bộ đối với các biểu hiện xu nịnh cần được tiến
hành nghiêm túc, quyết liệt với cách làm ngày càng bài bản, khoa học.
Từng cơ quan, đơn vị cần
đẩy mạnh triển khai các giải pháp xây dựng môi trường dân chủ thực sự; phát huy
cao nhất vai trò của các tổ chức đảng; tăng cường sự tham gia giám sát, phản
biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng nhân dân.
Khi phát hiện cán bộ, đảng viên có biểu hiện nịnh bợ thì kiên quyết đấu tranh,
thải loại; tuyệt đối không để lọt vào tổ chức, không để “trèo cao, leo sâu” vào
hàng ngũ những cán bộ xu nịnh, chạy chọt theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo xây dựng quy
hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026: Dứt khoát không đưa vào quy
hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết,
gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch.
Bởi những kẻ “cơ hội chính trị” rất thiếu trung thực, giỏi xun xoe, nịnh bợ.
Cùng
với đó, từng cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao
bản lĩnh chính trị, đức độ và tài năng để người khác và tập thể tôn trọng, vị
nể một cách thực chất. Tự thân mỗi người luôn nghiêm khắc với chính mình,
thường xuyên tỉnh táo, sáng suốt để không bị mê hoặc, quyến rũ bởi những lời lẽ
vuốt ve, ngợi ca không đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ của người khác; đồng thời
cần góp phần tạo môi trường giao tiếp, ứng xử lành mạnh để mọi người trong tập
thể được bày tỏ chính kiến, lập trường đúng đắn, khách quan.
3. Một vấn đề đặt ra
hiện nay là rất khó định ra chế tài xử lý (có tính chất định lượng) đối với
những cá nhân có hành vi xu nịnh, bởi lẽ bản chất của những hành vi này không
vi phạm pháp luật. Thế nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, việc hệ thống hóa
các tiêu chí để nhận diện rõ ràng các hiện tượng, biểu hiện của hành vi xu nịnh
là cấp thiết, bức bách. Bởi thế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký
Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27-12-2018 về việc phê duyệt đề án văn hóa công
vụ; trong đó quy định rõ việc công chức, viên chức không nịnh bợ, lấy lòng cấp
trên vì động cơ không trong sáng.
Thực tế cho thấy, sự ra
đời của đề án này được dư luận xã hội đặc biệt hoan nghênh, đồng tình. Trên cơ
sở những giải pháp thiết thực cơ bản ban đầu, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch
triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng về đề án văn hóa công vụ. Bộ Nội
vụ cũng chủ động tính toán để đưa một số điều của đề án này vào các dự án Luật
Cán bộ công chức, Luật Viên chức, trong đó luật hóa quy định không nịnh bợ cấp
trên. Vấn đề là trên cơ sở những nội dung, định hướng đã có, từng cơ quan, tổ
chức, đơn vị phải tập trung nghiên cứu, ban hành và thực hiện tốt các nội quy,
quy chế đòi hỏi mọi thành viên cần phải chú trọng giải quyết các mối quan hệ,
ứng xử với nhau trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; xóa bỏ triệt
để tư tưởng phân biệt, khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới. Một khi các bộ
quy tắc ứng xử được vận hành hiệu quả sẽ là tiêu chí, điều kiện cần thiết tạo
ra môi trường lành mạnh triệt tiêu mầm mống của "bệnh xu nịnh”.
Đặc biệt, muốn loại bỏ
hoàn toàn "căn bệnh xu nịnh”, giải pháp tiên quyết hiện nay phải bắt đầu
từ việc phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Nếu
người đứng đầu thực sự liêm chính, không thích xu nịnh thì cấp dưới nhất định
sẽ không dám giở trò “mật ngọt chết ruồi”. Người lãnh đạo phải tỉnh táo, biết
đánh giá bằng kiến thức, kinh nghiệm và lương tâm đạo đức để xem ai nịnh bợ, ai
khen thật lòng thông qua cách thức thể hiện của họ. Khi cấp trên làm được như
vậy thì tất yếu cấp dưới sẽ phải giữ gìn sự tự trọng và phép tôn nghiêm kỷ
luật; tự giác trui rèn phẩm chất, năng lực, lấy đó làm thước đo nhân cách và
phương thức thăng tiến duy nhất, thay vì phải xu nịnh nhiễu nhương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét