Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng trong phát triển nền kinh tế

        Kinh tế tư nhân ở nước ta ra đời và phát triển khá lâu trong lịch sử, nhưng đến nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau về kinh tế tư nhân. Dựa trên căn cứ khoa học, lý luận và thực tiễn, có thể hiểu kinh tế tư nhân ở một số góc độ sau: Xét ở góc độ kinh tế học, kinh tế tư nhân là bộ phận kinh tế trong hệ thống cơ cấu kinh tế của một quốc gia được hình thành và phát triển dựa trên sở hữu của tư nhân về tư liệu sản xuất cũng như lợi ích cá nhân. Xét ở góc độ môn học Kinh tế chính trị, kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế trong hệ thống cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, dựa trên các chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Qua 35 năm đổi mới phát triển đất nước, cụ thể hóa các nghị quyết, văn kiện của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chuyên đề, luật pháp tạo hành lang pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, với số lượng chiếm trên 95% số doanh nghiệp của cả nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.

 Quán triệt quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời thiết thực tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều đóng góp lớn hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng ở nước ta, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, các tổ chức và mỗi cá nhân cần làm tốt hơn công tác tư tưởng, thống nhất nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao nhận thức, hiểu đúng chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của Đảng là vấn đề chiến lược, nhất quán, lâu dài trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là sự vận dụng đúng đắn quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ lực lượng sản xuất ở nước ta. Đồng thời, cần thống nhất nhận thức rằng, sự ghi nhận và khẳng định đóng góp của kinh tế tư nhân dù quan trọng thế nào đối với phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay, không phải là căn cứ để “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”,hay khẳng định kinh tế tư nhân“đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước”. Từ đó, khắc phục cả sự nghi kỵ lẫn ảo tưởng vào sự phát triển của kinh tế tư nhân. Nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh trước âm mưu, thủ đoạn lợi dụng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân để cổ xúy cho tư nhân hóa nền kinh tế nước ta, hòng làm chệch hướng xã hội chủ ngĩa trong sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, trong xu thế hội nhậpkinh tế quốc tế mạnh mẽ, Nhà nước cần tập trung cải cách thể chế kinh tế một cách đồng bộ, gồm: Các thể chế kinh tế tương thích và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế; các thể chế phòng vệ nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng, giảm thiểu các tác động không thuận lợi khi thực hiện các cam kết hội nhập; các thể chế hỗ trợ để tranh thủ cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế.

Thứ ba, đẩy mạnh hỗ trợ việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, cụ thể cần tập trung hỗ trợ có hiệu quả cho hai nhóm doanh nghiệp là: doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, cần phải đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, củng cố và phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, để kinh tế nhà nước làm tốt vai trò chủ đạo cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Cần tăng cường hơn nữa sự quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân, để phát huy vai trò tích cực, ngăn ngừa có hiệu quả những động thái tiêu cực của kinh tế tư nhân; nhằm làm cho sự phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một nhân tố làm tăng sức mạnh toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Thứ tư, cần tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng tổ chức tự vệ trong các doanh nghiệp tư nhân nhằm thiết lập trên thực tế thế trận quốc phòng toàn dân trong phạm vi cả nước. Để làm được việc đó, trước hết cần quan tâm phát triển các tổ chức chính trị - xã hội; đảng, đoàn thanh niên, công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân và luật hoá hoạt động của các tổ chức đó trong các doanh nghiệp này. 

Từ thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân trong những năm qua, có thể khẳng định, “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, là một trong bốn trụ cột vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay. Kinh tế tư nhân ở nước ta hoạt động trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chịu sự chi phối, điều tiết của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có trách nhiệm tham gia xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đầu tư cho kinh tế tư nhân phát triển không phải là mục tiêu đạt tới, mà là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét