NVT
Kể từ sau đại dịch cúm Tây Ban Nha những năm 1918-1920, nhân loại chưa từng chứng kiến số ca nhiễm và tử vong nhiều như đại dịch Covid-19. Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh con người trên toàn Trái đất và đang đặt ra những thách thức đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Khái niệm “an ninh con người” lầu đầu tiên được nêu trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) năm 1994. Nội hàm khái niệm an ninh con người được hiểu là: (i) Sự an toàn của con người trước các mối đe dọa như đói nghèo, bệnh tật và áp bức; (ii) Con người cần được bảo vệ trước những biến động bất thường trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Liên Hợp quốc, có 7 nhân tố cấu thành, tác
động đến an ninh con người, gồm: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh
sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, an ninh chính
trị.
Tính đến 21 giờ
26 phút ngày 22/04/2021, cả thế giới có 144.686.429 người
nhiễm Covid-19 và 3.075.572 người tử vong. Mỹ là
quốc gia có số ca nhiễm lớn nhất, tiếp đến là Ấn Độ, Brazil, Pháp, Nga, Thổ Nhĩ
Kỳ, Anh… Tính chất của bệnh dịch này cực kỳ nguy hiểm, khó lường, nó đang làm
đảo lộn thế giới và gây nên nỗi kinh hoàng cho con người. Tổng Giám đốc Tổ chức
Y tế Thế giới T.A.Ghebreyesus nhận định “Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng
y tế toàn cầu chưa từng có”. Kể từ sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1920,
nhân loại chưa từng chứng kiến số ca nhiễm và tử vong nhiều như đại dịch
Covid-19. Điều đó cho thấy, an ninh con người trên toàn Trái đất đang bị đe dọa
nghiêm trọng.
Một là, về an ninh kinh tế. Đại
dịch Covid -19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng chưa từng có đến nền kinh tế thế
giới. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, kinh tế thế giới tăng trưởng âm gần
4%. Tính riêng tại Việt Nam, đã có 1,2 triệu người thất nghiệp; 4,5 triệu người
bị giảm giờ làm; 12,7 triệu người tạm ngừng, nghỉ kinh doanh; có 21,9 triệu
người giảm thu nhập. Các ngành có lao động ảnh hưởng cao là: vận tải, kho bãi
80%; dịch vụ lưu trú 82%; nghệ thuật, giải trí 89%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 2,5%
năm 2020, cao nhất trong 10 năm qua. Chính phủ đã phải hỗ trợ cho 20 triệu
người với gói 62.000 tỷ và trợ cấp thất nghiệp cho 893.000 người. Điều đó cho thấy,
mặc dù Việt Nam được cho là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương (2,91%)
trong năm 2020 nhưng đại dịch Covid-19 đã mang đến những tổn thất chưa từng có
cho nền kinh tế Việt Nam.
Hai là, về an ninh lương
thực. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây mất việc làm, giảm thu nhập, đứt
gãy chuỗi cung ứng, bị cô lập do thực hiện cách ly… đã và đang đe dọa tính mạng
và sinh kế của người dân ở hầu hết các quốc gia. Riêng tại Nam Á, số người đói
dự kiến tăng gần 1/3 dân số do đại dịch. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP)
xác định 26 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì mất an ninh lương thực do
Covid-19, trong đó Ethiopia, Nigeria và Mozambique là ba quốc gia có đến 56
triệu người đang sống trong tình trạng không có đủ nguồn thực phẩm cần thiết
mỗi ngày. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc, hơn 820 triệu
người trên toàn cầu đã bị đói. Gần 150 triệu trẻ em ở các quốc gia trên thế
giới bị còi cọc vì thiếu dinh dưỡng.
Ba là, về an ninh sức khỏe.
Sau hơn 1 năm Covid-19 bùng phát, thế giới không chỉ chứng kiến sự gia tăng của
những ca bệnh hay sự sụt giảm về kinh tế, mà còn chứng kiến cả những tình trạng
căng thẳng, lo âu, sợ hãi. Giới chuyên gia cảnh báo, Covid-19 đã tác động sâu
sắc và rộng khắp đối với sức khỏe tinh thần trên toàn cầu, khi hàng tỷ người
phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an. Theo kết quả điều tra của các nhà
khoa học, 35% người dân Trung Quốc đã bị căng thẳng trong và sau phong tỏa; bên
cạnh đó,số vụ bạo hành, ly hôn, tự tử, trầm cảm… ở các nước đều tăng trong đại
dịch do nhiều người rơi vào trầm cảm, lo lắng, bất an, mất ngủ và giận dữ.
Bốn là, về an ninh môi trường.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu
giảm trong năm 2020 do dịch Covid-19 chỉ khoảng 8%, so với lượng khí thải
CO2 vào bầu khí quyển hiện nay thì chưa đáng kể. Thế giới vẫn đang phải
đối mặt với biến đổi khí hậu, đặc biệt là hậu Covid-19. Bởi giãn cách hiện nay
chỉ là tạm thời, đến một lúc nào đó, khi thế giới đẩy lùi được dịch bệnh, các
hoạt động thường nhật sẽ lại tiếp tục, thậm chí ồ ạt hơn trước. Theo đó đại
dịch chỉ là một điểm tạm hoãn để chuẩn bị cho một đợt tăng tốc mới, nguy cơ ô
nhiễm môi trường có thể còn tăng cao hơn trước khi có đại dịch.
Năm là, về an ninh cá nhân. Đại
dịch đã gây ra sự rối loạn, ngừng trệ và thậm chí là tê liệt một số quyền cá
nhân ở các quốc gia mà nó lan tới như quyền tự do đi lại, tự do giao thương,
tiếp cận y tế đồng đều, giáo dục... Hơn một nửa dân số thế giới đã phải sống
trong tình trạng hy sinh những nhu cầu cơ bản của cá nhân như đi làm, đến
trường, đi du lịch hay gặp gỡ người thân… Những người nghèo, thu nhập thấp càng
phải trả giá đắt trong đại dịch (ở Mỹ, người gốc Phi chỉ chiếm 30% dân số,
nhưng lại chiếm hơn 70% người mắc bệnh Covid-19).
Hiện nay đã có hơn 50
loại vaccine tiềm năng. Tuy nhiên, việc bảo đảm an ninh và phân phối nguồn
vaccine (cần tới 15.000 chuyến bay phân phối khắp thế giới) đang đặt ra một
thách thức mà nhân loại chưa từng đối mặt. Trong đó nhiều loại Vaccine phải
được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C và vận chuyển đến vùng sâu, vùng xa của Trái
đất. Song các chuyên gia còn lo ngại số vaccine chảy về các nước giàu có. Người
giàu (thuốc tốt, nhanh), người nghèo (thuốc rẻ, chậm, thậm chí không tiếp cận
được) và nếu như vậy, dịch bệnh sẽ không được kiểm soát trên toàn cầu, nguy cơ
tái bùng phát là khó tránh.
Đảng và Nhà nước Việt
Nam đã có quan điểm đúng đắn ngay từ đầu trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19
là bên cạnh việc bảo đảm tính mạng con người, còn phải bảo đảm cuộc sống cho
nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người dân được làm việc, làm ăn, được học hành,
phát triển, bảo đảm an ninh con người. Tuy nhiên, trong tương lai, nhân loại
nói chung và người Việt Nam nói riêng cần tiếp tục thay đổi tư duy về lợi ích,
về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, mối quan hệ giữa con người và môi
trường để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
bài viết rất thiết thực
Trả lờiXóa