Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

ĐOÀN KẾT LÀ SỨC MẠNH

Thanh Hải

   Trong  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Người căn dặn: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[1].

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa vào dân, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng; đặc biệt coi trọng an ninh mạng”[2]. Do vậy, phải “Khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh để xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bổ sung nội dung quốc phòng, an ninh trong quy hoạch các vùng, miền có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc phòng, an ninh. Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với kinh tế - xã hội”[3].Các tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Bác về đoàn kết trong Đảng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình của đơn vị mình, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với  tổ chức cơ sở đảng được xác định là hạt nhân chính trị, có vị trí vai trò rất quan trọng quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của cơ quan, đơn vị và địa phương  bảo đảm cho cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây cơ quan ,đơn vị, địa phương  trong sạch vững mạnh

  1. Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí cho cán bộ, đảng viên.

  Cần tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức, biện pháp giáo dục để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Hết sức coi trọng việc giáo dục rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên mà nội dung cơ bản là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi gặp khó khăn gian khổ không lùi bước, khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tính cầu thị, khiêm tốn, đoàn kết, không kèn cựa, công thần, kiêu ngạo; đấu tranh chống các biểu hiện lười học tập trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đảng đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”[4]. Chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ khiến người cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, lợi dụng chức, quyền mưu cầu lợi ích riêng, vun vén cho quyền lợi cá nhân, gia đình, vợ con; thúc đẩy người ta chạy theo lối sống thực dụng, coi đồng tiền là trên hết, vô cảm trước những khó khăn, thiếu thốn của nhân dân; tác phong làm việc quan liêu, xa dân, sách nhiễu dân, kéo bè, kéo cánh. Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao phụ trách. Tình trạng đó gây nhức nhối trong xã hội, phẫn nộ trong nhân dân, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và nếu không được khắc phục một cách triệt để sẽ gây hậu quả khó lường đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Trước tình hình đó, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, XII  XIII của Đảng xác định phải đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì dân, vì sự nghiệp cách mạng. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chi bộ phải có trách nhiệm lãnh đạo mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nắm vững, thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực tham gia cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phòng, chống, đấu tranh một cách có hiệu quả với nạn tham nhũng, lãng phí.

  2. Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng làm tốt việc phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình.

  Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư (khóa X) về đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi ủy phải nắm chắc tình hình tư tưởng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được chi bộ phân công, kể cả đảng viên do cấp ủy cấp trên quản lý. Kịp thời biểu dương những đảng viên gương mẫu và giúp đỡ, giáo dục, xử lý những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tư cách đảng viên để chi bộ thực sự là nơi quản lý, giáo dục, đào tạo, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên.

  Chi bộ phải tôn trọng quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận thẳng thắn các vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng, quyền được phê bình, chất vấn trong phạm vi tổ chức của đảng viên ở mọi cấp. Đảng viên có quyền được thông tin, được quyền bảo lưu ý kiến của mình như Điều lệ Đảng đã quy định. Mọi đảng viên, cấp uỷ viên có quyền, trách nhiệm phát biểu ý kiến, thẳng thắn tranh luận góp phần làm sâu sắc và sáng tỏ các vấn đề thuộc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, không định kiến, không thành kiến với những người có ý kiến bảo lưu, khi đã có nghị quyết phải chấp hành nghiêm túc không được tuyên truyền và hành động theo quan điểm riêng. Chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, quy chụp, áp đặt ý kiến cá nhân, thành kiến, trù dập, kiêu căng, thiếu khiêm tốn, hoặc e dè nể nang, thiếu trung thực, không dám đấu tranh với những việc làm, quan điểm sai trái.

  Chi bộ, chi uỷ và đảng viên phải quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, phương pháp tiến hành tự phê bình và phê bình theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ tự phê bình và phê bình từ trên xuống, trước hết trong cấp uỷ. Cán bộ chủ trì phải gương mẫu tự phê bình và tiếp thu phê bình, xây dựng bầu không khí cởi mở, dân chủ, đoàn kết trong chi bộ và đơn vị. Tự phê bình và phê bình phải gắn với công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật.

  Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của chi uỷ, chi bộ đối với cán bộ, đảng viên, gắn công tác kiểm tra với xử lý kỷ luật. Khi tiến hành xử lý kỷ luật, phải thực hiện đúng phương châm: Công minh, chính xác, kịp thời, hiệu quả, lấy giáo dục, ngăn ngừa làm chính nhằm tăng cường sức chiến đấu, giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động của chi bộ, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

  3. Chăm lo xây dựng chi uỷ trong sạch, vững mạnh.

  Chi ủy giữ vai trò quy tụ trong đoàn kết chi bộ. Quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn kịp thời chi uỷ gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, có chất lượng tốt, cơ cấu hợp lý. Đội ngũ cán bộ chủ chốt phải là những người mẫu mực về đoàn kết, một lòng, một dạ hy sinh phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần bảo đảm cho mỗi cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân thông qua những hoạt động cụ thể hằng ngày ở nơi công tác và nơi cư trú.



[1] Sđd, Nxb CTQG, H,1996, tập 12, tr. 510.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr. 280.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr. 278.

[4] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H,2016, tr. 185.

1 nhận xét: