PHÁT HUY NHÂN TỐ CHÍNH TRỊ - TINH
THÂN
TRONG QUÁ TRÌNH NÂNG CAO SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU
CỦA QUÂN ĐỘI CÁCH MẠNG
Hữu Thanh
Trong
lịch sử 77 năm chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phải
đương đầu với những đội quân xâm lược hùng mạnh của những đế quốc to là Pháp và
Mỹ. Xét về lực lượng vật chất, quân đội ta thường thua kém quân đội đối phương
nhiều lần, nhưng chúng ta vẫn anh dũng chiến đấu và đủ sức mạnh để giành được
thắng lợi. Sở dĩ dân tộc ta, quân đội ta có được sức mạnh đó, theo Hồ Chí Minh,
“là vì ta có chính nghĩa, vì quân ta dũng cảm, dân ta đoàn kết và quật cường,
vì ta được ...thế giới ủng hộ... vì chiến lược ta đúng”[1].
Qua đây có thể hiểu rằng, nhân tố chính trị - tinh thần có ý nghĩa hết sức to lớn
để quân và dân ta có sức mạnh vượt qua
khó khăn, thử thách, khắc phục những thiếu thốn về vật chất và chiến thắng kẻ
thù. Kinh nghiệm lịch sử đó cần được tiếp thu và vận dụng vào việc nâng cao chất
lượng tổng hợp, sức chiến đấu của quân đội ta trong thời kỳ mới, trước hết trên
một số vấn đề chính sau đây:
Một
là, phải thường xuyên giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho bộ đội. Kinh nghiệm
thực tế đã cho thấy, mỗi khi đứng trước những thử thách khốc liệt của chiến
tranh, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc thường có sức mạnh động
viên tinh thần của bộ đội rất lớn. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử, truyền thống
của dân tộc, tạo sự gắn bó lợi ích của cán bộ, chiến sĩ với lợi ích quốc gia
trong quá trình xây dựng quân đội là hết sức cần thiết. Sinh thời, Hồ Chí Minh
đã dành sự quan tâm cho việc giáo dục lòng yêu nước bằng việc chỉ ra những giá
trị tinh thần của truyền thống dân tộc, khơi dậy trách nhiệm “trung với nước” của
bộ đội. Vì thế, Bác đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ quân đội phải kế tục
“… tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần
quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi,
Quang Trung, Phan đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại…”[2].
Ngày nay, trình độ học thức của cán bộ,
chiến sĩ quân đội đã được nâng cao, nhưng việc giáo dục lịch sử, truyền thống của
đất nước, của quân đội, xây dựng tinh thần yêu nước trong quân đội không thể
coi nhẹ. Bởi vì, thực tế kiến thức lịch sử của bộ đội hiện nay còn có những hạn
chế nhất định, đồng thời những định hướng giá trị trong xã hội đang có những biến
động làm cho sự quan tâm của con người tới các giá trị chính trị - tinh thần,
các giá trị của lịch sử, truyền thống có chiều hướng giảm sút. Điều đó đặt ra
yêu cầu phải đổi mới công tác giáo dục truyền thống trong quân đội, trên cơ sở
bảo đảm phản ánh trung thực lịch sử, nhưng phải cụ thể, sinh động và khơi dậy
được những cảm xúc tích cực của bộ đội đối với dân tộc, với cách mạng.
Hai là,
xây dựng niềm tin vững chắc của bộ đội vào Đảng Cộng sản và lý tưởng xã hội chủ
nghĩa. Theo cách nói của Hồ Chí Minh, đây là nội dung cốt lõi của việc giáo dục
“tín tâm” cho bộ đội. Mục đích của công việc này nhằm làm cho bộ đội thực sự giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng, đường
lối cách mạng của Đảng, luôn giữ trọn niềm tin vào Đảng và con đường cách mạng.
Trong 77 năm qua, quân đội ta đã có nhiều
thành công về xây dựng “tín tâm” cho cán bộ, chiến sĩ thông qua việc nâng cao nhận thức của họ về
chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về tính đúng đắn, sáng tạo trong
quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; tạo sự nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ
của cách mạng, của quân đội. Vì vậy, trong những hoàn cảnh chiến tranh rất ác
liệt, thậm chí phải chịu những tổn thất nặng nề, nhưng bộ đội ta vẫn tin tưởng
vào Đảng, vào thắng lợi cuối cùng. Và chính niềm tin đó đã truyền sức mạnh cho
cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, hiện nay trình độ giác ngộ chính trị của
bộ đội chưa phát triển tương xứng với đòi hỏi của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa, lòng tin của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ vào Đảng, vào chế độ đang
bị tổn thương do tác động của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí
trong xã hội và sự phá hoại tư tưởng của các lực lượng thù địch. Thực tế đó đã ảnh
hưởng không tốt đến sức mạnh chính trị - tinh thần của bộ đội, vì vậy, lúc này
hơn lúc nào hết, chúng ta phải quan tâm giữ gìn và phát huy phẩm chất “trung với
Đảng” của “Bộ đội Cụ Hồ”nhằm làm cho từng quân nhân nói riêng, toàn quân nói
chung, biểu hiện sự một lòng, một dạ gắn bó với Đảng; tin tưởng vào sự lãnh đạo
của Đảng và hết lòng hi sinh, phấn đấu để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao cho.
Ba
là, kết hợp tốt giữa xây dựng ý chí quyết tâm với giáo dục đạo đức cách mạng
cho cán bộ, chiến sĩ. Hoạt động quân sự thường diễn ra trong những điều kiện có
nhiều khó khăn, thử thách, gian khổ ác liệt, thậm chí phải hi sinh, đổ máu. Vì
vậy, cán bộ chiến sĩ quân đội phải có phẩm chất ý chí tốt, đồng thời phải có đạo
đức cách mạng. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh đã cho rằng: “Có đạo đức cách mạng
thì khi khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... khi
gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần”[3].
Như vậy có thể nói rằng, ý chí chiến đấu và đạo đức cách mạng của bộ đội quan hệ
mật thiết với nhau, thâm nhập vào nhau và tạo điều kiện cho nhau phát triển. Do
đó, để phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của bộ đội, lãnh đạo, chỉ huy các
cấp trong quân đội phải chú ý kết hợp rèn luyện ý chí quyết tâm với giáo dục đạo
đức cho cán bộ, chiến sĩ.
Trong thời kỳ mới, nhiệm vụ quốc
phòng, bảo vệ Tổ quốc đang có sự phát triển rất mạnh mẽ với nhiều khó khăn, phức
tạp, vì vậy việc giáo dục ý chí, nhất là những phẩm chất ý chí như: tính mục
đích; sự kiên cường, dũng cảm; khả năng độc lập, tự chủ; tính quyết đoán, sự
mưu trí, linh hoạt... đang trở thành một đòi hỏi rất bức thiết. Bên cạnh đó, để
góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, quân đội phải tăng cường giáo dục, rèn
luyện đạo đức cách mạng cho bộ đội. Thông qua đó làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn
thể hiện quyết tâm hi sinh, cống hiến cho sự nghiệp chung, sẵn sàng nhận và
hoàn thành mọi nhiệm vụ; luôn có tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể,
đề cao trách nhiệm cá nhân và đức tính cần, kiệm, liêm, chính, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân. Có thể nói rằng, kết hợp giáo dục ý chí và đạo đức là một trong những con
đường quan trọng nhằm phát huy nhân tố tinh thần của bộ đội trong điều kiện hiện
nay.
Bốn là,
phát triển phong trào thi đua quyết thắng trong các đơn vị quân đội. Thực tế
sinh hoạt cộng đồng đã xác nhận rằng, sự thi đua giữa các cá nhân, các nhóm người
với nhau là một hiện tượng xã hội, có tác dụng tạo nên động lực cho sự vươn lên
của từng cá nhân, từng nhóm người đó và khí thế chung của cả cộng đồng. Hồ Chí
Minh đã khẳng định rằng: “Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua”[4].
Vì vậy, thi đua quyết thắng thường được coi như là một phương thức động viên
chính trị - tinh thần có hiệu quả đối với bộ đội.
Lịch sử xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân
dân Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp lớn lao của các phong trào thi đua
trong toàn quân qua các chiến dịch, các giai đoạn của cuộc đấu tranh cách mạng.
Trong 65 năm qua, các phong trào thi đua quyết thắng của quân đội, với những
tên gọi khác nhau đã nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết chiến,
quyết thắng của bộ đội và sản sinh ra biết bao tấm gương anh hùng của cán bộ,
chiến sĩ ta trong chiến đấu giải phóng dân tộc và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đây là một kinh nghiệm cần được tiếp thu và
vận dụng để phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của bộ đội trong thời kỳ mới.
Hiện nay, phong trào thi đua quyết thắng đang thu
hút sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy của các ngành, các cấp, các đơn vị và
mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra những biểu hiện
tiêu cực như: bệnh thành tích, sự phô trương hình thức, lệch lạc về động cơ thi
đua ..., những hạn chế đó ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến khí thế hăng hái của
bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, để phát huy nhân tố chính trị - tinh
thần của bộ đội trong thời kỳ mới, các đơn vị quân đội cần phải đẩy mạnh hơn nữa
phong trào thi đua, trên cơ sở nâng cao giác ngộ cách mạng của quần chúng, đồng
thời bảo đảm mục tiêu, nội dung phương thức thi đua có tính thiết thực và phù hợp
với ý chí, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, biểu
dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Năm là,
thường xuyên chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất bộ đội, trên cơ sở
chính sách, chế độ công bằng và minh bạch. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quân đội
mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”[5].
Rõ ràng, công tác chính sách có vai trò to lớn trong nâng cao sức mạnh tổng hợp
của quân đội. Công tác này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm về vật chất,
tinh thần nhằm thoả mãn nhu cầu của con người, nên thường chi phối sâu sắc đến
động cơ hoạt động của bộ đội.
Trong lịch sử chiến đấu và trưởng thành của quân đội,
Đảng, Nhà nước và nhân dân đã luôn thể hiện sự chăm lo sâu sắc tới đời sống mọi
mặt của bộ đội. Thực tế, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hàng
loạt chính sách đối với quân nhân tại ngũ, chính sách hậu phương quân đội,
chính sách thương binh, liệt sĩ... đã được ban hành và mang lại những tác dụng
động viên rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội. Nhưng vấn đề mấu chốt là, việc
thực thi chính sách, chế độ đó phải được những người có trách nhiệm tiến hành
nghiêm túc và với một thái độ quan tâm thực sự tới bộ đội. Chính vì vậy, Bác Hồ
đã căn dặn cán bộ quân đội rằng: “Đối với
binh sĩ, thì lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải
biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi
đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái
đánh”[6].
Thiết nghĩ, đây chính là một bài học sâu sắc về phương thức động viên tinh thần
hi sinh, phấn đấu của bộ đội cả trong thời chiến cũng như thời bình.
Ngày nay, do những thành tựu của sự nghiệp đổi mới,
đời sống của nhân dân ta đã được cải thiện, vì vậy chế độ bảo đảm về vật chất,
tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ta không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, do yêu
cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các đơn vị quân đội thường đóng quân ở những nơi
có nhiều khó khăn, gian khổ, nhất là biên giới, hải đảo, mặt khác lao động quân
sự là lao động rất nặng nhọc, nguy hiểm và đòi hỏi sự hi sinh lớn. Vì vậy chính
sách, chế độ đối với bộ đội phải được quan tâm đúng mức, trên cơ sở thực hiện
công bằng xã hội và tạo được sức thu hút nhân lực cho những đơn vị quân đội ở
những địa bàn có nhiều khó khăn, phức tạp. Điều đó sẽ góp phần động viên, kích
lệ sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ quân đội để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ
Tổ quốc thời kỳ mới.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2002, tr. 164
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2002, tr. 35.
[3]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9 ,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 283.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8 , Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2002, tr. 297.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6 , Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2002, tr. 560.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5 , Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2002, tr. 480.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa