Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

 

TS CHU MỘNG LONG - KẺ ĂN CÂY TÁO RÀO CÂY SUNG

Chung Cake

Gần đây, trên diễn đàn, cái tên Chu Mộng Long nổi như cồn. Nổi nhất là loạt bài chọc ngoáy về việc Chính phủ ta chống dịch, với nội dung đả phá, tẩy chay việc tiêm Vaccin ngừa Covid cho người dân, vu cáo chính quyền đe dọa dân buộc phải tiêm; xuyên tạc lãnh đạo thì tiêm Vaccin tư bản, còn dân thì tiêm Vaccin của Tàu Cộng. Hay một loạt bài chống phá lĩnh vực giáo dục khi Chu Mộng Long cho rằng nền giáo dục nước ta hiện nay là “một nền giáo dục mà triết lý giáo dục đầy mâu thuẫn, Mác không ra Mác, Mao không ra Mao, Khổng không ra Khổng thì biết tin và đi về đâu” để cổ xúy cho quan điểm bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường, bởi họ Chu cho rằng nếu giữ lại khẩu hiệu đó là một “sự ngụy biện trắng trợn”.

Phải chăng Chu Mộng Long nổi bởi danh tiếng trong lĩnh vực khoa học với những đóng góp cho đất nước này? Xin trả lời ngay là không phải. Mà điều khiến người này nổi tiếng chính là ở chỗ bản thân Chu Mộng Long đang là giảng viên dạy văn tại một trường đại học lại thường xuyên đăng tải những bài viết sặc mùi phản động để chống phá chế độ ta.

Cái thâm hiểm của Chu Mộng Long là ở chỗ ông ta khéo vận dụng kiến thức của một Tiến sĩ văn chương để liên tưởng, xâu chuỗi, cắt, ghép ý tứ, từ đó xuyên tạc, bôi nhọ hiện thực. Tiêu biểu cho “mưu toan” trên là bài “NGHĨ MÌNH PHƯƠNG DIỆN QUỐC GIA” được người này viết và đăng tải trên face book cá nhân ngày 21/11/2021, và ngay lập tức được tán phát mạnh mẽ trên blog Tiếng Dân… với hàng nghìn like, hàng trăm lượt chia sẻ.

Cũng chính dân mạng chia sẻ mạnh bài viết trên mà khi đọc kỹ nó tôi thấy rằng mình cần phải lên tiếng, bởi đứng ở cái nhìn khách quan với sự suy ngẫm kỹ lưỡng, độc giả sẽ thấy được sự thâm hiểm, phản động của Chu Mộng Long qua mấy điểm sau:

Thứ nhất, cái cách ông ta sử dụng từ “cụ Tổng” để nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó không phải là phát ngôn của một giảng viên đại học, mà đó là cách gọi thường thấy của bè lũ phản động khi có dã tâm bôi nhọ, nói xấu các lãnh tụ của ta. Ở đây cần tinh ý một chút để thấy rằng cách dùng từ của Chu Mộng Long chứa đầy hàm ý không tốt. Nó không tốt từ trong dã tâm của họ Chu kia, bởi nếu truy cập vào trang face book cá nhân mang chính tên của người này độc giả sẽ thấy ông ta thường xuyên đăng tải những bài viết với lời lẽ miệt thị, bôi xấu nền giáo dục, chống đối chính quyền, với tần suất dày đặc và sặc mùi phản động. Và từ “cụ” hắn dùng nhằm áp đặt cho người đọc một suy nghĩ rằng Tổng Bí thư là người có quyền lực tối cao, là “quan”, là “cụ”,… - đúng là sự thâm hiểm của một Tiến sĩ văn chương đã bị thoái hóa.

Thứ hai, Chu Mộng Long xuyên tạc lời của Tổng Bí thư nhằm thực hiện hàng loạt mục đích xấu.

Hắn bắt đầu bài viết với sự ca ngợi lời của Tổng Bí thư khi cho rằng việc Tổng Bí thư mượn hai câu trong truyện Kiều để nói trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “rất hợp về nghĩa”. Nguyên văn hai câu thơ của Nguyễn Du là: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Chúng ta phải khẳng định rằng, Tổng Bí thư rất tài tình khi mượn cái thâm thúy của văn chương để nhắc nhở cán bộ, đảng viên - những người có chức có quyền, đặc biệt là những người được Đảng, Nhà nước tin cậy giao cho những trọng trách lớn phải luôn chí công vô tư, nói phải luôn đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều; và đương nhiên những người chống tham nhũng phải hết sức liêm chính thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đạt được hiệu quả - đây là tâm nguyện của người đứng đầu Đảng ta.

Và Chu Mộng Long bắt đầu bộc lộ bộ mặt của mình khi cho rằng “các quan dưới trướng cụ Tổng” sẽ hiểu ý tứ của Cụ – độc giả hãy chú ý cách dùng từ của “nhà giáo” Chu Mộng Long khi nói về Tổng Bí thư và đội ngũ cán bộ, đảng viên của ta, cách nói này có khác gì hắn nói về các quan của thời phong kiến? Và ông ta cho rằng “đám giáo sư” trong ngành giáo dục chẳng mấy ai hiểu. Như vậy, Chu Mộng Long đã bôi nhọ cả nền giáo dục, bởi các giáo sư trong ngành giáo dục chẳng phải là những người đứng đầu cho một nền giáo dục, trong đó có cả hắn, một tiến sĩ văn chương.

Từ việc phê phán các giáo sư trong ngành giáo dục Chu Mộng Long lại khéo léo bẻ cong ngòi bút sang xuyên tạc truyện Kiều và lời thơ của Nguyễn Du, ví như đảo lộn suy nghĩ của người đọc về Hồ Tôn Hiến (đại diện cho hình ảnh một triều đình phong kiến thối nát) và Từ Hải (người anh hùng - đại diện cho người nông dân bị kìm kẹp, bóc lột đến mức phải vùng dậy đấu tranh). Xấu xa hơn họ Chu còn cho rằng Tổng Bí thư cũng có suy nghĩ như ông ta về con người của Hồ Tôn Hiến (tôn trọng, ngợi ca), còn Từ Hải chết vì “dại gái” – đúng là đạo văn một cách trơ trẽn, một sự xuyên tạc trắng trợn.

Tiếp theo, Chu Mộng Long lại lái câu chuyện trên sang hướng khác, đó là mượn một sự kiện đơn lẻ (sự việc Bí thư huyện ủy Cô tô) để bôi nhọ toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và cho rằng “các quan thời nay đua nhau chết vì gái”… đây đúng là luận điệu thường thấy mà các thế lực thù địch hay dùng để chống phá chế độ ta.

Bài viết của hắn liên tục sử dụng các thủ pháp trong văn chương để đánh lừa người đọc, bằng các thủ pháp đó, Chu Mộng Long quay lại xuyên tạc truyện Kiều, đại loại như hắn cho rằng: những người đàn ông trong truyện Kiều đều là “dâm”; phản đối quan điểm mối tình Kim - Kiều là trong sáng, cho rằng Kim Trọng là người “đầy phức cảm tính dục”…, hắn còn cố tình lờ đi cái cao đẹp khi Thúy Kiều trao duyên cho em ruột Thúy Vân, với mong muốn em mình được hạnh phúc còn bản thân chấp nhận sự bất hạnh cho cuộc đời mình - đây mới là thông điệp thực sự mà cụ Nguyễn Du gửi lại cho đời….

Thứ ba, Chu Mộng Long lộ rõ bộ mặt thật đầy nham hiểm và phản động ở đoạn cuối của bài viết khi hắn thốt lên rằng “tôi nể phục Hồ Tôn Hiến” vì trong lịch sử “không có kẻ thứ hai”. Và rồi hắn xuyên tạc ý tứ của Tổng Bí thư khi cho rằng “cụ Tổng lẩy Kiều ở đoạn nói về Hồ Tôn Hiến… là không chỉ nói về tình mà còn nói về tiền” và “cụ biết, theo lẽ thường tình thì đứa nào cũng háo thực, háo sắc, háo dục, háo tiền, háo danh, háo đủ thứ”. Đúng là Chu Mộng Long mượn gió, bẻ măng, đúng là một sự xuyên tạc trắng trợn. Bởi vì ý tứ của Tổng Bí thư khi mượn câu Kiều hoàn toàn không như Chu Mộng Long nói, điều này tôi đã phân tích ở đoạn trên. Và sự phản động, tráo trở của họ Chu lên đến đỉnh điểm khi kết thúc bài viết bằng một “ước nguyện” đó là “hy vọng ở chế độ này, chỉ cần dăm ba đảng viên chóp bu biết học tập và làm theo Hồ Tôn Hiến thì không lo chế độ bị xụp đổ”. Có thể khẳng định rằng, đây không phải lời của một Tiến sĩ văn chương, một nhà giáo đang sinh sống và hưởng hòa bình, đây đúng là lời lẽ của một kẻ phản động 100%.

Thay lời kết, tôi xin đưa ra cảnh tỉnh đối với cộng đồng mạng. Chúng ta hãy là người đọc thông thái, hãy tìm hiểu kỹ con người và đọc kỹ tác phẩm của họ trước khi like, share,… Và khi đó chắc chắn chúng ta sẽ không lạ lẫm gì nữa với cái tên TS Chu Mộng Long – một kẻ chống Đảng, chống Nhà nước, núp bóng giảng viên đại học, một kẻ suốt ngày chọc ngoáy, chửi bới chế độ cho dù đang được hưởng bổng lộc của chính cái chế độ này, hắn đúng là kẻ “ĂN CÂY TÁO, RÀO CÂY SUNG”.

1 nhận xét:

  1. Lợi ích quốc gia là trên hết; những kẻ nào có ý định chống phá Đảng, chống phá Nhà nước hãy thức tỉnh nếu không sẽ bị nghiêm trị.

    Trả lờiXóa