Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

BÓC TRẦN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN “DÂN SỰ HÓA” QUÂN ĐỘI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 Gần đây, trên một số trang mạng nước ngoài gần đây đăng tải nhiều bài viết tập trung “phân tích” về chủ trương, cách thức vận hành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Các bài viết này “ngợi khen” việc nhất quán “mỗi người dân là một chiến sĩ” thể hiện cách làm sáng tạo, hiệu quả. Họ thuyết giảng: Vì dịch bệnh cũng là một loại “giặc” nên đáng ra quân đội phải là lực lượng duy nhất có trách nhiệm đương đầu, ứng phó. Thế nhưng, Việt Nam đã biết cách biến mỗi người dân thành một chiến sĩ nên công cuộc chống “giặc dịch” trở nên hiệu quả. Trên luận điệu đó, họ cố tình suy diễn: Quân đội không thể hiện được vai trò, vị trí của mình, nên cần phải “dân sự hóa hoạt động quân sự”; trao sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) cho quần chúng. Có nghĩa, phải tinh giản biên chế trong quân đội một cách mạnh mẽ, chỉ để lại một vài cơ quan chỉ đạo chiến lược; cũng nên giảm ngân sách đầu tư cho quốc phòng và không nên “nuôi” một số lượng quân thường trực “đông nhưng không mạnh”... vì nếu có biến cố gì đi nữa, thì nhân dân ứng phó là đủ.

Với cách lập luận lập lờ nêu trên khiến không ít người thoạt nghe đã sinh ra a dua, cổ xúy, tán dương. Một số người dân đón nhận thông tin một chiều tỏ ra nghi hoặc về sức mạnh quân đội, rồi bày tỏ sự ủng hộ “dân sự hóa” một số lĩnh vực hoạt động quân sự, dành ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế...Từ những phân tích trên, các bài viết còn viện dẫn về chuyện một số quốc gia trên thế giới không cần xây dựng lực lượng quân đội, chỉ thiết lập đội tự vệ quốc gia với quân số ít. Thậm chí, có quốc gia không bận tâm đến việc BVTQ, vì trong xu thế hội nhập, các nước sẽ biết cách tôn trọng độc lập, tự do, chủ quyền của mỗi quốc gia. Thực chất, đây là những thủ đoạn nhằm hạ thấp ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ BVTQ, hạ bệ vai trò của QĐND Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, BVTQ; thúc đẩy xu hướng nhận thức tiêu cực, tạo áp lực tâm lý để xới lên đề xuất “giải tán” quân đội, cắt giảm nguồn lực đầu tư cho quân đội và quốc phòng. Đây là thủ đoạn nhằm phá vỡ “lõi hạt nhân” trong kết cấu thế trận chiến tranh nhân dân, làm tan hỏng, mục rũa nền quốc phòng toàn dân từ bên trong.

Chúng ta đều biết rằng, lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, QĐND Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt BVTQ, trong thế trận chiến tranh nhân dân. Nghệ thuật quân sự Việt Nam ngay từ xa xưa đã thực hiện phép dụng binh “ngụ binh ư nông”- quân gửi trong dân. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, quân đội là lực lượng không thể thay thế, không thể phủ nhận, là công cụ sắc bén, hữu hiệu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Trong khi đó, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong điều kiện mới ngày càng cao; tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, mau lẹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến nhiệm vụ BVTQ. Các vấn đề xung đột, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, biên giới diễn ra phức tạp. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, kích hoạt sự “chuyển màu” về chế độ, cố tình hạ bệ vai trò của Đảng và QĐND Việt Nam... Trước tình hình đó, nếu Việt Nam không có một đội quân thực sự “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” thì liệu nhiệm vụ BVTQ có thể bảo đảm trong mọi tình huống, nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Thực tế cho thấy, kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, thì vẫn chưa có bất kỳ phút giây những người lính Cụ Hồ được ngơi nghỉ trong cuộc chiến giữ hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong mọi giai đoạn lịch sử, thời kỳ phát triển, quân đội luôn là lực lượng đi đầu và khẳng định những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, nhất là trong suốt hành trình 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Vậy nên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, QĐND Việt Nam-lực lượng nòng cốt BVTQ rất cần những đầu tư tương xứng để có đủ tiềm lực, thực lực và sức mạnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Ở đây, cần hiểu đúng và đủ về chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đặt nhiệm vụ xây dựng quân đội trong mối quan hệ tổng thể xây dựng 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, với tầm nhìn chiến lược, các lực lượng phải từng bước được đầu tư để hiện đại hóa, chính quy hóa, nhưng trên hết và trước hết phải ưu tiên xây dựng QĐND Việt Nam trong mối quan hệ với các bộ phận, lực lượng khác của LLVT.

Bởi thế, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương luôn nhất quán quyết tâm xây dựng quân đội cách mạng, nhưng đồng thời phải tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nghị quyết Trung ương các khóa XI, XII, XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, X, XI đều xác định phải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng từng bước tiến lên hiện đại, ưu tiên xây dựng một số lực lượng trong quân đội tiến thẳng lên hiện đại.

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại... Đó là mục tiêu khách quan, đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp BVTQ. Do đó, việc tập trung quan tâm, đầu tư nguồn lực cho xây dựng quân đội là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân và sự nghiệp cách mạng.

1 nhận xét:

  1. Mọi người dân Việt Nam phải luôn nêu cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những phần tử phản động

    Trả lờiXóa