Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

 

UKRAINA QUÁ DẠI DỘT KHI TÌM CÁCH

VƯỢT LẰN RANH ĐỎ CỦA NGA?


Ứng xử của Ukraina lúc ngả Tây, lúc ngả Đông làm cho bản thân họ sống giữa cạnh tranh nước lớn mà không thể lựa chọn được môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định để hợp tác, phát triển.

Đại sứ Phạm Quang Vinh – Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế cùng Đại sứ Hoàng Anh Tuấn – nguyên Phó tổng thư ký ASEAN chia sẻ góc nhìn về xung đột Nga – Ukraina.

Căn nguyên chiến sự

– Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có thể điểm những diễn biến chính đang xảy ra hiện nay?

– Câu chuyện này bắt nguồn từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, gần hơn là năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea, tiếp theo là một số xáo trộn ở khu vực Donbass, phía Đông của Ukraina, nơi có hai nước Cộng hoà tự xưng là Donetsk và Luhansk. Gần đây nhất là từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình trở nên căng thẳng với một số diễn biến sau:

Tháng 12/2021, Nga gửi Mỹ và NATO bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm, trong đó nêu rõ các quan ngại an ninh. Nga đưa ra các lằn ranh đỏ như Ukraina không trở thành thành viên của NATO, NATO không tiếp tục mở rộng sang phía Đông, NATO quay trở lại điểm xuất phát năm 1997 – nghĩa là trước khi mở rộng sang phía Đông, kết nạp các nước Đông Âu và 3 nước CH Baltic làm thành viên mới mà Nga cho là đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của Nga.

Khoảng 1 tháng rưỡi sau, Mỹ và NATO có gửi lại bản phản hồi đề nghị của Nga, trong đó các đề nghị không được đáp ứng thoả đáng. Mỹ và phương Tây cho rằng tất cả quốc gia có chủ quyền như Ukraina nếu có yêu cầu về an ninh, có thể làm đơn xin gia nhập không chỉ NATO mà bất kỳ tổ chức nào khác. Bản phản hồi cũng nhấn mạnh việc yêu cầu NATO quay trở lại điểm xuất phát năm 1997 là phi lý. Dĩ nhiên, trả lời của Mỹ và NATO khiến Nga cảm thấy bất bình vì các đề nghị chính đáng của mình “bị xem nhẹ”.

Tiếp theo là các thông tin Nga triển khai lực lượng quân sự lớn xung quanh Ukraina. Con số cụ thể không được Nga tiết lộ. Nhưng tin tình báo phương Tây cho rằng, lúc đầu Nga triển khai 110 ngàn quân, gần đây là 160-190 ngàn quân trên 4 hướng: ngoài biển (Biển Đen), Crimea, phía Bắc của Ukraina

Ukraina (dọc biên giới với Belarus) và phía Đông Ukraina. Mỹ cũng đưa ra thông tin tình báo nói Nga sẽ tấn công Ukraina từ 16-22/2.

Ngày 22/2, trong bài diễn văn trên truyền hình, Tổng thống Putin tuyên bố công nhận nước CH Luhansk và Donetsk ở phía Đông Ukraina theo đề nghị của hai nước CH này và được Duma quốc gia phê chuẩn. Ông Putin cũng nói sẽ đưa quân vào hai nước CH này để giúp họ đảm bảo an ninh. Ngày 24/2, ông công bố một chiến dịch quân sự đặc biệt như chúng ta đã biết.

Trong khi đó, Ukraina cho rằng việc gia nhập NATO là câu chuyện của chính họ, không ảnh hưởng đến an ninh của Nga. Mỹ và NATO vẫn có lập trường nước đôi. Bối cảnh hiện tại là quan hệ Nga – Ukraina, Nga với Mỹ và phương Tây không còn thân thiện như những năm 1990 và nghi kỵ chiến lược ngày càng tăng cao. Trong khi NATO tiếp tục mở rộng sang phía Đông thì người Nga lại coi đây là mối đe doạ an ninh đối với sự sống còn của họ.

Thất bại chính trị và ngoại giao

– Chiến sự Nga – Ukraina đã bùng nổ, mọi nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến bằng các hoạt động ngoại giao đã không thể cứu vãn hòa bình. Vì sao nỗ lực ngoại giao lại thất bại và giới hạn của chiến dịch sẽ đi đến đâu, thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh?

– Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhìn lại một loạt hoạt động ngoại giao kể từ tháng 11/2021, đặc biệt là trong tháng 2/2022 thì thấy rất dồn dập, nhưng lập trường của hai bên rất khác biệt nhau. Thứ nhất như Đại sứ Hoàng Tuấn nói, là mở rộng NATO sang Ukraina hay không. Thứ hai là việc đảm bảo an ninh sườn phía Tây của Nga.

Trong những đề nghị của Nga đưa ra và hai bên trao đổi với nhau, Mỹ và phương Tây tuyên bố không thể đáp ứng được. Còn phía Nga thì coi đó là lằn ranh đỏ. Ukraina khẳng định có quyền tự do lựa chọn theo hướng nào. Những cuộc đối thoại giữa các bên đã không thấu hiểu lợi ích chiến lược của nhau.

Tôi rất chú ý tới quyết định thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt mà ông Putin tuyên bố. Nước Nga nói là theo yêu cầu của hai nước CH ở Donbass, tiếp đó là bảo vệ dân sự trong đó có người gốc Nga và cuối cùng là phi quân sự hóa quân đội Ukraina. Nhưng trên thực tế diễn biến chiến trường thì thấy, đương nhiên quân đội Nga vào hướng Donbass, cũng vào cả bằng đường không và từ Belarus xuống. Người ta đã nghe thấy tiếng rocket, tiếng nổ ở nhiều thành phố lớn khác nhau tại Ukraina.

Giới hạn của chiến dịch sẽ đi đến đâu? Chiến sự bùng nổ đặt ra nhiều vấn đề, đó là: An ninh nước Nga; Ý đồ phương Tây trong suốt thời gian không đáp ứng yêu cầu của Nga; Lựa chọn của nước nhỏ sống trong một địa bàn cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; Rồi chuyện vượt qua biên giới, vào lãnh thổ quốc gia khác là thành viên LHQ…

Tất cả đòi hỏi người ta phải cân nhắc nhiều chiều và theo dõi từ nhiều góc độ khác nhau. Nhưng cái lớn nhất khi chiến sự nổ ra, đó là sự thất bại của chính trị, thất bại của ngoại giao và chắc chắn để lại nhiều hậu quả.

– Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Tôi chia sẻ ý kiến của Đại sứ Phạm Quang Vinh, tức là chiến tranh nổ ra, dù bất kỳ lý do gì, cũng là sự thất bại của ngoại giao. Tại sao có sự thất bại này thì rõ ràng đã có nhiều cuộc đối thoại nhưng lập trường của các bên quá xa nhau. Trong quan hệ giữa các nước, khác biệt tồn tại ở trong rất nhiều mối quan hệ, nhưng lập trường xa nhau đến mức xảy ra chiến tranh thì còn xuất phát từ vấn đề nghi kỵ chiến lược, dẫn tới những diễn biến như chúng ta đã thấy.

Tổng thống Putin dùng từ “đặc biệt”, trong đó nhấn mạnh, mục tiêu của Nga là không tìm cách chiếm Ukraina.

– Theo ông, lý do nào khiến Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”?

– Nó xuất phát từ cách nhìn chiến lược khác nhau của các bên. Nga cho rằng, đã đưa ra các đề nghị an ninh từ cuối tháng 12/2021 tới nay, mà về thực chất đó là các tối hậu thư, rằng “nếu các yêu cầu của Nga không được đáp ứng thì Nga sẽ dùng các biện pháp quân sự”. Nhưng phương Tây và Ukraina không nhìn thấy hết và đáp ứng các quan ngại của Nga.

Ông Putin cho rằng, phương Tây đang giúp Ukraina ngày càng mạnh lên về mặt quân sự. Chưa kể Moskva coi Kiev ngày càng thân phương Tây và đối đầu với Nga. Ông Putin cũng nhìn thấy sự ràng buộc về năng lượng giữa Nga và phương Tây… Trong hệ thống chính trị phương Tây, để phát động một chiến dịch quân sự là rất khó. Nhưng trong hệ thống chính trị Nga lại khác, ông Putin nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, tự mình ra quyết định nên việc ra quyết định diễn ra rất nhanh chóng.

Tất cả đều có lỗi

– Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, quyết định của ông Putin có khiến các bên liên quan bất ngờ hay không?

– Những gì diễn ra có căn nguyên từ hiện tại, nhưng lại có cả hệ lụy trong quá khứ, cả quá khứ lịch sử xa xưa lẫn vài thập niên gần đây. Vấn đề an ninh, nhất là ở sườn phía Đông; Sự khuếch trương thắng lợi sau sụp đổ của Liên bang Xô Viết và hậu chiến tranh lạnh; Xu hướng tiến về phía Đông của NATO và Mỹ; rồi ứng xử của Ukraina…

Khi cuộc chiến xảy ra, người ta phải soi lại. Dường như tất cả các phía đều có lỗi. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phương Tây đã không thể cùng Nga tạo dựng nên cấu trúc an ninh của toàn châu Âu, trong khi nước Nga chắc chắn phải có vai trò rất quan trọng ở châu lục.

Khi phát động chiến dịch quân sự, Moskva nói Kiev đã có những lựa chọn không thân thiện, hay vùng ly khai sâu xa trong lịch sử chưa chắc thuộc về Ukraina. Ứng xử của Ukraina lúc ngả Tây, lúc ngả Đông cũng làm cho bản thân họ sống giữa cạnh tranh nước lớn mà không thể lựa chọn được môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định để hợp tác, phát triển.

Nhưng nếu chúng ta nhìn lại những phản ứng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự hiện đang diễn ra cũng có rất nhiều quan ngại. Thứ nhất là công nhận vùng ly khai. Thứ hai là vượt qua biên giới vào một quốc gia có độc lập, có chủ quyền và thứ ba là chiến tranh không mang lợi cho bất cứ ai, kể cả Nga hay Ukraina và châu Âu, dù thắng lợi trước mắt thuộc về ai.

Cả Mỹ và NATO đều nói rằng, một cuộc can thiệp quân sự sẽ để lại hậu quả rất lớn, nhưng họ sẽ không điều quân sang Ukraina để tránh đụng độ lớn hơn giữa phương Tây và Nga.

Vấn đề còn nằm ở sự chủ động, quyết đoán trong hệ thống chính trị nội bộ nước Nga và cá nhân Tổng thống Putin đã lựa chọn sự chủ động chiến lược. Tôi cho rằng sự lựa chọn của Nga và Ukraina là rất nhiều, nhưng lựa chọn chiến tranh mà không nỗ lực hết mức cho một giải pháp đối thoại, ngoại giao thì vẫn là sự thất bại chính trị.

– Vậy tính toán của của Nga trong bước đi mới nhất và lựa chọn của Ukraina ra sao, thưa ông?

– Chúng ta nên giả định một số kịch bản. Một là với Nga, an ninh bờ Tây là quan trọng. Nhưng chuyện vào Donbass và ở lại hay không lại song hành với câu chuyện công nhận độc lập.

Ở đây, với Donbass và hai nước CH kể trên có vài kịch bản: Nga vào và có thể rút quân hoặc tiếp tục hỗ trợ nhưng hai nước CH tự xưng đã tách khỏi Ukraina; Hai nước CH chưa hẳn toàn bộ vùng Donbass, liệu những đòi hỏi với toàn bộ vùng này còn hay không?; Khi chiến sự xảy ra, xuất hiện tiếng nổ ở nhiều thành phố khác nhau, chắc chắn sức ép rất lớn với chính phủ hiện tại của Ukraina, sự chống chọi của bản thân ông Zelensky và chính phủ của ông về trách nhiệm với người dân như thế nào?

Tôi đồng ý với ý kiến của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn khi đề cập tới tuyên bố của Nga là không chiếm đóng Ukraina vì nguy cơ lan rộng, phức tạp và sa lầy. Nhưng chiến sự vẫn tiếp tục, liệu còn cơ hội cho một giải pháp chính trị hay không? Chắc vẫn còn, nhưng tới lúc này, người ta phải nhìn nhận lại mọi cơ hội đã bị bỏ lỡ trước khi chiến sự xảy ra mà lẽ ra từ phía Nga, Ukraina, Mỹ hay NATO vẫn còn nhiều khoảng trống để tìm ra giải pháp cho cuộc đối đầu này.

"Không muốn so sánh nhưng không thể không thấy sự khác biệt về cách hiểu về sự độc lập trong chính sách ngoại giao của Việt Nam và Ukraine.

Với Việt Nam, sự độc lập, tự chủ trong chính sách ngoại giao là đảm bảo rằng Việt Nam không thể bị thế lực nào lôi kéo, ép buộc vào một liên minh quân sự hay làm căn cứ quân sự cho một thế lực quốc tế này chống một thế lực quốc tế khác.

Với Ukraine hiện nay thì sự độc lập, tự chủ trong chính sách ngoại giao là việc họ có quyền tham gia vào NATO để chống lại Nga mà không bị ngăn cản.

Từ năm 1991 tới nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam là nhất quán. Từ 1991 tới nay, chính sách ngoại giao của Ukraine là sự đổi chiều từ theo Nga sang chống Nga và ngược lại.

Kết quả về kinh tế, ổn định chính trị, toàn vẹn lãnh thổ của 2 chính sách thế nào thì ai cũng biết."

Dongtuan - st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét