Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NHỮNG THÀNH TỰU TRONG BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

 QN

Như thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), trên nhiều trang mạng trong và ngoài nước cũng như một số phương tiện truyền thông quốc tế, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lấy danh nghĩa “dân chủ, nhân quyền” ra sức xuyên tạc tình hình thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, họ triệt để lợi dụng sự đánh giá không khách quan, trung thực, thiếu thiện chí của một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài về tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm hạ thấp vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Các tổ chức nhân danh báo chí như: “Phóng viên không biên giới”, “The project 88”… vu khống Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí , gây sức ép đòi thả tự do cho các đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ do vi phạm pháp luật Việt Nam như: Trần Thị Tuyết Diệu, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, Trương Châu Hữu Danh,… Thậm chí, đằng sau mưu đồ đó, chúng tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống đối lật đổ chính quyền.

Tuy nhiên, cần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn tuân thủ luật pháp quốc tế. Ngày 9/11/1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều, trong đó, quyền tự do ngôn luận được hiến định ở Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Trong các văn kiện của Đảng, các bản Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định và hiện thực hóa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”. Điều 10 của luật này cũng quy định công dân có quyền tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai, đồng thời được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Đối với quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được quy định tại Điều 11, Luật Báo chí sửa đổi: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”. Đồng thời, khẳng định “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Thực tế, đến hết năm 2020, Việt Nam có 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền. Theo thống kê năm 2020, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, số người dùng Facebook tại Việt Nam có 69.280.000 người, chiếm 70,1% dân số. Sóng của những hãng thông tấn, báo chí lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam.

Những dữ kiện trên phần nào đã khẳng định những thành tựu to lớn và vững chắc trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Đồng thời, cho thấy Việt Nam đã thực sự chủ động trong việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

 

1 nhận xét:

  1. Việt Nam đã chủ động và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí

    Trả lờiXóa