Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

 

NHẬN DIỆN VỀ NHỮNG BIỂU HIỆN “CHỦ NGHĨA CƠ HỘI” HIỆN NAY                                   

Quảng Phúc

Chủ nghĩa cơ hội thời nào cũng có, nhưng thường xuất hiện công khai và phát triển vào lúc cách mạng gặp khó khăn và khi các quan hệ xã hội có những biến đổi. Gần đây, trong các văn kiện của Đảng nhắc nhiều tới cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, tư tưởng cơ hội, các phần tử cơ hội chính trị... Điều đó chứng tỏ đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội ở nước ta hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng.

“Chủ nghĩa cơ hội” đã xuất hiện từ khi lịch sử loài người phân chia giai cấp. Biểu hiện nổi bật, đó là: những người theo chủ nghĩa cơ hội thường có lập trường tư tưởng không vững vàng, thiếu kiên định, bản lĩnh chính trị yếu kém, tư tưởng “chiết trung”, né tránh trước những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra của đất nước. V. I. Lênin cho rằng, chủ nghĩa cơ hội quốc tế được biểu hiện dưới nhiều màu sắc, nhiều dạng, nhiều loại khác nhau, tùy theo đặc điểm của từng quốc gia dân tộc, nhưng chúng giống hệt nhau về nội dung, bản chất chính trị - xã hội, đó là: tính không kiên quyết, tính vô nguyên tắc, tính không rõ ràng, lờ mờ, quanh co. Sở dĩ có hiện tượng những người mác-xít, những người hoạt động trong đảng công nhân rơi vào chủ nghĩa cơ hội là do họ có sự do dự, thiếu kiên định, dao động và lừng chừng về chính trị. Chính vì vậy, họ “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”[1].

Biểu hiện của những kẻ cơ hội trong những năm qua ở nước ta, đó là:

Thứ nhất, bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân, tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc.

Thứ hai, say mê quyền lực, địa vị, coi đó như một thứ có thể mua bán, tiến thân, từ đó mà khéo luồn lách, nịnh bợ để lấy lòng cấp trên, để tranh thủ lá phiếu trước mỗi đợt bầu cử.

Thứ ba, kéo bè, kết cánh, “móc ngoặc” trên dưới, trong ngoài, tìm mọi cách để “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy danh”, “chạy lợi”, “chạy chỗ”, “chạy bằng cấp”, “chạy tuổi” và khi bị phát hiện thì tiếp tục “chạy tội”.

Thứ tư, lợi dụng việc tuyển chọn, đánh giá, luân chuyển cán bộ để trục lợi cá nhân, tìm mọi cách đưa người “cùng cánh” vào nắm những chức vụ trong cơ quan, mà không chịu chọn những người có đủ đức, tài.

Để chống lại chủ nghĩa cơ hội có hiệu quả cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; làm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức rõ bản chất, những biểu hiện cụ thể của những người có khuynh hướng “chủ nghĩa cơ hội”.  

Hai là, nâng cao phê bình, tự phê bình trong nội bộ các tổ chức đảng, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân để giáo dục, rèn luyện, quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; luôn luôn cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch; bản thân không bị suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; chủ động ngăn ngừa để không vi phạm những biểu hiện cơ hội chính trị.

Bốn là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tiến hành chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những người có biểu hiện cơ hội chính trị; không để những người này “chui sâu”, “leo cao”  vào trong bộ máy của Đảng, chính quyền các cấp.



[1] V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, t. 6, tr. 239.

1 nhận xét:

  1. Chủ nghĩa cơ hội là căn bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan; do đó phải điều trị triệt để

    Trả lờiXóa