Việc tổ chức kỳ họp bất thường đầu tiên cho thấy sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng theo Hiến pháp, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước.
Kỳ họp bất thường đầu tiên,
chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội diễn ra từ ngày 04-11/1/2022 tại
Thủ đô Hà Nội.
Việc tổ chức kỳ họp đã cho
thấy sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ
theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, với mục tiêu tối thượng là phục vụ
nhân dân, sự phát triển của đất nước.
Giải quyết vướng mắc pháp lý
cho đầu tư phát triển
Kỳ họp bất thường lần thứ
nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai
thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; đặc biệt
trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch
COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước.
Để góp phần khôi phục, phát
triển kinh tế-xã hội, kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài
khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh
tế-xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.
Với tính chất “bất thường”
nên các nội dung được đưa ra bàn thảo, xem xét tại kỳ họp đều rất cần thiết và
cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tại kỳ họp này,
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu
tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu
thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi
hành án dân sự; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù
phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ
triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết về
Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông
giai đoạn 2021-2025.
Việc trình Quốc hội dự thảo
Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục
hồi và phát triển kinh tế-xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp bách nhằm
cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu
thực tiễn.
Trong bối cảnh dịch COVID-19
diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, việc
quyết định, triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, đột phá, có
sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển
trong những năm tới, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm
các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Đồng thời, thể hiện cam kết
mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ, cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh
nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, Quốc hội xem xét cơ
chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm thúc đẩy một địa
phương vốn là động lực cho Đồng bằng sông Cửu Long trở thành đầu tàu, tác động
tích cực tới các tỉnh trong khu vực cũng như đóng góp cho cả nước.
Chủ động, thích ứng với bối
cảnh mới
Theo quy định của pháp luật,
Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì
Quốc hội họp bất thường.
Quyết định triệu tập kỳ họp
bất thường lần thứ nhất đã cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách của Quốc
hội.
Quốc hội Việt Nam không phải
là ngoại lệ và cùng với Chính phủ, việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất,
Quốc hội khóa XV là một sự chủ động, xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội,
từ đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri và của tình hình đất nước.
Trên thực tế, từ các kỳ họp
cuối của Quốc hội khóa XIV và những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Quốc
hội, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tính chủ động, thích ứng với bối cảnh
mới, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng do đại dịch đặt ra, có
nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động, trong đó có việc tổ chức
kỳ họp bất thường bằng phương thức trực tuyến.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà
Nội) đánh giá đây là quyết định hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn. Khi
dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khó lường, Quốc hội đã có những thay đổi
nhanh và linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để bắt nhịp với diễn biến thực
tế, đưa ra ứng phó kịp thời vì lợi ích nhân dân.
Thời gian kỳ họp vừa đủ để
các đại biểu đưa ra ý kiến với những vấn đề cấp thiết, nóng bỏng về tình hình
kinh tế-xã hội của đất nước trong dịch bệnh.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực tiễn tổ chức kỳ họp bất
thường sẽ là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức
kỳ họp linh hoạt, chủ động hơn nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm
quyền, hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn.
Có thể nói, các nội dung được
xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với sự
phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh
nghiệp, các nhà đầu tư và đông đảo quần chúng nhân dân.
Việc tổ chức kỳ họp một lần
nữa khẳng định quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng
Quốc hội đổi mới, hành động, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các trọng
trách, nhiệm vụ được nhân dân tin tưởng giao phó.
Việc tổ chức kỳ họp một lần nữa khẳng định quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng Quốc hội đổi mới, hành động, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các trọng trách, nhiệm vụ được nhân dân tin tưởng giao phó.
Trả lờiXóa