Chiều tối ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an
cho biết khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản
trị Tập đoàn FLC. Đồng thời cơ quan chức năng tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm
việc tại 21 địa điểm của những người liên quan.
Cơ quan điều tra thực hiện khi xác minh việc Chủ tịch Tập
đoàn FLC, các cá nhân liên quan và công ty Chứng khoán BOS về hành vi thao túng
thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra
ngày 10/1.
Hành vi của ông Quyết và những người liên quan được nhận định
là gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị
trường chứng khoán Việt Nam.
Đối với ảnh hưởng của vụ việc lên thị trường chứng khoán, được
đánh giá sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn nhưng tác động về dài hạn
lại rất tốt.
Các chuyên gia cho rằng sẽ có 2 nhóm bị ảnh hưởng đáng kể bởi
sự việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam.
Thứ nhất là các cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC Group (FLC,
ROS, AMD, KFL, ART, HAI, GAB) bởi tính liên đới và diễn biến bán tháo là khó
tránh khỏi. Bên cạnh đó cổ phần BVA sẽ rơi mạnh trên thị trường OTC cũng là điều
tất yếu.
Nhóm tiếp theo là ngân hàng mà hệ sinh thái này đang có dư nợ
gồm STB, OCB, BID hay NVB... vì quy trình trích lập và gọi bổ sung tài sản cũng
như rà soát lại chất lượng tài sản, đánh giá lại mức giá cho vay.
Tuy nhiên, nếu nợ xấu có xảy ra thì quy mô đối với nhóm ngân
hàng trên cũng khá nhỏ so với tài sản các nhà băng. Do vậy, các chuyên gia đánh
giá ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng trên chỉ trong 1-2 phiên, đi kèm những
thông tin được công bố về cơ cấu nợ sẽ làm thẩm thấu những lo ngại vào thị giá
cổ phiếu.
Ở góc độ toàn thị trường thì các nhóm ngành còn lại thật sự
không liên quan đến vụ việc trên bởi nhóm FLC Group từ lâu đã tách bạch và định
vị ở nhóm đầu cơ rất rõ ràng.
"Ảnh hưởng nếu có chỉ là một lượng tiền đầu cơ tương đối
sẽ bị nhốt trong này cũng như liên đới tới một vài "kho hàng" tự phát
theo kiểu bán bổ sung tài sản".
Dù vậy, mức độ đợt này sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và gần như
không có nhiều hoạt động bán giải chấp liên đới ở các "kho hàng" do
đã bị xử lý ở đợt khủng hoảng tháng 1 trước đó.
Về mặt dài hạn, các chuyên gia đánh giá sự việc thể hiện quyết
tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch của thị trường. Điều này thúc đẩy một
luồng vốn quy mô lớn vào thị trường chứng khoán, vì đây vẫn là nơi phân bổ tài
sản chất lượng và là nơi huy động vốn trung và dài hạn tốt cho nhóm công ty
minh bạch.
Vụ việc cũng sẽ hạn chế tâm lý về đánh bạc, đầu cơ và sự nắn
dòng vốn đầu tư sẽ diễn ra rất rõ. Nhóm hưởng lợi là các doanh nghiệp làm ăn tốt,
quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và uy tín từ người lãnh đạo sẽ
hút vốn.
Các chuyên gia kết luận đây còn là pha "ghi điểm"
trong mắt các nhà đầu tư ngoại, giúp triển vọng nâng hạng của thị trường chứng
khoán trong tương lai gần (2024-2025) trở nên sáng sủa hơn, nhất là khi những lực
cản trở định tính đã được gỡ bỏ (minh bạch, hệ thống giao dịch lỗi thời...).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét