Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

MẤY VẤN ĐỀ VỀ GIÁO DỤC Ý THỨC BẢO VỆ TỔ QUỐC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TRONG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên không gian mạng không thể được thực hiện thành công và hiệu quả, nếu như chủ nhân của sự nghiệp ấy không có ý thức bảo vệ xứng tầm; việc giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng không được quan tâm đúng mức, bồi đắp thường xuyên.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, đặc biệt là công nghệ thông tin, internet đã trở thành không gian xã hội mới - “không gian mạng”. Đây là khái niệm được sử dụng thời gian gần đây ở Việt Nam; được hiểu là “mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian, thời gian”. Không gian mạng có đặc điểm cơ bản là: tốc độ truyền tải, tìm kiếm thông tin nhanh, lưu trữ thông tin khổng lồ; tính liên kết cộng đồng, không biên giới, tính đa phương tiện, tương tác rất cao; là một bộ phận cấu thành của xã hội, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội, mang lại những cơ hội, vận hội mới để các quốc gia, dân tộc hợp tác và phát triển. Mặt tích cực và mặt tiêu cực của không gian mạng rất phức tạp. Thông tin trên không gian mạng thật giả lẫn lộn, thiếu tính chính xác, khó kiểm chứng và kiểm soát, tác động tiêu cực đối với văn hóa cộng đồng; làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước; suy giảm quyền lực nhà nước và sức mạnh quốc gia. Đồng thời, là công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại; môi trường “màu mỡ” cho các tổ chức khủng bố, tội phạm hoạt động, v.v.

Lợi dụng lợi thế đó, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu đã, đang triệt để khai thác tính lan tỏa nhằm thực hiện “cuộc cách mạng truyền thông” đưa các thông tin xấu độc, giả mạo, những hình ảnh khiêu dâm, kích động bạo lực, kêu gọi hình thành các hội nhóm trái phép, lực lượng chính trị đối lập hoạt động đối trọng với Đảng; tuyên truyền lối sống thực dụng phương Tây, hưởng thụ, kích động hận thù dân tộc; bôi nhọ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong dịp Đại hội lần thứ XIII Đảng và bầu cử Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2025 của Nhà nước ta vừa qua, chúng đã sử dụng hàng ngàn website, blog, hàng trăm tạp chí, báo, nhà xuất bản và đài phát thanh có chương trình tiếng Việt để đẩy mạnh các chiến dịch thông tin xuyên tạc, phá hoại về tư tưởng; xuyên tạc các văn kiện trình Đại hội và công tác nhân sự của Đảng; kích động, chia rẽ nội bộ, hình thành các tổ chức chính trị đối lập, hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nước ta. Mục đích của chúng là làm chuyển biến, thay đổi nhận thức chính trị, không phân biệt được thông tin thật và giả, dần dần tin vào những thông tin giả mạo, xấu độc dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống, xa rời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Nhận rõ tầm quan trọng và sự bức thiết bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, ngày 25/7/2018, Đảng ta ra Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” và Nghị quyết về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế; xây dựng, phát triển và bảo vệ nền văn hóa Việt Nam trên không gian mạng”. Quân đội ta thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là thực hiện nhiệm vụ trong môi trường tác chiến mới, với phương thức, hình thái chiến tranh mới - “không có khói súng”. Điều đó khách quan thúc đẩy, tạo thời cơ và thuận lợi mới, nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với nhiệm vụ giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong Quân đội. Yêu cầu cơ bản của giáo dục là phải củng cố, nâng cao nhận thức, niềm tin, thái độ, tình cảm và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng cho mọi cán bộ, chiến sĩ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh mạng và nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Để làm được điều đó, cần thực hiện một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Quán triệt và thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục chính trị, đạo đức, pháp luật trong toàn quân, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, như: Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên Internet; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; Thông tư số 09/2014/BTTTT, ngày 19/8/2014 của Bộ thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Chỉ thị số 03/CT-BQP, ngày 23/01/2014 của Bộ Quốc phòng về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin và một số vấn đề về tổ chức hoạt động tác chiến không gian mạng; Thông tư số 56/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, ngày 05/5/2020 về Quy định quản lý và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong Bộ Quốc phòng, v.v. Phân tích làm rõ bản chất không gian mạng, lợi dụng hình thức này để chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Nâng cao hiệu quả giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, giáo dục Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược An ninh mạng quốc gia, chỉ thị, quy định của Quân đội về quản lý, sử dụng Intrernet, mạng xã hội, v.v. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ “nhận thức, đánh giá đúng, đầy đủ, sâu sắc về thời cơ, thách thức đối với nước ta trên không gian mạng, xác định đúng đắn mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp để có quyết tâm và biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết trong không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới”.

Hai là, đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong Quân đội. Cần rà soát, điều chỉnh, xây dựng nội dung, chương trình giáo dục phù hợp với tình hình nhiệm vụ của Quân đội. Trong đó, ưu tiên những nội dung xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống; ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; những kiến thức đạo đức, văn hóa, xã hội, khả năng tự vệ và kỹ năng phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Nâng cao chất lượng biên soạn tài liệu học tập chính trị cho các đối tượng. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp giáo dục; kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống với hiện đại. Đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông Quân đội, phát huy hơn nữa lợi thế của mạng Intrernet; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trên không gian mạng. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền miệng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề, hỏi và đáp về pháp luật, quản lý và sử dụng mạng xã hội, cần chú trọng phát huy hiệu quả các trang mạng xã hội, lực lượng chuyên trách đấu tranh trên không gian mạng, Ban chỉ đạo 35 các cấp. Phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, mà trực tiếp là cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, cán bộ chính trị trong lãnh đạo, định hướng, chỉ đạo giáo dục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Ba là, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, tập trung bồi dưỡng phương pháp đấu tranh, tổ chức tuyên truyền trên không gian mạng; phương pháp nhận biết, tiếp nhận thông tin, cách tự vệ, “miễn dịch” trước những thông tin giả, xấu, độc hại; cách tổ chức phối hợp giữa các lực lượng trong theo dõi, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng; kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động chống phá trên không gian mạng và các hành vi vi phạm an ninh mạng; kỹ năng sử dụng các biện pháp kỹ thuật khắc phục hậu quả khi bị tấn công trên không gian mạng. Với các lực lượng chuyên trách, cơ quan báo chí Quân đội, cần bồi dưỡng cách thức tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các vệt bài tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận; cách thức xây dựng, duy trì các chuyên mục phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng. Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng liên kết, số hóa các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh trên không gian mạng; đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của các tài khoản, kênh thông tin xấu, độc; xây dựng kênh truyền thông uy tín tuyên truyền, định hướng thông tin dư luận trên mạng, như: Youtube, Fanpage, Facebook; đẩy mạnh tương tác, chia sẻ, quảng bá thông tin chính thống đến cộng đồng.

Bốn là, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong Quân đội. Ở đây, cần đặc biệt chú ý hai hướng đấu tranh cơ bản quan hệ chặt chẽ với nhau: thứ nhất, tích cực, chủ động đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc; thứ hai, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an toàn, an ninh không gian mạng để giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong Quân đội. Thực hiện hai hướng đấu tranh trên, cần tích cực, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chúng. Phát huy sức mạnh tổng hợp, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch của các đối tượng thù địch, phần tử cơ hội trên mạng xã hội.

 

1 nhận xét: