Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

Đối ngoại và hội nhập quốc tế dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

 Ngoại giao của Việt Nam phải thể hiện được bản sắc, văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào cũng phải kiên cường, vững chắc như cây tre nhưng vẫn phải rất mềm mỏng, linh hoạt, dĩ bất biến ứng vạn biến.
 
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu, giàu tính nhân văn của dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng ta luôn được phát triển và hoàn thiện trong các giai đoạn cách mạng. Trên cơ sở kế thừa đường lối đối ngoại qua các kỳ đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đại hội nhấn mạnh: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại”. V.I.Lênin từng nói: đối ngoại là sự nối tiếp của chính sách đối nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam. Người còn nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Đối ngoại và hội nhập quốc tế là hai mệnh đề khác nhau, nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại với nhau, bổ sung, hỗ trợ, tạo điều kiện, tiền đề cho nhau phát triển. Mục đích của đối ngoại là để duy trì, củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Còn hội nhập quốc tế tạo môi trường thuận lợi để các quốc gia tham gia vào quá trình duy trì hoà bình, ổn định thế giới và chia sẻ các lợi ích.
 
Đối ngoại và hội nhập quốc tế là nội dung rất quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, được Đảng ta kế thừa, bổ sung và phát triển trong điều kiện lịch sử mới với những quan điểm, tư tưởng rất toàn diện sâu sắc ở từng giai đoạn, thời điểm cụ thể để thực hiện khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc. Trên cơ sở phân tích đánh giá bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những thuận lợi, khó khăn, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Tầm quan trọng của đối ngoại và hội nhập quốc tế, coi đây là một trong những định hướng lớn quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn 10 năm tới. Có thể khái quát một số quan điểm, đường lối Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại và hội nhập quốc tế trên một số vấn đề cơ bản sau:
 
Một là, làm sâu sắc hơn bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tác động rất sâu sắc, toàn diện đến việc hoạch định quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Hai là, Đại hội tiếp tục đề cao quan điểm, mục tiêu đối ngoại là “Bảo đảm trên hết, trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc”. Ba là, khẳng định vị trí, vai trò chiến lược của công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại đa phương. Bốn là, xây dựng nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới. Năm là, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho hội nhập quốc tế thời gian tới phải toàn diện, sâu rộng.
 
Với dũng khí và bản lĩnh của một Đảng cách mạng, chân chính đã được tôi luyện qua lịch sử, với kinh nghiệm 35 đổi mới đất nước, chắc chắn rằng, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta sẽ giành được nhiều thắng lợi mới trên con đường phát triển đất nước. Đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế trong văn kiện Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, là kim chỉ nam cho triển khai đối ngoại đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả trong thời gian tới. Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn, chng đường, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là sự nỗ lực, cố gắng quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế phải tích cực, chủ động phát huy ưu điểm, lợi thế của mình thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần hiện thực hóa thành công mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam hạnh phúc, phồn vinh, có vị thế, uy tín cao trên trường quốc tế./.

1 nhận xét: