Theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hoa Kỳ đã tổ chức Hội nghị thượng định về dân chủ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/12/2021, theo hình thức trực tuyến. Tham gia hội nghị này có đại diện của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhân sự kiện này, trên nhiều báo chí nước ngoài, diễn đàn mạng xã hội, các trang truyền thông của các tổ chức phản động lưu vong người Việt liên tục có các bài viết về hội nghị này.
Đáng chú ý, trước, trong và sau khi hội nghị
diễn ra, báo chí quốc tế và nhiều diễn đàn bàn về danh sách khách mời. Với chỉ
hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ được mời, bản danh sách còn thiếu nhiều quốc
gia, vùng lãnh thổ, bao gồm cả những nước lớn như Nga, Trung Quốc… Từ việc suy
diễn Việt Nam không có tên trong danh sách mời, các cá nhân, tổ chức phản động
lưu vong hào hứng “mở cờ trong bụng”, coi đây là lý do để đẩy mạnh thực hiện
các hoạt động công kích, chống phá Việt Nam. Đồng thời, nó cũng trở thành cái
cớ để các đối tượng tấn công, quy chụp rằng Việt Nam không có dân chủ, nhân
quyền.
Thực tế, việc quốc gia được mời có tham gia
hay không tham gia cũng không phải là tiêu chí để đánh giá nền dân chủ của một
quốc gia. Theo trang tin Theepochtimes, mục đích của việc tổ chức hội nghị trên
nhằm giúp cho chính quyền Mỹ đánh giá những tiến bộ về dân chủ của các quốc gia
hướng đến việc đưa lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự các khối tư
nhân vào làm việc cùng nhau.
Trong khi đó, theo đánh giá của chuyên gia
quốc tế, việc Mỹ lần đầu tiên đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ
cũng không phải là căn cứ hay thước đo gì về dân chủ với các nước. Những hành
động can thiệp vào công việc của các nước có chủ quyền, áp đặt các biện pháp
trừng phạt kinh tế, tạo bất ổn, gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược với danh
nghĩa bảo vệ dân chủ đã giúp cho Mỹ lật đổ chính quyền hoặc can thiệp vào một
số quốc gia nhưng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng với nhân dân tại các
nước đó và ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế. Để rồi khi những khẩu hiệu dân chủ
rời đi thì chỉ còn lại một đất nước hoang tàn, loạn lạc, bất ổn như Iraq,
Afghanistan, Lybia… Với các tổ chức thù địch, phản động thì coi hội nghị này
như cái cớ để thúc đẩy chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, tìm kiếm sự tài trợ,
hậu thuẫn về vật chất lẫn tinh thần.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn phấn đấu để vấn
đề dân chủ, nhân quyền ngày càng hoàn thiện, phát triển, cuộc sống mọi mặt của
toàn dân ngày càng được nâng cao. Nhìn từ lịch sử cách mạng, phải khẳng định
rằng ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn cố gắng
chăm lo cuộc sống mọi mặt của người dân. Bởi đó là bản chất, là mục tiêu nhất
quán của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đó cũng là nỗ lực để hiện thực
hóa điều Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là
phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ
có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính
phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Đến nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia
thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên
niên kỷ trước thời hạn năm 2015; được Tổ chức Nông nghiệp và lương thực thế
giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Những đóng
góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam vào mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ
quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền,
là sự chứng thực Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ
bản của người dân không chỉ thể hiện ở việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính
sách liên quan đến quyền con người, mà được thực hiện trên tất cả các mặt như:
Tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm an
sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục...
Trên trường quốc tế, Việt Nam được tín nhiệm
với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao khi gia nhập Hội đồng Nhân quyền của Liên
hợp quốc, nhiệm kỳ 2014-2016 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên
hợp quốc. Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban
liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Trong cuộc họp đặc biệt lần hai của
AICHR theo hình thức trực tuyến diễn ra cuối tháng 11/2020, các nước đánh giá cao
vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AICHR 2020 là đã dẫn dắt hoạt động
của AICHR trong giai đoạn đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19,
không chỉ giúp duy trì đà hợp tác của AICHR và ứng phó hiệu quả trước các tác
động của đại dịch, mà còn thúc đẩy soạn thảo và thông qua một loạt các văn kiện
quan trọng định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ quan tâm thúc
đẩy các quyền cơ bản của người dân ASEAN, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế
như thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, gắn kết tình hữu nghị,
thống nhất, tạo đồng thuận và hợp tác trong AICHR. Đặc biệt là nỗ lực bảo đảm
quyền con người trong đại dịch COVID-19 được cộng đồng các quốc gia ASEAN đánh
giá cao. Với những nỗ lực trên, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt
Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân
quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.
Không phủ nhận rằng trong
quá trình quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam còn có những tồn tại,
khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân. Tuy nhiên,
cần nhận thức rõ về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ
có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân
chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội. Bảo đảm
dân chủ vừa là quyền, vừa là mục tiêu hướng đến của chế độ, vì vậy mỗi người
dân cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền dân chủ theo đúng quy
định của Hiến pháp và pháp luật.
Quan hệ Việt - Mỹ đã đạt
nhiều bước tiến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tiếp tục phát triển ổn
định, đi vào chiều sâu trên cơ sở, nguyên tắc “tôn trọng độc lập, chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và cùng có lợi”. Đặc biệt, hai
bên đã phối hợp để tìm hiểu, đối thoại về vấn đề dân chủ, nhân quyền, thu hẹp
những quan điểm khác biệt. Mới đây, Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam lần
thứ 25 được tổ chức ngày 9/11 tại Thủ đô Washington.
Như vậy, dân chủ, nhân quyền là từ ý chí, hành
động và thực tiễn đời sống tại mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, thực tiễn đó được
chứng minh bằng thành tựu cụ thể, bằng đời sống người dân được nâng lên cả về
vật chất lẫn tinh thần và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện rõ ở vị thế
và tín nhiệm. Việc một hội nghị diễn ra ở nơi nào đó, do quốc gia nào đó tổ
chức như Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ nêu trên không phải là thước đo, là cơ
sở đánh giá nền dân chủ của một quốc gia, vùng, lãnh thổ. Nó đơn giản chỉ là
một sự kiện, Việt Nam hay những quốc gia khác, dù được mời hay không được mời
tham dự là do “ý gia chủ”, do quan điểm, ý nghĩ của người tổ chức, do vậy không
thể căn cứ vào những lý do như vậy để phủ nhận thành tựu về dân chủ, nhân quyền
mà Việt Nam đã và đang đảm bảo cho nhân dân.
CỜ
HỒNG
Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống lại bọn phản động và các thế lực thù địch
Trả lờiXóa