Mạng xã hội Facebook ở nước ta phát triển rất
nhanh và ngày càng lan rộng, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham
gia. Trong đó, tỷ lệ cán bộ, đảng viên sử dụng facebook hiện nay chiếm
khá cao. Hầu như ai cũng có tài khoản cá nhân facebook, thậm chí có
người sở hữu 2, 3 tài khoản. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít cán bộ
đảng viên mạnh dạn đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh từ các
trang chính thống thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về một vấn
đề nào đó thì vẫn còn đại đa số người còn thờ ơ, phớt lờ những
vấn đề xã hội đang quan tâm. Vậy thì vai trò của họ ở đâu trên không
gian mạng này?
Bệnh “vô cảm” không phải là căn bệnh trong y học, nó là căn bệnh xã
hội, được biểu hiện dưới dạng trơ lì về cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với mọi sự
việc, hiện tượng của đời sống xã hội xung quanh.
Hiện nay, có thể nhận thấy trong xã hội, bên cạnh những người tốt,
những câu chuyện về “người tử tế”, những câu chuyện ấm áp lòng người như những
hiệp sĩ đường phố, những tấm gương quên mình cứu người giữa dòng nước lũ, về
tấm lòng của các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh
trong cơn hoạn nạn… đã góp phần xây dựng lối sống hướng thiện, một xã hội, cộng
đồng tốt đẹp, nhân văn…; thì tình trạng thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đang
dần trở thành một căn bệnh nguy hiểm, có xu hướng lây lan trong xã hội. Theo
Đại văn hào Nga Maksim Gorky: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà
là nơi thiếu vắng tình thương". Con người ta có thể vô cảm trước áp
lực phẫn nộ của dư luận, nhưng lương tâm thì không thể không day dứt trước nỗi
đau của người khác.
Cái tư duy thấy đúng cũng không bảo vệ, thấy
sai cũng không lên án, phê phán đã và đang tồn tại ở nhiều cơ quan,
đơn vị. Và chính tư duy cá nhân ấy cũng được nhiều người áp dụng khi
tham gia mạng xã hội. Họ lẳng lặng vào mạng, dò đọc, rồi lẳng
lặng, âm thầm trở ra như chiếc bóng. Đối với những bài viết hay,
tích cực, nguồn dẫn chính thống đàng hoàng, báo đài rầm rộ đưa tin
nhưng cũng không thấy họ tham gia chia sẻ, bình luận, like bài. Hay đối
với những thông tin tiêu cực, bức xúc, xã hội đang quan tâm cũng chẳng
thấy họ biểu thị cảm xúc gì. Tốt cũng được, chẳng khen động viên,
mà xấu cũng mặc kệ, chẳng thèm phê phán, phản ứng. Ôi, một thái độ
dửng dưng, vô cảm đến lạ lùng.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm
việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh, yếu kém
của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó đối với đảng cầm quyền; đặt ra
nhiệm vụ sửa đổi lối làm việc để chỉnh đốn lại Đảng, làm cho Đảng “mạnh khỏe,
chắc chắn”, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò tiền phong
và gắn bó mật thiết với nhân dân. Người nhấn mạnh: “Thái độ thứ ba, ai mặc kệ
ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy, trong Đảng còn có nhiều người giữ thái
độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói
“không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết
trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho
khuyết điểm ngày càng chồng chất và phát triển ra”. Trong Nghị quyết Trung ương
4, khóa XII của Đảng cũng đã xác định: “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước
những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” là một biểu hiện
của suy thoái đạo đức, lối sống.
Tôi nghĩ thế này, đã là cán bộ, đảng viên thì
ít ra cũng phải nhận thức được thông tin nào đúng, sai, tích cực,
tiêu cực chứ. Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy hay, đúng, nguồn
đăng rõ ràng thì cũng nên thể hiện cảm xúc của mình, đó có thể là
“thích”, “thả tim”, “thương thương”. Hay hơn nữa là thêm comments động viên,
khen ngợi để cổ vũ nhau. Còn nếu bạn nhận thấy rằng thông tin sai, lệch lạc
hoặc còn nghi ngờ độ chính xác thì ít ra cũng có cảm xúc “ngạc nhiên”,
“buồn” hoặc “phẫn nộ”. Xem, đọc xong mà vô cảm đến mức lặng lẽ cho qua,
thế thì khác nào bạn đã đồng tình, ủng hộ thông tin xấu đó rồi.
Bởi trong một số trường hợp được mặc nhiên rằng “im lặng là đồng
ý”.
Trong các bệnh “vô cảm” thì bệnh “vô
cảm về chính trị” là nguy hiểm nhất bởi cán bộ, đảng viên là cầu nối quan trọng
giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là người truyền đạt và tổ chức cho nhân dân
thực thi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước,
đồng thời nắm bắt và phản hồi thông tin từ nhân dân để Đảng và Nhà nước có căn
cứ hoạch định, điều chỉnh, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững theo
định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hãy để cái tốt đẹp được lan
tỏa, đồng thời cũng phải đẩy lùi những cái xấu, tiêu cực, đó không
chỉ là trách nhiệm của cộng đồng mạng nói chung mà đó còn là
trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội facefook
đó các bạn à!
Thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức
đúng đắn và đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội, đất nước. Là
cán bộ, đảng viên trước hết phải có lập trường, tư tưởng, quan điểm rõ ràng ở
mọi lúc, mọi nơi. Trên không gian mạng lại rất cần thể hiện vai trò đó. Hãy
là những nhân tố mang tính nòng cốt, tích cực trong xây dựng mặt trận đoàn
kết toàn dân.
Để khắc phục bệnh “vô cảm về chính
trị” đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân
dân cần phải có những biện pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên
truyền làm thức dậy tình thương yêu con người, đồng loại, sự hy sinh và trách
nhiệm đối với xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh cuộc
vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đồng
thời, phát huy vai trò của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính
trị, xã hội và cá nhân trong đấu tranh, ngăn ngừa căn bệnh thờ ơ, vô cảm, thiếu
trách nhiệm; khuyến khích các hoạt động nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp, chống
lại cái xấu, vun đắp và xây dựng những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống
tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa