Bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền quốc gia trên biển là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.
Trong bối cảnh
tình hình biển Đông đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc đấu tranh bảo
vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam
theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông ngày càng khó khăn, quyết liệt hơn bao giờ hết.
Quan điểm thống nhất, xuyên suốt của Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc
gia, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp trên Biển Đông, đồng thời giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, củng cố quan hệ
hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước khác: “Kiên quyết,
kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc
gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất
đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế,
nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; giữ gìn môi trường hòa
bình, ổn định và hợp tác để phát triển”.
Những quan điểm
trên chính là căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng để chúng ta cần kiên trì,
kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc vấn đề chủ quyền
biển, đảo của Việt Nam. Mục đích của việc đấu tranh này là làm cho nhân dân Việt
Nam hiểu rõ về lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền
là nhất quán và đều vì lợi ích của dân tộc và nhân dân Việt Nam; đồng thời củng
cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ
chủ quyền biển, đảo hiện nay; từ đó góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ
về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên khu vực Biển Đông, qua đó tranh thủ sự
đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển,
đảo của Việt Nam.
Để đấu tranh
phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về chủ
quyền biển, đảo của Việt Nam, cần làm tốt những biện pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất,
tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những quy định
pháp lý về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; về đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hình thức tuyên
truyền phải phong phú, linh hoạt. Ngoài việc tuyên truyền trên sách báo, các
phương tiện thông tin truyền thống; cần đẩy mạnh tuyên truyền trên internet và
mạng xã hội để nhân dân dễ dàng tiếp cận những thông tin chính thống, có nội
dung tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Điều đó cũng giúp cho
nhân dân tăng cường “sức đề kháng” trước những thông tin có nội dung xấu độc,
xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Thứ hai,
phát huy vai trò của báo chí, truyền thông internet trong việc đấu tranh bảo vệ
chủ quyền biển, đảo của đất nước và phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc
của các thế lực thù địch, phản động. Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng
trong việc định hướng dư luận xã hội. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ
quyền biển, đảo hiện nay; báo chí và truyền thông nói chung và báo mạng, truyền
thông mạng nói riêng cần phải phát huy tốt vai trò của mình trong việc đưa tin,
bài kịp thời, phát đi thông điệp chính thức của Việt Nam và truyền tải tinh thần
yêu nước của nhân dân Việt Nam để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và
cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đồng
thời, kịp thời phát hiện, đấu tranh lên án những hành động sai trái trên biển
cũng như những hành vi lợi dụng những diễn biến phức tạp trên biển để thực hiện
mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện
nay.
Thứ ba,
tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng và quản lý đối với các trang mạng xã hội
hoạt động tại Việt Nam. Cho đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương,
chính sách nhằm đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống hoạt động chống phá của
các thế lực thù địch trên không gian mạng và mạng xã hội như: Chỉ thị 28-CT/TW
của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”;
Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm an
ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng
năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018.
Đấu tranh phản
bác các luận điệu sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là góp
phần quan trọng vào việc bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ trước sự chống phá ngày
càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch.
Bộ Quốc phòng,
Bộ Công an chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý
nghiêm các đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Trước
tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất
ổn định, khó lường, việc bảo vệ không gian mạng góp phần bảo vệ vững chắc chủ
quyền quốc gia. Cần tăng cường công tác nắm bắt thông tin, tình hình dư luận
liên quan đến các vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam đặc biệt là tình hình Biển
Đông để đấu tranh kịp thời với những hành vi lợi dụng mạng xã hội và internet để
xuyên tạc chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề này.
Thứ tư, cần
tiếp tục minh bạch hóa chính sách; chính xác hóa và cụ thể hóa thông tin về
tình hình biển, đảo của Việt Nam. Internet là kênh thông tin phổ biến hiện nay,
do đó, chúng ta cần tích cực đăng tải các bài viết thể hiện rõ lập trường, quan
điểm của Việt Nam đối với những vấn đề trên biển. Tích cực tuyên truyền chủ
trương, đường lối, chính sách đối ngoại và an ninh - quốc phòng của Việt Nam đến
người dân trong và ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Cần kịp thời cập
nhật thông tin, đưa tin chính xác và cụ thể về những diễn biến phức tạp trên Biển
Đông để định hướng dư luận, không để các thế lực xấu lợi dụng sự mập mờ, không
rõ ràng trong công tác thông tin của các cơ quan báo chí, truyền thông để xuyên
tạc tình hình, kích động người dân chống Đảng, Nhà nước.
Thứ năm, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tăng
cường rà quét, bóc gỡ, ngăn chặn những thông tin xấu độc về tình hình biển Đông
nói chung và vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói riêng. Tăng cường xử
lý các đối tượng đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung
tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn
đề chủ quyền biển, đảo. Thiết lập các trang mạng, tài khoản chính thống để huy
động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu
sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên internet và mạng xã hội để tạo
thành thế trận liên hoàn, sức mạnh tổng lực.
Bảo vệ chủ quyền
quốc gia trên biển là tổng thể các hoạt động có tổ chức của cả hệ thống chính
trị và toàn dân, do lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước nhằm thực thi,
giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ
quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia được luật pháp quốc tế công nhận,
được quy định trong luật pháp Việt Nam.
Bùi Văn Tiến
bài viết rất thiết thực
Trả lờiXóa