HTSST
Sau khi Báo Quân đội nhân dân Điện tử đăng loạt bài “30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam”, tòa soạn đã nhận được nhiều thông tin phản hồi, hưởng ứng tích cực của bạn đọc hoan nghênh nội dung các bài viết.
Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục phân tích, làm rõ sự kiện trên với
những nội dung sâu sắc hơn, cụ thể hơn. Nhân dịp Hội nghị văn hóa toàn quốc sắp
diễn ra, tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những thông tin, tư
liệu về sự sụp đổ của Liên Xô và bài học về quản lý văn hóa, tư tưởng.
Đi ngược tư tưởng của Lênin về báo chí
Sinh thời, Lênin đặc biệt coi trọng phát huy vai trò của báo chí.
Người khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không
thể có phong trào gọi là chính trị”. Lênin đã phát triển sáng tạo quan điểm của
C. Mác: “Tuyệt đối từ bỏ chính trị là không thể được.
Tất cả các tờ báo chủ trương từ bỏ chính trị cũng đều làm chính
trị. Vấn đề chỉ là làm chính trị như thế nào và làm loại chính trị gì”.
Lênin cho rằng: “Báo chí là trận địa ban đầu, từ đó Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu
tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng. Báo hằng ngày là công cụ
tuyên truyền, cổ động quần chúng không có gì thay thế được”.
Theo Lênin, mỗi Đảng cách mạng cần coi việc xuất bản tờ báo là dấu
mốc quan trọng đầu tiên. “Điểm xuất phát của hoạt động, bước thực tiễn đầu tiên
để tiến tới các tổ chức mong muốn..., phải là việc thành lập tờ báo chính trị
toàn Nga. Chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành
được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và
toàn diện”.
Lênin cũng nhấn mạnh báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng:
“Báo chí phải trở thành các cơ quan của các tổ chức của Đảng. Các nhà văn nhất
thiết phải tham gia các tổ chức Đảng. Các nhà xuất bản và các kho sách, các
hiệu sách và các phòng đọc sách, các thư viện và các nơi bán sách báo, tất cả
những cái đó phải trở thành của Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng”.
Thế nhưng sau này, ở Liên Xô, người ta đã đi ngược lại những căn
dặn của Lênin, buông lỏng và vô hiệu hóa vai trò của báo chí trên trận địa tư
tưởng.
“Thay máu” ồ ạt lãnh đạo các cơ quan báo chí
Sau khi M.Gorbachev lên nắm quyền Tổng Bí thư (3-1985), dưới sự
chỉ đạo trực tiếp của chiến hữu thân cận là A.N.Yakovlev, Ủy viên Bộ Chính trị
phụ trách tuyên giáo-người được coi là “kiến trúc sư” của cải tổ, công tác
“thay máu” lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông của Liên Xô đã được tiến
hành gấp rút.
Theo nhà sử học Aleksandr Ostrovsky, tháng 3-1986, Valentin Falin
trở thành giám đốc mới của hãng tin APN. Điều đáng nói Valentin Falin không chỉ
thân thiết với Gorbachev, mà còn với Willy Brandt, một trong các tác giả của
Hiệp ước Xô-Đức năm 1970.
Cũng đầu năm 1986, M.N.Poltoranin được chỉ định làm Tổng biên tập
báo "Sự thật Moskva", thay cho V.Markov. Tháng 6 cùng năm, đến lượt
Tổng biên tập tờ "Tin tức Moskva" bị thay thế. Tạp chí "Ngọn lửa
nhỏ" cũng có Tổng biên tập mới là V.Korotich. Các tạp chí lý luận hàng đầu
như "Thế giới mới", "Ngọn cờ" cũng tiến hành thay đổi lãnh
đạo cấp cao nhất, đều là những người thân cận với Gorbachev và Yakovlev.
Trong hồi ký của mình, nhà ngoại giao Mỹ, George Matlock đã nhận
xét về "công tác nhân sự" này: "A.N.Yakovlev, người phụ trách
tuyên giáo của Đảng Cộng sản Liên Xô thời đó đã đóng vai trò chính trên mặt
trận này của công cuộc cải tổ. Trước đại hội Đảng lần thứ 27 (1986) đã bắt đầu
sự thay đổi lãnh đạo các cơ quan thông tin đại chúng. Mùa Hè năm 1986, ông ta báo
cáo Bộ Chính trị, rằng "90% cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực này đã được
thay thế".
Những người được thay thế là ai? Đó là những kẻ “cùng hội cùng
thuyền” với Gorbachev và Yakovlev, sẵn sàng lợi dụng chiêu bài “cải tổ”, “dân
chủ”, “công khai” để đưa ra những tuyến bài, những thông tin thật giả lẫn lộn,
thậm chí là bịa đặt làm người đọc hoang mang, mất niềm tin vào chế độ Xô viết
và các giá trị vốn là nền tảng của ổn định và phát triển. Có thể đơn cử trường
hợp Vitaly Korotich, người được bổ nhiệm làm Tổng biên tập mới của tờ tạp chí
"Ngọn lửa nhỏ" danh tiếng giàu truyền thống.
Gương mặt hận thù
Được tái xuất bản dưới thời Liên Xô vào năm 1923 (xuất bản lần đầu
vào năm 1899), “Ngọn lửa nhỏ” (Ogoniok) đã nhanh chóng trở thành một tờ tạp chí
uy tín hàng đầu với số lượng phát hành cực lớn, có sự ảnh hưởng lớn trong xã
hội.
Trong năm tái xuất bản 1923, số lượng Ngọn lửa nhỏ đã lên đến con
số 42 vạn bản, dù giá là khá cao so với thời đó (5 rúp). Thời điểm trước khi
Vitaly Korotich được bổ nhiệm giữa năm 1986, Ngọn lửa nhỏ đang ở thời hoàng kim
với mỗi số in khoảng 1,5 -2 triệu bản, ra hàng tuần.
Tổng biên tập khi đó là nhà văn, Anh hùng lao động Anatoly
Sofronov. Ông đã từng tham gia Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, là tác giả của
nhiều cuốn sách viết về chiến tranh, trong đó có các tác phẩm đã được chuyển
thể lên màn ảnh. Vậy mà dưới sự chỉ đạo của A.N.Yakovlev, Anatoly Sofronov đã
phải rời vị trí Tổng biên tập, nhường chỗ cho Vitaly Korotich, vốn chỉ làm lãnh
đạo 2 tờ báo chẳng có mấy tiếng tăm, chuyên về công tác thanh niên và văn học
nước ngoài ở Ukraina.
Nếu như trong quá khứ, Korotich từng viết cuốn “Gương mặt hận
thù”, mô tả hình ảnh nước Mỹ những năm 80 bị ăn mòn bởi hận thù từ bên trong và
gieo thù hận trên thế giới thì nay ông ta được giao một nhiệm vụ hoàn toàn trái
ngược: Mô tả nước Mỹ như một "đế chế của cái thiện" (trái ngược với "đế
chế của cái ác" mà Reagan đã tuyên bố là Liên Xô).
Từ nay, V.Korotich sẽ cho đăng trên Ngọn lửa nhỏ các tuyến bài để
cho độc giả thấy lịch sử của Liên Xô như một chuỗi liên tục của “tội ác của
quyền lực chống lại nhân dân”, để dẫn dắt suy nghĩ về quy luật sụp đổ sắp tới
của đất nước.
Núp bóng các chuyên mục "điều tra báo chí", "tài
liệu từ kho lưu trữ", "kho lưu trữ đặc biệt", phỏng vấn thì
mời những người bất đồng chính kiến, các “nhà dân chủ”…., hành trình “lật
sử”, “bôi đen quá khứ dân tộc” dưới sự chỉ đạo của Korotich đã đi ngược lại
những gì mà các thế hệ nhà báo của Ngọn lửa nhỏ đã dày công tạo dựng suốt mấy
chục năm liền.
Thay bìa đổi ruột và biến chất
Khi nắm quyền, một trong những việc đầu tiên Korotich làm là sa
thải phần lớn ekip phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn và chê bai nội dung
trước đây của Ngọn lửa nhỏ là cũ kỹ, chỉ xứng dành cho “các hiệu cắt tóc” để
khách đọc khi chờ đến lượt.
Rất nhanh, ba tháng sau đó, hình ảnh Huân chương Lênin-phần thưởng
cao quý mà tạp chí được trao tặng vào năm 1973, nhân kỷ niệm 50 năm xuất bản,
bị Korotich cho biến mất khỏi trang bìa. Và, cũng ngay sau đó, nội dung bên
trong bắt đầu thay đổi ...
Bìa của tạp chí vẫn giữ nguyên giữ nguyên kiểu chữ của măng-sét,
nhưng trên đó chân dung của những điển hình xuất sắc trong mọi lĩnh vực của
Liên Xô đã không còn chỗ. Ý tưởng các bìa của Ngọn lửa nhỏ luôn gợi cho người
đọc một sự bất an, tiêu cực, thậm chí là suy nghĩ về "sự diệt vong của
Liên Xô”. Ví dụ, có bìa thì vẽ cờ của 15 nước Cộng hòa quanh trái lựu đạn bọc
cờ Liên Xô, bìa khác là những quân bài mỏng mảnh in cờ các nước Cộng hòa xếp
thành tháp, có thể đổ bất cứ khi nào…
Trở thành cơ quan ngôn luận cho "tư duy mới", tạp chí
Ngọn lửa nhỏ đã cho đăng nhiều kỳ các cuốn sách bôi nhọ lãnh tụ Stalin của Roy
Medvedev, hồi ký của các "nạn nhân của sự đàn áp", các cuộc phỏng vấn
với những người bất đồng chính kiến như Vladimir Bukovsky (với cái tít
"Chiến đấu chống lại chính quyền của những kẻ cặn bã"), Elena Bonner,
Valeria Novodvorskaya… Đi xa hơn, Korotich còn cho đăng trên Ngọn lửa nhỏ nhật
ký của trùm phát-xít Goebbels.
Nội dung “tố cáo tội ác” trên tạp chí dày đặc đến nỗi một độc giả
của Ngọn lửa nhỏ thời kỳ này nhớ lại: “Có cảm tưởng như bạn đang bước đi trên
con đường ngập máu”. Sự “quay ngoắt 180 độ” của Ngọn lửa nhỏ đã làm thay đổi
căn bản tờ tạp chí có ảnh hưởng này: từ chỗ là cơ quan ngôn luận góp phần xây
dựng Chính quyền Xô-viết vững mạnh, nay lại trở thành kẻ góp phần làm rạn nứt
và phá hủy nó.
Chiến dịch “ma túy của công khai” đã tỏ ra có hiệu quả, khi số
lượng xuất bản của Ngọn lửa nhỏ đã tăng vùn vụt, đỉnh điểm có lúc lên tới hơn 4
triệu bản/kỳ. Người ta hiếu kỳ với những thông tin “độc”, mà nhiều khi các “đầu
bếp” đã chế biến nó với liều lượng thật 3 giả 7, với mục đích chính là làm
người đọc lung lay niềm tin vào những giá trị chân chính.
Ngọn lửa nhỏ - sự nguy hiểm của vũ khí tư tưởng
Ngọn lửa nhỏ, cùng với Tin tức Moskva (Moskovskie Novosti) đã trở
2 đầu tàu của cái gọi là trào lưu “công khai” dưới thời Gorbachev. Cũng cần nói
thêm, người đứng đầu Tin tức Moskva là Egor Yakovlev, nguyên Phó tổng giám đốc
Hãng thông tấn APN. Dưới sự chỉ đạo của Yakovlev, Tin tức Moskva đã hoàn toàn
đổi màu, trở thành một diễn đàn chống chế độ Xô-viết. Đỉnh điểm của sự phản bội
là tháng 1-1991, tức 11 tháng trước khi Liên Xô sụp đổ, Egor Yakovlev đã xin ra
khỏi Đảng.
Còn Korotich thì sao? Với những “công lao” của mình, năm 1989, y
đã được tạp chí Mỹ World Press Review trao giải “Biên tập viên nước ngoài của
năm” dành cho những người không sống ở Mỹ, nhưng đã có công trạng trong việc đẩy
mạnh tự do báo chí, vì nhân quyền.
Tháng 8-1991, khi Korotich đang ở Mỹ thì xảy ra sự kiện Chính
biến, y liền xin ở lại vì sự Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp “trả thù”.
Ngày 26-8-1991, theo quyết định của cuộc họp lãnh đạo Ngọn lửa nhỏ, Korotich bị
miễn nhiệm Tổng biên tập “vì sự hèn nhát”.
Từ đó đến nay, y sống tại Mỹ. Tháng 2 năm nay, trong một cuộc trả
lời phỏng vấn Báo Sự thật TNCS (Komsomolskaya Pravda), Korotich nói Gorbachev
là thủ phạm làm cho đất nước Liên Xô sụp đổ. Có phải tuổi già khiến cho cựu
Tổng biên tập Ngọn lửa nhỏ quên mất họ từng là “cùng hội cùng thuyền”, Korotich
có phải là vô can, khi từng là một công cụ tuyên truyền phục vụ đắc lực cho
những mục đích chính trị của M.Gorbachev và A.Yakovlev?
Báo chí Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây đến nay vẫn lấy
trường hợp Ngọn lửa nhỏ làm ví dụ khi nhắc đến sự nguy hiểm khi vũ khí tư
tưởng, tuyên truyền bị giao vào tay những kẻ cơ hội, đổi màu chính trị. Cũng
cần nói thêm sau khi Liên Xô sụp đổ vào cuối tháng 12-1991, số lượng của Ngọn
lửa nhỏ lao dốc không phanh, đến năm 1994 chỉ còn có 74 nghìn bản và đến tháng
12-2020, Ngọn lửa nhỏ đã ngừng xuất bản tạp chí in. “Ngọn lửa nhỏ” đã lụi tàn
như thế đó.
bài học này rất đắt giá
Trả lờiXóa