THẾ HỆ TRẺ LÀ LỰC LƯỢNG XUNG KÍCH,
TƯƠNG LAI CỦA NƯỚC NHÀ
Nhận thức sâu sắc rằng, “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một
đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”, từ rất sớm, Hồ Chí
Minh đã đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ - những người mang trong mình bầu
nhiệt huyết, sức sống tràn trề, năng lực sáng tạo, v.v.. đối với sự trường tồn
của đất nước. Vì vậy, xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng và hành động, Hồ Chí
Minh không chỉ cuốn hút họ bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết
cách mạng của mình mà còn kêu gọi, đánh thức, giác ngộ và cổ vũ họ tham gia
cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng giao nhiệm vụ và tạo điều
kiện để họ được học tập, lao động, cống hiến…
Hướng vào tuổi trẻ, đưa họ đến với cách mạng, Hồ Chí Minh đã
tiến hành tổ chức, giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ để họ phát huy vai trò của
mình, góp sức vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng; đó là thành lập Hội
Việt Nam Cách mạng thanh niên (6-1925) mà nòng cốt là Cộng sản đoàn; ra báo
Thanh niên; mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo nhiều thanh niên Việt Nam yêu
nước trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng và của phong trào cách mạng cả
nước. Người cũng gửi thư cho Ủy ban Trung ương thiếu nhi Liên Xô và đại diện
đoàn Thanh niên cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên cộng sản (7-1926) đề nghị
giúp đỡ, để gửi một số thiếu niên Việt Nam do Người nuôi ở Quảng Châu sang Liên
Xô học tập, “để trở thành những chiến sĩ Lêninnít tí hon chân chính”, làm hạt
nhân cho Đoàn Thanh niên cộng sản sau này. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt
Nam ra đời, vấn đề thanh niên, bồi dưỡng lực lượng thanh niên đã được đặc biệt
quan tâm khi thông qua Án nghị quyết của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931) về
việc tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản theo đề nghị của Hồ Chí Minh...
Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lòng yêu nước, tinh thần
cách mạng, sự nhiệt tình, gan dạ và những tấm gương hy sinh dũng cảm của tuổi
trẻ nước nhà (thông qua Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đội Thiếu nhi cứu quốc, Đội
Nhi đồng cứu quốc) đã góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc Tổng khởi
nghĩa Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một
trang sử mới, một kỷ nguyên mới đã mở ra khi nước nhà giành được độc lập và
cùng với đó là một tiền đồ rực rỡ gắn liền với những nhiệm vụ nặng nề của thế hệ
trẻ. Khi ấy, tràn đầy niềm tin tưởng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Hồ Chí Minh đã không chỉ khích lệ học sinh cả nước nhân ngày khai trường
đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Nước nhà mong chờ ở các em rất nhiều. Non
sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài
vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ
một phần lớn ở công học tập của các em”(3) mà còn khẳng định thế hệ trẻ, trước
hết là thanh niên chính là đội dự bị, lực lượng kế cận hùng hậu của cách mạng,
những người chủ tương lai của nước nhà.
Theo Người, vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy,
yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên - những người có trách nhiệm thực
hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã chuyển giao vào tay mình.
Do đó, nhất định thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn, vững chắc;
phải là những người không chỉ gánh vác mà phải còn vượt lên những gì thế hệ
trước mong muốn nhưng chưa thực hiện được do những hạn chế, những điều kiện
lịch sử quy định… Để hoàn thành sứ mệnh đó, muốn trở thành những con người đủ
đức, đủ tài, có thể gánh vác được những trọng trách mà cách mạng giao phó và
làm chủ tương lai một cách xứng đáng, mỗi người ngay từ khi còn trẻ đã luôn
phải tự giác rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải tích cực làm việc
để chuẩn bị cho tương lai. Đó là, phải ra sức học tập trong nhà trường, ở gia
đình và ngoài xã hội; học tập qua sách vở và trau dồi tri thức từ chính thực
tiễn cuộc sống và khắc phục những nhược điểm: nóng vội, thiếu thực tế, hình
thức, chủ quan…; phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp theo
phương châm học “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước
mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”(5). Đặc biệt, đoàn
viên, thanh niên, học sinh, sinh viên phải xung phong trong mọi công tác, đi
trước, làm trước, phải có tinh thần sẵn sàng dấn thân “đâu Đảng cần thì thanh
niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”; “phải rèn luyện thân thể cho khỏe
mạnh, khỏe mạnh thì mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công
việc ích nước lợi dân”, phải đoàn kết chặt chẽ, kiên trì phấn đấu, vượt mọi khó
khăn, thi đua học tập và lao động sản xuất…, để góp sức vào sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc như chỉ dẫn của Người tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
II của Đoàn (1956).
Thấm nhuần và thực hiện những chỉ dẫn của Người, lớp lớp thế
hệ trẻ Việt Nam đã nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu xứng đáng với niềm tin
yêu, sự khen ngợi và kỳ vọng của cha anh. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng
minh rằng, thế hệ trẻ Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp
cách mạng; là rường cột, đội hậu bị xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước
và nhân dân. Thế hệ trẻ Việt Nam - thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, tre già măng
mọc trưởng thành từ những Đội Cứu quốc, Tổng hội sinh viên, Hội truyền bá quốc
ngữ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đoàn quân Nam tiến đến phong trào
“Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Năm xung phong”,v.v.. đã góp
sức mình vào chiến thắng chung của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống
ngoại xâm để bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiên định
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét