NMH
Năm 1954, các quốc gia Liên hợp quốc họp ở Geneva đồng ý tổ chức tổng tuyển cử ở các thuộc địa cũ của Pháp bị chia cắt bởi các liên minh trong Chiến tranh Lạnh. Vì lãnh đạo cộng sản Việt Nam muốn thống nhất đất nước, nên Hoa Kỳ không đồng ý việc tổ chức bầu cử mà ủng hộ tay sai ở miền nam trong nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản giành thắng lợi ở Đông Nam Á. Một năm sau, cuộc chiến mà phía Mỹ gọi là "chiến tranh Việt Nam" bùng nổ.
Sự tham gia trực tiếp của
quân đội Mỹ tại Việt Nam chính thức bắt đầu từ năm 1965 và vào thời điểm năm
1969, có tới hơn 500.000 quân nhân Mỹ cùng có mặt tham chiến trong cuộc chiến
đã trở thành cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Đối với nhiều người ở
phương Tây, thời kỳ này đã khơi dậy một phong trào phản chiến làm thay đổi sâu
sắc bối cảnh xã hội và văn hóa. Còn đối với các quốc gia ở châu Á, bao gồm Việt
Nam, Campuchia và Lào, cuộc chiến kéo dài 20 năm đã để lại di chứng khủng bố và
tàn phá lâu dài sau khi chiến sự kết thúc.
Như nhà sử học Nick Turse
đã ghi lại trong cuốn sách “Kill Anything That Moves: The Real American War in
Vietnam” xuất bản năm 2013, đặc điểm nổi bật khiến những ký ức về cuộc chiến
này trở nên khó khăn đối với nhiều người Mỹ là bạo lực không ngừng đối với dân
thường: những vụ thảm sát phụ nữ, trẻ em và người già, hãm hiếp, bắn phá bừa
bãi, đốt phá làng mạc và tra tấn tàn bạo.
Một trong những vụ thảm
sát khét tiếng nhất của quân đội Hoa Kỳ đối với thường dân là vụ thảm sát Mỹ
Lai vào tháng 3 năm 1968 , khi quân đội Hoa Kỳ giết hơn 500 thường dân trong
một cuộc tàn sát mà quân đội Hoa Kỳ cố tình che đậy và mô tả như một chiến thắng
trước Việt Cộng.
Matthew Dallek, phó giáo
sư tại Trường Cao học Quản lý Chính trị của Đại học George Washington, cho biết
vụ thảm sát và sự che đậy đó là một thời điểm đặc biệt đen tối trong lịch sử
nước Mỹ hiện đại, điều này đặt ra câu hỏi lớn về việc liệu Mỹ có đủ khả năng và
tư cách bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền ở những nơi cách xa nước Mỹ hay
không.
Dallek nói: “Tuyên bố của
chính phủ về việc 'bảo vệ' Đông Nam Á khỏi sự xâm lược của cộng sản vô thần là
một trò lừa bịp độc ác và phi lý".
Theo một nghiên cứu của
Trường Đại học Y khoa Harvard và Đại học Washington, đã có 3,8 triệu người Việt
Nam chết vì bạo lực trong chiến tranh, trong đó có 2 triệu người là dân thường.
Sự tàn ác đối với dân
thường không chỉ là một tập hợp các vụ việc đơn lẻ, mà là một chính sách chính
thức của Mỹ. Theo cựu Ngoại trưởng John Kerry, một cựu chiến binh ở Việt Nam,
trong lời khai năm 1971 trước Thượng viện, những hành động tàn bạo như vậy là
“tội ác được thực hiện hàng ngày với sự nhận thức đầy đủ của các sĩ quan ở tất
cả các cấp chỉ huy”.
Cuộc chiến không được
lòng dân này đã làm bùng lên các cuộc biểu tình phản chiến rộng khắp ở phương
Tây. Một số lượng lớn quân nhân Hoa Kỳ trở về từ Việt Nam đã mang thương tật và
di chứng chiến tranh suốt đời.
Và nỗi kinh hoàng còn lâu
mới kết thúc, kể cả khi người Mỹ di tản khỏi Sài Gòn, thủ phủ của miền Nam Việt
Nam, vào năm 1975. Hơn 40 năm sau, tác động của cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ
ở Việt Nam vẫn thật đáng kinh hoàng.
Trong chiến tranh, quân
đội Hoa Kỳ đã đổ 50 triệu lít (13 triệu gallon) chất độc màu da cam, một chất
diệt cỏ có chứa chất độc đi-ô-xin, trên khắp các khu rừng và các vùng đất nông
nghiệp của Việt Nam, khiến khoảng 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc
hóa học nguy hiểm.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
ước tính có gần 1 triệu người bị biến chứng và tàn tật nghiêm trọng về sức khỏe
do phơi nhiễm. Hàng trăm nghìn trẻ em được sinh ra với những dị tật bẩm sinh
nghiêm trọng. Sự tàn phá môi trường là vô cùng lớn và không thể khắc phục.
Cơ quan Cựu chiến binh
Hoa Kỳ cho biết khoảng 2,8 triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng đã bị phơi nhiễm.
Trong khi các nạn nhân chất độc da cam người Mỹ được chính phủ bồi thường, cùng
với các khoản tiền hàng triệu đô la từ các vụ kiện chống lại các nhà sản xuất
hóa chất, thì không ai phải chịu trách nhiệm chính thức về những đau khổ của
các nạn nhân người Việt Nam.
Nhiều thập kỷ sau chiến
tranh, người dân Đông Nam Á vẫn đang bị thiệt mạng do bom mìn còn sót lại trong
các khu vực thời chiến trước đây phát nổ. Năm 2018, New York Times đưa tin còn
hơn 300.000 tấn vật liệu chưa nổ (UXO) vẫn còn ở Việt Nam, trong khi phía Việt
Nam cho biết có tới 725.000 tấn vật liệu nổ rải rác trên khắp cả nước.
Người ta ước tính rằng
hơn 20% đất đai ở Campuchia, Lào và Việt Nam bị ô nhiễm bởi bom mìn. Các khu
vực rộng lớn của ba quốc gia vẫn tiếp tục không thể được sử dụng cho nông
nghiệp, công nghiệp hoặc nơi sinh sống, cản trở sự phát triển kinh tế của các
quốc gia.
Lào được cho là quốc gia
bị đánh bom nặng nề nhất trên thế giới tính theo đầu người do hậu quả của cuộc
chiến tranh. Theo Cơ quan giám sát bom mìn có trụ sở tại Geneva, đã có hơn
50.000 thương vong do bom mìn ở Lào kể từ năm 1964, trong đó có hơn 29.000
người chết. Khoảng 40% nạn nhân là trẻ em. Vấn đề ở Lào nghiêm trọng đến mức
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thậm chí còn coi việc rà phá bom
mìn phải trở thành mục tiêu phát triển chính của đất nước.
Mặc dù ba nước Đông Dương
và cộng đồng quốc tế đã nỗ lực không ngừng, nhưng có thể phải mất hơn 100 năm
nữa để có thể rà phá hết bom mìn ở khu vực này.
Các vấn đề về di chứng
chiến tranh như ô nhiễm chất độc da cam và bom mìn đã đóng một vai trò quan
trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như các nước láng giềng bị
ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh. Kể từ những năm 1990, Mỹ đã có các động thái hỗ
trợ các nỗ lực dọn dẹp và cứu trợ nạn nhân ở Đông Nam Á thông qua nhiều kênh
khác nhau.
Tuy nhiên, những thách
thức đang diễn ra đặt ra một số vấn đề đối với Quốc hội Hoa Kỳ. Ví dụ, có một
câu hỏi đặt ra là liệu một chính sách tương tự có nên được áp dụng cho các cuộc
chiến của Mỹ ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như Iraq và
Afghanistan hay không?
hậu quả chiến tranh là rất khủng khiếp
Trả lờiXóa