Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

KHÔNG NÊN TRÌ HOÃN VIỆC TIÊM VACCINE COVID-19 CHO TRẺ EM

 “Việt Nam: Bất an vì 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine Pfizer”, “Việt Nam và băn khoăn quanh chuyện có nên tiêm vaccine phòng covid-19 cho trẻ em?”...v.v. Đó là tiêu đề một số bài báo được giật tít trên các trang tin phản động của BBC, RFA, Tiếng Dân… trong thời gian qua khi Việt Nam tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em.

Trước hết, cần khẳng định không có một loại vaccine nào là an toàn tuyệt đối 100%. Những biến cố xảy ra trong quá trình tiêm chủng là điều không ai mong muốn và hoàn toàn nằm ngoài dự liệu. Nguyên nhân những trường hợp tử vong sau tiêm đều do cơ thể mẫn cảm với vaccine, bị sốc phản vệ ở cấp độ 4, hoàn toàn không phải do thực hiên quy trình tiêm không đúng hay do chất lượng vaccine như một số thông tin sai trái, thù địch thường rêu rao, kích động trong thời gian qua.

Theo dữ liệu hiện nay trên toàn thế giới số lượng trẻ em mắc Covid-19 cũng không hề nhỏ, tuy nhiên tỷ lệ các cháu mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn so với nhóm người lớn trên 50 tuổi. Vì thế, các chuyên gia dịch tễ đều khẳng định, chúng ta cần tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em để đảm bảo trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan…thì vaccine sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong đối với những trẻ này, vì đây là đối tượng nguy cơ cao. Hiện nay, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trên 12 tuổi, bao gồm cả nhóm trẻ em có bệnh nền. Tại Mỹ tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ trên 12 tuổi hiện đã đạt trên 50%.

Còn tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vaccine cho trẻ em đang được triển khai theo lộ trình tiêm cho nhóm tuổi 16-17 trước, sau đó hạ dần đến nhóm tuổi 12. Hiện nay, vaccine Covid-19 vẫn được ví là “chìa khóa” để ngành giáo dục thích ứng an toàn với dịch bệnh theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 về các quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo thống kê, cả nước hiện có 8.1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho 95% trẻ trong lứa tuổi này. Điều cần lưu ý đầu tiên để trẻ từ 12-17 tuổi được thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 là cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo Công văn 8688/BYT-DP. Trước khi tiêm vắc xin Covid-19, trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, tuân thủ các quy định phòng chống dịch như: khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện chủng ngừa, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm là rất quan trọng. Về tinh thần chung, tất cả các loại vaccine đều phải thận trọng, không riêng vaccine Covid-19. Sau khi tiêm vaccine, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

Như vậy, tiêm vaccine Covid-19 vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất đến thời điểm hiện tại của tất cả các quốc gia trên thế giới. Để đạt được hiệu quả miễn dịch cộng đồng và phòng tránh tình trạng bệnh chuyển nặng nếu không may nhiễm Covid-19 thì cần tiến hành tiêm chủng cho tất cả các đối tượng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Không thể vì một vài sự thiếu hiểu biết, nghe, tin, làm theo những thông tin sai trái, phản động của các thế lực thù địch mà làm ảnh hưởng trước hết là sức khỏe của chính mình, của người thân trong gia đình và rộng hơn là toàn xã hội. Tin tưởng và tiếp tục cho con em mình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là hành động thiết thực nhất vì sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội và phát triển đất nước trong giai đoạn bình thường mới hiện nay./.

1 nhận xét: