Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

 

TỪ QUAN ĐIỂM CỦA V. I. LÊ-NIN VỀ CHỦ NGHĨA CƠ HỘI ĐẾN CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CƠ HỘI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Chủ nghĩa cơ hội thời nào cũng có, nhưng thường xuất hiện công khai và phát triển vào lúc cách mạng gặp khó khăn và khi các quan hệ xã hội có những biến đổi. Gần đây, trong các văn kiện của Đảng nhắc nhiều tới cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, tư tưởng cơ hội, các phần tử cơ hội chính trị... Điều đó chứng tỏ đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội ở nước ta hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng. Để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, việc nghiên cứu quan điểm của V.I. Lê-nin về chủ nghĩa cơ hội là rất cần thiết.

V. I. Lê-Nin là lãnh tụ của giai cấp công nhân Nga và phong trào cộng sản - công nhân quốc tế. Ngay từ những năm đầu giữ vai trò lãnh tụ, ông đã đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa dân túy, phái mác-xít hợp pháp và chủ nghĩa cơ hội với đủ màu sắc đang nảy sinh ở nước Nga khi đó. Trong các tác phẩm của mình, V.I. Lê-nin chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của chủ nghĩa cơ hội và bản chất, đặc điểm của nó.

Về nguyên nhân, theo V.I. Lê-nin, sự xuất hiện chủ nghĩa cơ hội ở Nga trong những năm đầu thế kỷ XX có ba nguyên nhân chính sau:

Một là, bắt nguồn từ ảnh hưởng của khuynh hướng tư tưởng tiểu tư sản trong phong trào quần chúng công nhân. Do giai cấp công nhân sống “sát nách” với giai cấp tiểu tư sản, trong khi giai cấp này lại có sự phân hóa nên một bộ phận trong số đó nhập vào giai cấp công nhân. Họ mang theo vào phong trào công nhân mọi thứ quan niệm, như “mê tín, thiển cận, hẹp hòi, lệch lạc có tính chất tiểu tư sản”(1). Bên cạnh đó, nước Nga thời bấy giờ “là nước tiểu tư sản nhất trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa. Vì thế cho nên khi chủ nghĩa Mác vừa mới trở thành một trào lưu xã hội có tính chất quần chúng ở Nga, thì trong trào lưu đó xuất hiện ngay một thứ chủ nghĩa cơ hội tiểu tư sản của những phần tử trí thức, ban đầu dưới hình thức “chủ nghĩa kinh tế” và “chủ nghĩa Mác hợp pháp” (1895 - 1902), sau đó dưới hình thức chủ nghĩa men-sê-vích (1903 - 1908)”(2). V.I. Lê-nin khẳng định, đây là điều tất yếu khách quan: “Phong trào quần chúng của công nhân có sinh ra một cánh tiểu tư sản và cơ hội chủ nghĩa trong phong trào đó thì đấy không phải là điều ngẫu nhiên, mà là một hiện tượng tất nhiên”(3).

Hai là, sự phân hóa trong nội bộ giai cấp công nhân, tình trạng “tư sản hóa giai cấp công nhân” và sự xuất hiện “tầng lớp công nhân quý tộc”. Có sự phân hóa đó là do giai cấp tư sản mua chuộc được tầng lớp trên của giai cấp công nhân bằng hình thức siêu lợi nhuận. Một bộ phận công nhân có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có uy tín trong tập thể công nhân được giai cấp tư sản sử dụng, giúp giai cấp tư sản trong tổ chức, quản lý sản xuất, giám sát kỹ thuật. Sau đó, họ bị giai cấp tư sản mua chuộc, chi phối bằng lợi ích vật chất. Từ đó, họ biến chất, trở thành tay sai cho giai cấp tư sản. Tầng lớp công nhân quý tộc này đã tác động đến phong trào công nhân, làm cho chủ nghĩa cơ hội phát triển trong phong trào công nhân.

Ba là, một bộ phận giai cấp công nhân hiểu chủ nghĩa Mác một cách không có hệ thống, chưa thấm nhuần thế giới quan mác-xít, chưa đoạn tuyệt với thế giới quan tư sản nói chung và thế giới quan dân chủ - tư sản nói riêng. Và do vậy, họ luôn “nhảy từ một cực đoan bất lực này sang một cực đoan bất lực khác. Khi thì họ giải thích rằng mọi việc đều do những kẻ có ác ý “xúc xiểm” giai cấp này chống lại giai cấp kia, khi thì họ tự an ủi bằng cách nói rằng đảng công nhân là một “đảng cải lương có tính chất hòa bình”(4). Điều đó cho thấy, những người theo chủ nghĩa cơ hội thường có biểu hiện lập trường tư tưởng không rõ ràng, còn bấp bênh, chưa hiểu bản chất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; thái độ của họ lúc thế này, lúc thế khác và nguy hiểm hơn là họ sẵn sàng thay đổi giọng điệu, thái độ, lập trường để đạt được mục đích và vì lợi ích của mình. Vì lợi ích của phe nhóm, dòng tộc và cá nhân, những kẻ cơ hội chủ nghĩa sẵn sàng thỏa hiệp vô nguyên tắc với các tầng lớp, giai cấp phi vô sản, từ bỏ con đường đấu tranh cách mạng, phản bội lại mục tiêu, lý tưởng cộng sản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Về bản chất, V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Ai không cố ý nhắm mắt lại thì không thể không thấy rằng khuynh hướng “phê bình” mới trong chủ nghĩa xã hội chẳng qua chỉ là một hình loại mới của chủ nghĩa cơ hội mà thôi. Và nếu xét người, không căn cứ vào bộ áo hào nhoáng họ tự khoác cho họ hoặc vào cái tên khá kêu họ tự đặt cho họ, mà căn cứ vào cách họ hành động, vào những tư tưởng mà họ thực tế truyền bá, thì thấy rõ rằng “tự do phê bình” là tự do của khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong đảng dân chủ - xã hội”(5). Khẩu hiệu “tự do phê bình” mà phái kinh tế giương lên là hình thức mới của chủ nghĩa cơ hội quốc tế; khuynh hướng này hình thành vào nửa cuối thế kỷ XIX và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XX trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đó là sự phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Vấn đề nguy hiểm của chủ nghĩa cơ hội là khoác áo chủ nghĩa Mác, không công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác nhưng xuyên tạc chủ nghĩa Mác, vứt bỏ “linh hồn” cũng như những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác, nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Theo V.I. Lê-nin, thực chất tư tưởng của “tự do phê bình” hoàn toàn chỉ là sự cóp nhặt sách báo tư sản rồi làm thành “học thuyết” của mình; cái gọi là “tự do phê bình” chẳng qua chỉ “là tự do biến đảng dân chủ - xã hội thành một đảng dân chủ cải lương, là tự do đưa những tư tưởng tư sản và những thành phần tư sản vào trong chủ nghĩa xã hội”(6). Điều đó cho thấy, bản chất của chủ nghĩa cơ hội là mơ hồ về tư tưởng chính trị, không nhất quán về lập trường tư tưởng, làm lu mờ tính giai cấp, tính đảng và tính nguyên tắc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ cũng tìm con đường trung dung, quanh co, uốn khúc như “con rắn nước” giữa hai quan điểm đối chọi nhau, tìm cách “thỏa thuận” với cả quan điểm này và quan điểm kia... Nói cách khác, những người theo chủ nghĩa cơ hội thường có lập trường tư tưởng không vững vàng, thiếu kiên định, bản lĩnh chính trị yếu kém, tư tưởng “chiết trung”, né tránh trước những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra của đất nước.

Về đặc điểm, V.I. Lê-nin cho rằng, chủ nghĩa cơ hội quốc tế được biểu hiện dưới nhiều màu sắc, nhiều dạng, nhiều loại khác nhau, tùy theo đặc điểm của từng quốc gia dân tộc, nhưng chúng giống hệt nhau về nội dung, bản chất chính trị - xã hội, đó là: tính không kiên quyết, tính vô nguyên tắc, tính không rõ ràng, lờ mờ, quanh co. Sở dĩ có hiện tượng những người mác-xít, những người hoạt động trong đảng công nhân rơi vào chủ nghĩa cơ hội là do họ có sự do dự, thiếu kiên định, dao động và lừng chừng về chính trị. Chính vì vậy, họ “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”(7).

Nghiên cứu quan điểm của V.I. Lê-nin về chủ nghĩa cơ hội cho chúng ta thấy, đây là trào lưu tư tưởng đối lập với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, là tàn dư của tư tưởng tư sản, tiểu tư sản trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nó sẵn sàng hy sinh lợi ích cơ bản, lâu dài của giai cấp công nhân, của phong trào công nhân vì lợi ích trước mắt của một bộ phận. Thực chất, đó là sự đầu hàng trước những trào lưu tư tưởng tư sản và là sự phản bội chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa cơ hội tồn tại dưới nhiều hình thức, như về lý luận, đó là sự chiết trung, ngụy biện, sẵn sàng thay đổi quan điểm, tư tưởng cơ bản để trục lợi; về kinh tế, đó là sự thực dụng, sẵn sàng đánh đổi cả phong trào vì lợi ích kinh tế trước mắt của một nhóm người; về hành động, đó là sự phiêu lưu, lúc tả khuynh, lúc hữu khuynh, lúc thì nóng vội, lúc thì chủ quan, sẵn sàng từ bỏ mục tiêu cách mạng, thủ đoạn thì tinh vi, lắt léo, dễ dàng thỏa hiệp với mọi loại trào lưu khi có lợi. Do vậy, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục.

Hiện nay, chủ nghĩa xã hội đang tạm thời lâm vào khủng hoảng và thoái trào, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, các thế lực phản động đang tìm mọi cách chống phá cách mạng của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Đây là thời cơ cho chủ nghĩa cơ hội nổi dậy chống phá phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chống phá các đảng cộng sản và chủ nghĩa xã hội.

Ở nước ta, về nguyên tắc, không có đất cho chủ nghĩa cơ hội phát sinh, phát triển, và chủ nghĩa cơ hội với những biểu hiện đầy đủ cũng chưa rõ nét, nhưng những phần tử cơ hội không phải là không có, mà đã và đang có mặt ở nơi này, nơi khác, trong các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, chủ nghĩa cơ hội ngày nay khác với chủ nghĩa cơ hội “cổ điển” ở chỗ, nó không còn đơn thuần là biểu hiện của mâu thuẫn giữa hai luồng tư tưởng, mà đã hóa thân thành “muôn hình vạn trạng”, hòa vào xã hội như một “căn bệnh” quái ác, với mức độ khôn khéo hơn, ngụy trang kỹ lưỡng hơn.

Hiện nay, do thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa có sự phát triển đồng bộ và hiện đại, còn nảy sinh nhiều mặt trái; đồng thời, do những yếu kém của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện sự nghiệp đổi mới, cho nên không ít cán bộ, đảng viên lập trường không kiên định đã “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” thành các phần tử cơ hội, và nhiều phần tử cơ hội tìm cách chui vào hàng ngũ của Đảng nhằm trục lợi.

Biểu hiện của những kẻ cơ hội trong những năm qua ở nước ta là bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân, tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc. Họ say mê quyền lực, địa vị, coi đó như một thứ có thể mua bán, tiến thân, từ đó mà khéo luồn lách, nịnh bợ để lấy lòng cấp trên, để tranh thủ lá phiếu trước mỗi đợt bầu cử. Họ kéo bè, kết cánh, “móc ngoặc” trên dưới, trong ngoài, tìm mọi cách để “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy danh”, “chạy lợi”, “chạy chỗ”, “chạy bằng cấp”, “chạy tuổi” và khi bị phát hiện thì tiếp tục “chạy tội”. Họ lợi dụng việc tuyển chọn, đánh giá, luân chuyển cán bộ để trục lợi cá nhân, tìm mọi cách đưa người “cùng cánh” vào nắm những chức vụ trong cơ quan, mà không chịu chọn những người có đủ đức, tài.

Những biểu hiện nêu trên của các phần tử cơ hội đang ảnh hưởng đến nhiều cán bộ, đảng viên, mà nếu không được ngăn chặn, sẽ làm cho họ bị suy giảm dần về bản chất cách mạng, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, xa rời hệ tư tưởng của giai cấp công nhân là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, không còn khả năng tổ chức, tập hợp quần chúng quán triệt và thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không còn giữ được vai trò là chiến sĩ tiên phong của Đảng, cuối cùng sẽ dẫn đến mất Đảng, mất chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã dày công xây dựng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa cơ hội. Đây không những là vấn đề mang tính quy luật trong sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của các đảng cộng sản và phong trào công nhân thế giới nói chung, của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam nói riêng.

Để đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội và những phần tử cơ hội có hiệu quả, cần có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như các cấp, các ngành. Theo đó, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách, pháp luật với quyết tâm cao, nhất là của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Cụ thể, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đây là giải pháp cơ bản và lâu dài nhằm xóa bỏ cơ sở hình thành chủ nghĩa cơ hội cũng như các phần tử cơ hội trong kinh tế và chính trị. Thực hiện tốt mục tiêu: “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”(8). Trước hết, cần bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế, giữa các yếu tố thị trường và các loại thị trường, giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, xã hội; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giữa phát triển văn hóa với bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần hạn chế những mặt tiêu cực, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường chưa hiện đại, chưa đồng bộ - môi trường thuận lợi cho các phần tử cơ hội lợi dụng và phát triển.

Hai là, tiếp tục bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời kỳ mới, đồng thời tăng cường học tập và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là ở chỗ, nó phải luôn được bổ sung, phát triển trên cơ sở những thành tựu mới của khoa học và thực tiễn cuộc sống. Việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên cơ sở khoa học cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay là tất yếu khách quan và điều này góp phần hạn chế sự lạc hậu, yếu kém về mặt lý luận của cán bộ, đảng viên, không còn điều kiện cho chủ nghĩa cơ hội và các phần tử cơ hội lợi dụng để xuyên tạc, phê phán, tầm thường hóa chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đặc biệt, việc tăng cường học tập và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin sẽ làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có được phương pháp tư duy khoa học và phương pháp tư duy biện chứng, tránh rơi vào lối tư duy chiết trung, ngụy biện của chủ nghĩa cơ hội.

Ba là, thực hiện kiên quyết, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là một trong những giải pháp chủ yếu trong đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và các phần tử cơ hội ở nước ta hiện nay. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần chủ động phát hiện, kiên quyết, kiên trì đấu tranh và xử lý bằng hình thức phù hợp đối với các phần tử cơ hội, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; đồng thời, “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”(9).

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, cần làm tốt việc sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên quyết thanh lọc những kẻ cơ hội, kịp thời đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách, không đủ tiêu chuẩn, như V.I. Lê-nin từng nhắc nhở: “Điều rất cần thiết hiện nay là, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân”(10), dù cho bản thân Đảng có “phải tạm thời chịu đau đớn kịch liệt đi nữa”(11).

Bốn là, tích cực và chủ động đấu tranh chống những tư tưởng cơ hội, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. V.I. Lê-nin cũng đã cho chúng ta một tấm gương mẫu mực về sự phê phán, đấu tranh có tính nguyên tắc chống chủ nghĩa cơ hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta cần làm tốt công tác tư tưởng, lý luận, chủ động tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục những người nhẹ dạ, cả tin, bị các phần tử cơ hội, thù địch mua chuộc, lôi kéo; đồng thời phân hóa, cô lập những kẻ cầm đầu, cực đoan, có thái độ chống đối trong số các phần tử đó. Phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện kịp thời và đấu tranh hiệu quả với hoạt động phá hoại của các phần tử cơ hội. Chú trọng xây dựng và phát huy tốt vai trò của lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, dựa trên cơ sở khoa học xác đáng, với luận điểm đúng đắn, luận cứ rõ ràng, luận chứng sắc bén, có tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin - truyền thông, nhất là in-tơ-nét và mạng xã hội; kiểm soát, tổ chức tốt việc thu hồi tài liệu, ấn phẩm mà các phần tử cơ hội phát tán để xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

-------------------------------------------

(1), (2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, t. 25, tr. 118, 142

(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 25, tr. 155

(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 78

(5), (6) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 10, 11

(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 239

(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 104

(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 202

(10) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 26, tr. 327

(11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 27, tr. 154

Lê Thị Thanh Hà - PGS, TS, Viện Triết học, Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Cộng sản

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét