Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TÔN GIÁO

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tín ngưỡng, tôn giáo trong hoàn cảnh nước ta. Đặc biệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo có giá trị rất quan trọng trong thực tiễn hiện nay, tư tưởng này được xây dựng trên nền tảng văn hóa Việt Nam trong điều kiện một quốc gia đa màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo.

Tôn giáo là một một hiện tượng đa chiều và phức tạp, nhạy cảm. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, ý thức xã hội chịu sự quyết định của tồn tại xã hội. Thế nhưng, ý thức xã hội có sự độc lập tương đối với tồn tại xã hội và do đó nó có sự tác động trở lại tồn tại xã hội. Tôn giáo là kết quả của quá trình phát triển lâu dài của hiện thực xã hội, phản ánh tồn tại xã hội, chịu sự quy định của tồn tại xã hội, song tôn giáo có tính độc lập tương đối, có tính đặc thù riêng và sự tác động của nó tới tồn tại xã hội cũng mang tính đặc thù, nó được coi như một thực thể khách quan tồn tại độc lập với hiện thực xã hội, tính chất của xã hội mỗi thời đại khách nhau quy định tính chất, vai trò của tôn giáo khách nhau. Thế nhưng, mức độ tác động trở lại tồn tại xã hội của tôn giáo thì không giống nhau và không phải ai cũng nhìn nhận ra, với tính muôn hình, phong phú, đa dạng của mình tôn giáo đang ngày càng tác động vào sâu thẳm nơi tâm linh của con người. Do đó, đối với vấn đề tôn giáo thì không ai có thể giám khẳng định sẽ giải quyết được một cách triệt để, đẩy lùi được đám mây mù tôn giáo ra khỏi đời sống hiện thực của con người.

I. Phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

1. Linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trên cơ sở tôn trọng nhu cầu chính đáng của nhân dân là phương pháp quan trọng trong giải quyết vấn đề tôn giáo.

Đứng vững trên lập trường cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhờ có quan niệm khoa học và thực tiễn về vấn đề tôn giáo mà chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện thái độ khoan dung trong ứng xử với tôn giáo. Thực chất tư tưởng của Bác về phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo là nhằm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo luôn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Người luôn căn dặn, người làm công tác tôn giáo phải có thái độ mềm dẻo, linh hoạt và điều đặc biệt quan trọng là phải nhất quán quan điểm: “Tín ngưỡng tự do; lương giáo đoàn kết”1 phải lấy đó làm tư tưởng chỉ đạo khi giải quyết vấn đề tôn giáo. Hồ Chí Minh kiên quyết nhắc nhở: “Chính quyền, quân đội và các đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào”2 từ đó, Bác đã nêu rõ những điều nên làm và không nên làm đối với chính quyền khi làm công tác tôn giáo: “Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân (như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà.v.v..)”3 và nên Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau là để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín”4  như vậy, bên cạnh đó phải khôn khéo, hợp tình hợp lý, kiên trì, nhẫn nại, chân thành không được kỳ thị, phân biệt lương giáo hay can thiệp “thô bạo” đối với các tổ chức tôn giáo hoặc đồng bào theo đạo, bởi theo Hồ Chí Minh mục đích của công tác tôn giáo là phải phục vụ dân tộc, phục vụ nhân dân, phải tranh thủ các giáo sĩ, vận động quần chúng đoàn kết một lòng, phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, n­ước mạnh, làm cho quần chúng có đạo “phần xác ta được no ấm thì phần hồn cũng đ­ược yên vui”5. Đó là cơ sở đảm bảo cho một chính sách tôn giáo đ­ược thắng lợi.

Hồ Chí Minh coi vấn đề tôn giáo là nhu cầu tinh thần gắn với nhu cầu vật chất của đồng bào có đạo, Người thường xuyên nhấn mạnh việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng có tôn giáo, coi đó là điều kiện để xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo cho quần chúng tín đồ, Người chỉ rõ: “...văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”6. Và do đó, để làm tốt công tác tôn giáo hướng các đồng bào giáo dân cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngoài việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần thì công tác quan trọng hàng đầu là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Song, tuyên truyền phải đúng cách, phải đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng và phải tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, không được phép xúc phạm đến quyền được thờ cúng của nhân dân, không được nóng vội, hành động theo cảm tính mà cần nhận thức rằng, bài trừ tôn giáo là bài trừ những nhận thức phản khoa học, những hành động mê tín dị đoan, hay những cá nhân phần tử lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng, chống phá cách mạng, mặt khác phải thấy giải quyết vấn đề tôn giáo không phải một lúc là có thể giải quyết được ngay mà phải lâu dài và phải tiến hành từng bước: Mấy anh em thanh niên tuyên truyền giảm bớt giỗ Tết. Nhưng đến khi ra chợ, gặp ai mua đồ mã thì giựt lấy đốt hết. Như thế là ngốc. Không biết rằng tuyên truyền thì phải nói cho người ta hiểu, để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta. Không biết rằng đơm cúm là một phong tục đã lâu đời, không phải một ngày một bữa mà bỏ được”7. Chính vì vậy Người thường xuyên căn dặn: “Khi phát động quần chúng, cán bộ phải hết sức chú ý đến những điều đó. Sai một ly đi một dặm, nơi nào dân cũng tốt, lương cũng như giáo”8.

Trong công tác tôn giáo, Hồ Chí Minh không cứng nhắc hình thức và phương pháp tiến hành mà Người luôn luôn có sự sáng tạo về hình thức và phương pháp mới cho phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Chính những cái không thành công trong công tác tôn giáo vừa chứng minh sự cao cả vĩ đại của Hồ Chí Minh, vừa minh chứng cho sự sáng tạo hình thức, phương pháp mới về công tác tôn giáo. Hồ Chí Minh định chủ trương xây dựng giáo hội việc làm theo tam đồng: tự sinh, tự dưỡng và tự lập không dính dáng đến toà thánh Vaticăng nhưng không được. Hay sau năm 1956, Người có ý định thành lập tổ chức tin lành yêu nước, Người gọi mục sư Lê Văn Thái để thuyết phục nhưng không thành vì mục sư Lê Văn Thái cho rằng: tôn giáo của chúng tôi không phải là tôn giáo nhập thế..., mong Cụ thứ lỗi cho.. đơn cử những việc làm của Hồ Chí Minh như vậy chúng ta càng tự hào về Bác.

Mặt khác, sự sáng tạo vận dụng nhiều hình thức, phương pháp mới của Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo còn được thể hiện ở việc: Hồ Chí Minh tìm kiếm sự đồng thuận giữa mục tiêu của cách mạng với mục đích của những người sáng tạo ra tôn giáo. Dĩ nhiên là mục tiêu cách mạng đồng thuận với mục đích của tôn giáo nguyên thủy chứ không phải thứ tôn giáo bị lợi dụng hoặc trong quá trình vận động, nó có thể bị biến chất, bị tha hoá. Hồ Chí Minh tiến hành công tác tôn giáo với tư tưởng của những người đồng cảm với suy nghĩ, tình cảm, niềm tin của những người đồng thuận vì lợi ích của dân tộc, tổ quốc. Ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ, văn phong của mình cũng rất gần gũi và gây được sự đồng cảm với đồng bào tôn giáo, Người chưa bao giờ gọi công giáo là “thiên chúa giáo”, mà Người thừa nhận tên gọi của họ, Người rất thiên tài trong sử dụng ngôn từ, nắm chắc nội dung của các giáo lý, giáo luật để thu phục đồng bào theo đạo.

Đồng thời, bằng thủ pháp vạch rõ âm mưu chia rẽ của bọn thực dân đế quốc như một mặt đối lập để làm công tác tôn giáo. Người viết: “bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mưu cướp nước ta, bọn Việt gian bù nhìn mưu bán nước ta. Chúng muốn bắt dân ta làm nô lệ. Chúng phạm nhiều tội ác, như đốt phá tượng thánh, nhà thờ, giết hại nhân dân lương và giáo. Chúng đã bạo ngược làm trái hẳn với lời chúa”[1].

Trong công tác tôn giáo, Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp, phương châm để tiến hành vận động đồng bào công giáo là phải 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, phải có tính tổ chức, tính kỷ luật và lòng kiên trì trong công tác vận động đồng bào theo đạo.

Hồ Chí Minh phê phán các hành động, việc làm vi phạm đến tự do, tín ngưỡng của nhân dân. Đặc biệt, sự tôn trọng tự do, tín ngưỡng của nhân dân còn được thể hiện chính bằng hành động cao cả của Người. Người đã đích thân dự những buổi lễ cầu hồn khi đồng bào công giáo bị giặc Pháp giết hại, hoặc tự tay vẽ ảnh phật cho đồng bào theo đạo phật. Một mặt, Hồ Chí Minh giáo dục cho mọi người cần tôn trọng tư do tín ngưỡng; mặt khác, Người cũng nghiêm khắc phê phán những phần tử lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, những kẻ hành nghề mê tín dị đoan, phê phán những việc làm sai chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Chính phủ, ở cả giáo chức, tín đồ và cán bộ, đảng viên.

2. Giải quyết vấn đề tôn giáo trên quan điểm tuân thủ nguyên tắc hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Một trong những tư tưởng đặc sắc và một đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh trong sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo là đã xác định: “Mục đích cao nhất, nội dung xuyên suốt của công tác tôn giáo là giữ vững tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa đồng bào các tôn giáo khác nhau, làm cho “Nước vinh đạo sáng”, “tốt đời đẹp đạo”, góp phần ngày càng to lớn vào kháng chiến, kiến quốc. Cho nên, ngay cả những lúc vận mệnh của cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc, Hồ Chí Minh vẫn xác định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách đầu tiên mà Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa phải thực hiện là: tín ngưỡng tự do lương giáo đoàn kết, Người đã chỉ ra sự đồng thuận giữa mục tiêu của cách mạng với mục đích của những người sáng lập tôn giáo. Đó là quan điểm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Đảng, đồng thời để công tác tôn giáo đạt được hiệu quả Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Đảng tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng, các tổ chức tôn giáo cũng cần phải hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật của nhà nước.

Theo quy định tại Điều 14 (chương IV) Sắc lệnh về tôn giáo số 234/SL do Người ký ngày 2/3/1946 nhấn mạnh: Các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ theo pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, như mọi tổ chức khác của nhân dân. Mặt khác, về phía Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tuyên bố rõ ràng: “Chúng tôi xin nói thêm hai điểm, nói rõ để tránh mọi sự có thể hiểu lầm: Một là, vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao Động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Hai là đối với các đảng phái, các đoàn thể bạn trong Mặt trận dân tộc, thì Đảng Lao Động Việt Nam chủ trương: Đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, cùng nhau tiến bộ.”9  chính bởi vậy mà theo Hồ Chí Minh: “Người tôn giáo nào cũng vào được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được”10 Đảng chúng ta chỉ: “Không được kết nạp đảng... Những người hành nghề tôn giáo”11. Như vậy, với quan điểm rõ ràng, Hồ Chí Minh đã thể hiện sự nhất quán, trên cơ sở nguyên tắc ấy, các vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa các tôn giáo, quan hệ giữa người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào, giữa tôn giáo với chính quyền... đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết một cách hài hòa, thỏa đáng và rất kịp thời.

3. Kết hợp đồng bộ các giải pháp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng – nguyên tắc tối cao trong giải quyết vấn đề tôn giáo.

Kết hợp đồng bộ các giải pháp, kết hợp sức mạnh của mọi cơ quan trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với tâm lý, tập quán của người có đạo theo Hồ Chí Minh là một giải pháp quan trọng trong giải quyết vấn đề tôn giáo. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ cách mạng cần phải am hiểu tập quán của nhân dân. Đối với đồng bào có đạo, ngoài các giả pháp về kinh tế - xã hội, thì việc tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước có vai trò to lớn. Người phê phán phương pháp tuyên truyền thô thiển cũng như cách ứng xử thô bạo với đồng bào. Người nói: “Đối với nông dân Công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra giải thích. Nhiều cán bộ hễ nói đến cha cố, không phân biệt tốt xấu, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân Công giáo khó chịu”[2].

Trong cuộc đời hoạt động của mình, một trong những vấn đề quan tâm nhất của Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu cách mạng. Người đã để lại một di sản phong phú và sâu sắc về lĩnh vực này. Từ năm 1927, trong “Đường cách mệnh” Người đã khẳng định: “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công”[3]. Suy rộng điều đó ra, trong giải quyết vấn đề tôn giáo, muốn làm tốt thì cũng phải chú trọng xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển đội ngũ cán bộ. Giải quyết vấn đề này cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng then chốt là vấn đề xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, củng cố hệ thống chính trị vùng giáo vững mạnh. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh việc phát triển Đảng và Đảng cần phải “khôn khéo và cẩn thận, từ lời nói cho đến việc làm”[4] trong giải quyết vấn đề tôn giáo.

Muốn xử trí khôn khéo để xây dựng đoàn kết trong Đảng, cũng như xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, cần phải kiên quyết chống lại bệnh hẹp hỏi, đó là một thứ bệnh nguy hiểm. “Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân”[5].

Xử trí khôn khéo không có nghĩa là dùng những thủ đoạn, không chân thành, thực lòng, thực dạ. Xử trí không khéo, theo Hồ Chí Minh, phải xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phải tin vào tinh thần hướng thiện, tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân nói chung, của đồng bào tôn giáo nói riêng. Từ đó mà đưa ra những biện pháp ứng xử, những khẩu hiệu thích hợp đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Có như thế mới có thể động viên được lực lượng toàn dân đi theo sự lãnh đạo một cách tự giác, đồng lòng, đồng sức thực hiện những mục tiêu chiến lược, đường lối, chính sách của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo đi tới thắng lợi, sức mạnh của Đảng nhờ đó được tăng cường, uy tín của Đảng được nâng cao.

Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, nguyện vọng của đồng bào giáo dân là “phần xác no ấm, phần đời thong dong”, đồng thời chỉ ra những biện pháp ứng xử khéo và cẩn thận của các cấp ủy Đảng trong việc quan tâm đến phần đời và phần đạo của quần chúng. Đó là “phải ra sức củng cố hợp tác xã, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Đồng thời, phải đảm bảo tín ngưỡng tự do. Những hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với pháp luật nhà nước”[6].

Để xây dựng Đảng điều quan trọng hàng đầu là phải biết dựa vào dân, biết sử dụng vũ khí phê bình và tự phê bình. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến việc cán bộ, đảng viên cần hoan nghênh và sẵn sàng tiếp thu ý kiến phê bình của quần chúng nhân dân nói chung, cũng như của đồng bào tôn giáo nói riêng. Trong thư gửi các hàng giáo sĩ và đồng bào công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh Hồ Chí Minh viết: “Tôi tỏ lòng khen ngợi các hàng giáo sĩ và đồng bào đã thân ái giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, thực hiện đúng chính sách, tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ, như thế là đã làm theo lời phán của Chúa Kitô: “Hỡi anh em, khi có ai mắc sai lầm, anh em hãy dịu dàng giúp anh em ấy sửa chữa”[7].

Tóm lại, Tất cả những vấn đề trên cho chúng ta thấy tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo thể hiện tính nhân văn cao cả của Người, phản ánh tính đặc sắc của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin về công tác tôn giáo vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực về thái độ ứng xử đối với tôn giáo, trong những hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo của sự nghiệp giải phóng dân tộc, khi các thế lực phản cách mạng luôn tìm cách lợi dụng tôn giáo vì mục tiêu chính trị, chia rẽ và phá hoại khối đoàn kết dân tộc thì Hồ Chí Minh vẫn luôn tỉnh táo, sáng suốt để nhìn nhận, đánh giá và có thái độ ứng xử đúng mực đối với tôn giáo và công tác tôn giáo.

II. Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 80 xây dựng và trưởng thành Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong nhận thức về tôn giáo cũng như làm tốt công tác tôn giáo trong thực tiễn. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng và hoàn thiện dần cùng với sự phát triển chung của điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước thực sự bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986, nhưng đổi mới về lĩnh vực tôn giáo thì mới được bắt đầu kể từ Nghị quyết 24- NQ/TW của Bộ Chính trị năm 1990.

Trải qua hai thập niên của sự nghiệp đổi mới, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nên Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đổi mới về chính sách về vấn đề tôn giáo với bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; nhờ có sự quan tâm đến lợi ích của nhân dân, biết dựa vào dân để phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của dân, trong đó có 20 triệu đồng bào có đạo; nhờ biết khai thác nội lực và ngoại lực, biết kết hợp sức mạnh của dân tộc và thời đại mà Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vững vàng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta đã luôn phân định đúng đắn những giá trị tích cực và tiêu cực của tôn giáo trong đời sống xã hội từ đó đề cao và tôn trọng tính tồn tại khách quan của tôn giáo, coi đó là một nhu cầu của một bộ phận quần chúng nhân dân có đạo.

Chính sách tôn giáo một mặt được xây dựng dựa trên quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo;  mặt khác, căn cứ vào tình hình quốc tế, đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và nhu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng  và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Mặt khác, mọi người – kể cả có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau – cần đề cao cảnh giác chống mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng.

1. Giải quyết vấn đề tôn giáo trên nguyên tắc tôn trọng nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Xuất phát từ thực trạng, Việt Nam là một quốc gia nhiều dân tộc và có nhiều tôn giáo lớn với khoảng hơn 20 triệu tín đồ, đồng bào các tôn giáo chiếm gần 20% dân số nhưng trên bình diện tổng quát trong suốt quá trình lịch sử, Việt Nam không có xung đột và bài xích tôn giáo, các tôn giáo đồng thuận chung sống hòa đồng trong đời sống xã hội.

2. Công tác tôn giáo không chỉ là vấn đề chiến lược mà còn rất nhạy cảm, hệ trọng và cấp bách, không thể trì hoãn.

Với tính cách là tổng thể các hoạt động xem xét, đánh giá, giải quyết, xử lý các hiện tượng tôn giáo và mối quan hệ tín ngưỡng, tôn giáo với các hiện tượng xã hội khác, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; công tác tôn giáo không đơn thuần là công tác tư tưởng, mà cốt lõi là công tác vận động quần chúng, tổ chức thuyết phục giáo dục quần chúng quán triệt, thực hiện thắng lợi đường lối chính sách của Đảng; là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt làm thất bại các âm mưu thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để lôi kéo, mua chuộc quần chúng chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Cho nên, công tác tôn giáo có tác động rất lớn đến xây dựng, phát triển lực lượng quần chúng và cán cân so sánh giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng, theo đó ảnh hưởng lớn đến quá trình tồn tại, phát triển của dân tộc, của đất nước và sự tồn  vong của toàn bộ sự nghiệp cách  mạng. Vì thế: “Qua các giai đoạn cách mạng Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa hết sức quan trọng”[8] và tiếp tục khẳng định: trước đây, hiện nay và sau này cũng vậy, vấn đề tôn giáo luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Những kết luận trên đây được rút ra không chỉ là kết quả của việc quán triệt sâu sắc, đầy đủ quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, trong đó có đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo trong lịch sử, mà còn là sự kết tinh những bài học kinh nghiệm quí báu của Đảng, Nhà nước, dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Thực tế lịch sử cho thấy, một trong những nguyên nhân giúp dân tộc ta tồn tại, phát triển như ngày nay là do suốt trong chiều dài lịch sử, về cơ bản ông cha ta luôn xác định đúng tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo và Đảng, Nhà nước ta luôn xác định và giải quyết đúng đắn vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng ở đâu, lúc nào, chúng ta xác định chưa đúng, thậm chí không đúng vị trí chiến lược của công tác tôn giáo đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước thì đất nước sẽ lâm nguy, dân tộc khó phát triển.

Trước xu thế tiến bộ của xã hội nói chung, các tôn giáo luôn tìm cho mình hướng thích nghi cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của mình. Đặc biệt, trước tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hoá, các tôn giáo, một mặt đẩy mạnh sự phát triển của đạo đến mọi khu vực trên thế giới, mặt khác, luôn tự đổi mới về giáo lý, lễ nghi và sinh hoạt đạo. Bên cạnh đó, đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình hội nhập, mở cửa cùng với những thành quả tích cực, chúng ta cũng đang gặp không ít những khó khăn, thách thức. Lợi dụng mở cửa, hội nhập, các thế lực thù địch phản động tiếp tục chống phá sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta. Tôn giáo tiếp tục là một trong những con bài quan trọng được chúng lợi dụng chống phá cách mạng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo với những người không có tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, do đó cần tỉnh táo, linh hoạt mềm dẻo trong cư xử với các tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được củng cố, tăng cường cả bề rộng và chiều sâu. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng bổ xung và phát triển khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”12. Cùng với khẳng định đó Đảng ta cũng chỉ rõ: “Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do, tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”13 những khẳng định này chẳng những là một quan điểm và chính sách lớn trong công tác tôn giáo mà còn có ý nghĩa chiến lược cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Tôn giáo là một hiện tượng không dễ gì xoá bỏ. Nó là hiện tượng xã hội suy thoái rồi lại hồi sinh, nén ép rồi lại vùng lên, dập tắt rồi lại bùng cháy. Duy trì nó hay gạt bỏ nó chỉ phụ thuộc riêng vào sự lựa chọn của chính con người, bởi nó tồn tại trong tâm linh sâu kín của con người. Ở đấy không có sức mạnh nào từ bên ngoài xông vào để tiêu diệt nó. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo ngày càng có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng, những nội dung đó chính là phương châm chỉ đạo hành động cho Đảng, Nhà nước ta đã và đang làm tốt công tác tôn giáo, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

 

 

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 6, tr. 8

2. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 6, tr. 565

3; 4. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 5, tr.409 - 410

5. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 8, tr. 285

6. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 5, tr.131

7. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 5, tr. 109

8. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996, tập 5, tr.55

9. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 6, tr.184

10. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996, tập 5, tr. 115

11. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 2, tr.443-435

12; 13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb CTQG, H. 2011, tr. 81.



[1] Hồ Chí Minh, sđd, tập 7, tr. 197

[2] Tập 7, tr. 332

[3] Tập 2, tr. 268

[4] Tập 5, tr. 119

[5] Tập 5, tr. 236

[6] Tập 10, tr. 606

[7] Tập 8, tr. 286

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, BCHTW khóa IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 45

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét