Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

Phạm Thị Đoan Trang và những giải thưởng quốc tế vô lý

 Ngày 18/02/2022, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng tự do báo chí cho đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam Phạm Thị Đoan Trang, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:

 

Như đã nhiều lần khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, được triển khai thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam và được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua.

 

Phạm Thị Đoan Trang bị bắt giữ và xét xử do có những hành động vi phạm pháp luật nhiều lần, nghiêm trọng, liên hệ với các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, xuất bản các ấn phẩm trái phép có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, kích động các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội.

 

Chúng tôi cho rằng việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam.

 

Trước đó, tại phiên tòa ngày 14.12.2021, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (43 tuổi, trú P.Cát Linh, Q.Đống Đa, Hà Nội) về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Theo cáo buộc, Phạm Thị Đoan Trang từng công tác ở một số báo điện tử tại Việt Nam. Năm 2013, bị cáo Trang xuất cảnh đi nước ngoài và bị một số đối tượng phản động móc nối, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

 

Trong khoảng thời gian từ 16.11.2017 đến 5.12.2018, Phạm Thị Đoan Trang đã làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Ngoài ra, bị cáo Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.

 

Cụ thể, bị cáo Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu như: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”. Các tài liệu này có nội dung bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước.

 

Phán quyết được TAND Hà Nội đưa ra sau một ngày xét xử, căn cứ khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999.

 

Bản án nhận định hành vi của bị cáo là "nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với mục đích cố ý". Bị cáo có trình độ nhận thức nhất định, hiểu và biết rõ hậu quả hành vi song vẫn tích cực thực hiện trong thời gian dài, phạm tội nhiều lần.

 

Bị cáo Trang bị VKSND Hà Nội cáo buộc từ tháng 11/2017 đến tháng 12/2018 đã "làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống nhà nước".

 

Liên quan việc bị cáo Trang trả lời phỏng vấn trên Kênh BBC News Tiếng Việt, Đài Á Châu tự do (RFA), cơ quan điều tra cho rằng nội dung này là "xuyên tạc đường lối, chính sách, phỉ báng chính quyền; tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân".

 

Làm việc với cơ quan công an, bị cáo xác nhận đã cùng nhóm tác giả "viết báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo" bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng trên trang điện tử do mình lập ra, nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc của cơ quan điều ra.

 

Đánh giá lời khai của bị cáo Trang, nhà chức trách cho rằng bị cáo "không thành khẩn".

 

Trước cáo buộc trả lời phỏng vấn các hãng báo chí nước ngoài với nội dung chống đối, xuyên tạc, bị cáo nhiều lần nói "không nhớ". "Tôi là nhà báo, từng phỏng vấn và được phỏng vấn bởi trăm, nghìn người. Phóng viên BBC Tiếng Việt, RFA là đồng nghiệp, những lần trao đổi họ có thể là tư cách bạn bè, có thể là trả lời báo chí chính thức, tôi không nhớ hết", Trang khai tại phiên tòa.

 

Trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Trang 7-8 năm tù.

Trước khi được biết đến là blogger, bị cáo Trang làm việc tại một số tờ báo, là tác giả một số ấn phẩm ở nước ngoài.

 

Ngày 14.3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ trao giải Phụ nữ quốc tế dũng cảm cho Phạm Thị Đoan Trang và 11 người khác.

 

Tại họp báo thường kỳ ngày 17.3, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải Phụ nữ can đảm quốc tế cho Phạm Thị Đoan Trang, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho Phạm Thị Đoan Trang là hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước.

 

Theo bà Hằng, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và khẳng định quyền cơ bản của công dân Việt Nam, trong đó có quyền của phụ nữ.

 

"Các nỗ lực thành tựu của Việt Nam không ngừng đảm bảo và cải thiện quyền con người trong thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao", bà Hằng nhấn mạnh.

 

"Việt Nam cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho Phạm Thị Đoan Trang - một cá cá nhân vi phạm pháp luật, đã bị tòa án xét xử, là hành động thiếu khách quan, không phù hợp, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước", bà Hằng nhấn mạnh.

 

Đây là bài học cho những kẻ đang ngày đêm mộng tưởng về việc lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền để chống phá Nhà nước, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Những miếng mồi béo bở mà các tổ chức dân sự và thậm chí chính quyền các nước tư bản đưa ra đã làm nhiều kẻ lóa mắt, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc, tự dẫm đạp lên lịch sử, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cũng như đường lối, chính sách phát triển đất nước. Kiếm được những đồng đô la từ những việc làm bẩn thỉu và nhơ nhớp, thậm chí được bảo lãnh sang sinh sống tại các nước tư bản nhưng rốt cuộc, những kẻ phản bội Tổ quốc lại bị chính những quan thầy bỏ mặc sau khi không còn giá trị sử dụng. Những kẻ đó tất yếu sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm minh của pháp luật Việt Nam. Cùng với đó là bản án về lương tâm bởi sự coi thường, dè bỉu của họ hàng, người thân, nhân dân cả trong và ngoài nước đối với kẻ phản bội Tổ quốc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét