Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

NHỮNG YÊU CẦU MỚI TRONG BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN HIỆN NAY

 

V. V. T

 

V.I.Lênin, người học trò xuất sắc của C.Mác và Ph.Ăngghen đã bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện mới, khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc.V.I.Lênin đã tiếp tục bổ sung, phát triển và khẳng định rõ giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác. Với bản chất là một học thuyết phát triển, chủ nghĩa Mác luôn được bổ sung, phát triển cho phù hợp thực tiễn. Ph.Ăngghen đã viết: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”[1].

Những quan điểm, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen đã được V.I.Lênin bổ sung, phát triển. Việc bổ sung, phát triển học thuyết Mác được V.I.Lênin chỉ rõ: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”[2]. Trên cơ sở đó, V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện thực tiễn của nước Nga Xô viết và bổ sung, bảo vệ, phát triển trên cả ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác với những luận điểm mới đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.

Yêu cầu mới trong bảo vệ, phát triển tư tưởng của V.I.Lênin trong thời đại ngày nay cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và làm rõ bản chất khoa học, cách mạng của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có tư tưởng của V.I.Lênin. 

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động liên tục công kích, chống phá quyết liệt chủ nghĩa Mác - Lênin cả về lý luận và thực tiễn. Trên phương diện lý luận, chúng tìm mọi cách bác bỏ từng luận điểm riêng lẻ, từng bộ phận rồi đi đến phủ nhận toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên phương diện thực tiễn, chúng cho rằng mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô đã sụp đổ thì chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đổ theo. Từ đó, đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa                   Mác - Lênin. Vì vậy, muốn bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và tư tưởng của V.I.Lênin nói riêng cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn và làm rõ bản chất cách mạng, khoa học của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để nghiên cứu, nắm chắc, hiểu đúng, hiểu sâu những quan điểm, tư tưởng của V.I.Lênin. Từ đó, soi chiếu vào thực tiễn, rút ra được những vấn đề mới và đấu tranh chống những luận điệu sai trái, phản động xuyên tạc của các thế lực thù địch cũng như những nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung và phát triển.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Nghiên cứu, bảo vệ và phát triển tư tưởng của V.I.Lênin trong thời đại ngày nay đòi hỏi phải khách quan, toàn diện không chỉ ở các nước xã hội chủ nghĩa mà còn nghiên cứu thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia trên thế giới. Với bản chất cách mạng và khoa học, chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu và sản phẩm chung của nhân loại. Bên cạnh sự chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin của các thế lực thù địch, thì cũng tại các nước tư bản phát triển, nhiều học giả tư sản như Giắc cơ Đêriđa, Tery Igơletơn, Diđiê Êribông... vẫn thừa nhận chủ nghĩa Mác và đề cao C.Mác. Bởi vậy, bảo vệ, phát triển tư tưởng của V.I.Lênin trong thời đại ngày nay cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Phải nghiên cứu thấu đáo quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa gắn với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các nước, cả cái chung và cái đặc thù mỗi nước để bổ sung, phát triển những tư tưởng của V.I.Lênin và làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ba là, bổ sung, luận giải một cách khoa học, thuyết phục những luận điểm mới, những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay.

V.I.Lênin đã bảo vệ và phát triển các quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về chiến tranh, quân đội; chỉ ra bản chất của chiến tranh, chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa; mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh và quốc phòng; về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… Theo đó, V.I.Lênin đã chỉ ra những nguyên tắc, nguyên lý, quan điểm về tăng cường chuyên chính vô sản, củng cố quốc phòng, xây dựng Hồng quân; xây dựng quân đội kiểu mới; vai trò của nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh; mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng… Đặc biệt, V.I.Lênin còn chỉ ra vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. “Ở đâu mà công tác chính trị trong Quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất, thì ở đấy, nói chung,… Ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ gìn được trật tự tốt hơn, và tinh thần của họ cũng cao hơn, ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”[3].

Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Trong khi đó, cách mạng khoa học, công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh. Do đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tế liên quan đến vấn đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay cần tiếp tục nghiên cứu, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ hơn.

Bốn là, nghiên cứu, nắm chắc bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và tư tưởng V.I.Lênin nói riêng của các thế lực thù địch, phản động.

Bảo vệ, phát triển tư tưởng của V.I.Lênin trong thời đại ngày nay với tinh thần cách mạng và khoa học, tư duy đổi mới, sáng tạo và trên quan điểmtoàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển. Muốn vậy, các luận điểm phải được nghiên cứu và luận giải khoa học, sức thuyết phục cao. Hơn nữa, các thế lực thù địch phản động đã và đang sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, lợi dụng những thành tựu của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số để tấn công quy mô lớn, toàn diện, lúc ngấm ngầm, lúc công khai với phương thức hết sức linh hoạt. Do đó, cần tích cực, chủ động nghiên cứu, nhận diện đúng, nắm chắc bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và tư tưởng V.I.Lênin nói riêng của các thế lực thù địch, phản động. Nghiên cứu và làm rõ quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, không để khoảng trống cho các thế lực thù địch chống phá.

Năm là, kiên quyết, kiên trì, đấu tranh, bảo vệ vững chắc và phát triển tư tưởng của V.I.Lênin trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Trong thời đại ngày nay, để bảo vệ, phát triển tư tưởng của V.I.Lênin việc trước tiên là phải kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin để nghiên cứu, xem xét, nhìn nhận, đánh giá các quá trình, hiện tượng kinh tế - xã hội trong nước, khu vực và trên thế giới. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”[4]. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Quan tâm bồi dưỡng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng lành mạnh, có văn hóa, kỷ luật; nhân cách của cán bộ, đảng viên nhằm chuyển hóa thành sức mạnh nội tại bên trong mỗi người để đủ sức đề kháng, miễn dịch với âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình”; phòng, chống có hiệu quả với căn bệnh tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực./.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 1999, tr. 796.

[2] V.I.Lênin toàn tập, Tập 20, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 103.

[3] V.I.Lênin toàn tập,Tập 39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 66.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 199.

1 nhận xét: