Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG NHẬN DIỆN MẦU SẮC “TẢ KHUYNH”, “HỮU KHUYNH”

 

Trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài, phức tạp của cách mạng Việt Nam, vào những bước ngoặt, chúng ta thường thấy xuất hiện tư tưởng cơ hội, xét lại dưới nhiều màu sắc “hữu khuynh”, “tả khuynh”. Dù chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng chứ chưa định hình rõ như “chủ nghĩa”; biểu hiện ở lời nói, trang viết và hành động nhỏ lẻ của một số người, một nhóm người nhưng tư tưởng xét lại cũng gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Cụ thể 20 năm kháng chiến chống Mỹ, ở vào thời kỳ quyết liệt, đã có những người tỏ ra dao động trước sức mạnh tàn bạo của kẻ thù, trước hy sinh, gian khổ nên không kiên định với đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam, ảo tưởng về con đường chung sống hòa bình. Đến khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản suy thoái, Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội sâu sắc, có người dao động, ngả nghiêng, do dự, mơ hồ, hoài nghi vào con đường đi lên CNXH, có người khẳng định lý luận về CNXH đã sụp đổ, cần xây dựng chế độ xã hội theo mô hình phương Tây.

Nhận diện mầu sắc “tả khuynh”, “hữu khuynh” với tính chất biến tướng có khác nhau nhưng tựu trung, biểu hiện hai khuynh hướng chính. Chủ nghĩa xét lại “tả khuynh” thường tìm cách đánh tráo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác, Lênin bằng những quan điểm vô chính phủ, duy ý chí có tính tiểu tư sản, phủ nhận tính tất yếu đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò của đảng cộng sản và chuyên chính vô sản. Chủ nghĩa xét lại “hữu khuynh” thì đòi bác bỏ Chủ nghĩa Mác, Lênin, muốn thay thế những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác, Lênin bằng những quan điểm, cải cách tư sản. Và dù ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào, dù có những điều chỉnh nhất định, chủ nghĩa xét lại cũng không thể che giấu được động cơ là xa rời mục tiêu cuối cùng của giai cấp công nhân, từ bỏ cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho CNXH. Vào thời điểm khó khăn, phức tạp, thử thách hoặc khi những phát minh, sáng chế khoa học và tình hình mới dẫn đến phá vỡ giới hạn nhận thức cũ, người nhiễm tư tưởng xét lại thường không đủ khả năng nhận thức đúng những hiện tượng mới nảy sinh, những thay đổi trong sách lược của các đảng cộng sản nên hay dao động, không vững vàng. Họ tỏ ra yếu đuối, hoang mang, dễ bị lợi dụng, từ đó mà nảy sinh tư tưởng xét lại, thậm chí chuyển hóa thành phản bội.

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, trong đó có tư tưởng xét lại, đã trở thành vấn đề cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Hiện nay đấu tranh với chủ nghĩa xét lại, đòi hỏi phải nắm vững và xử lý khéo léo mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ. Nhưng nếu không kiên định mà đổi mới một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng. Mặt khác, đấu tranh với chủ nghĩa xét lại diễn ra ngay trong nội bộ chúng ta, nên nó đòi hỏi sự kiên trì, khả năng thuyết phục, chứ không thể cực đoan, vội vã phân chiến tuyến, áp đặt phải đứng về bên này hay bên kia. Đặt ra vấn đề này bởi có lúc giáo điều, chủ quan, duy ý chí đã cản trở, gây tâm lý ngần ngại trước những thay đổi, hoặc nhìn nhận, đánh giá chưa hết những sáng tạo phát triển, đổi mới.

                                                                                                                                Trường Vĩnh

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa