Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

 

CẦN CẢNH GIÁC TRƯỚC THỦ ĐOẠN “MƯỢN MƯA TÉ NƯỚC”

                         Quảng Phúc

          Trong thời gian gần đây, lợi dụng chủ trương của Đảng và quyết tâm của Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tham ô, lãng phí; các thế lực thù địch, phản động đã rêu rao luận điệu cho rằng đó là cuộc “thanh trừ lẫn nhau trong nội bộ” nhất là khi có các vụ án liên quan đến một số cán bộ đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị. Lợi dụng những vụ án này, các thế lực thù địch đã “mượn mưa té nước”; chúng tăng cường tuyên truyền phản động, bôi xấu cán bộ của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên các trang blog, mạng xã hội…nhằm thổi phồng khuyết điểm, tạo dư luận xấu và sự bất mãn trong nhân dân, hòng làm tăng sự hoài nghi, làm giảm lòng tin của nhân dân ta với Đảng.

          Thật vậy, bản chất của tham nhũng chính là sự “tha hóa” quyền lực để thực hiện lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm người làm phương hại đến lợi ích của cá nhân khác, của tập thể và xã hội. Khi tham nhũng trở thành phổ biến, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước bị biến dạng không còn giữ được vai trò điều hòa các lợi ích xã hội, từ đó mất đi sự ổn định, đe dọa sự tồn vong của chế độ mà quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đang duy trì nó. Do vậy, ở bất cứ chế độ xã hội nào, quốc gia nào cũng đều phải phòng, chống tham nhũng và hành vi tham nhũng cũng luôn bị lên án, bị trừng trị.

Không chỉ ở Việt Nam hiện nay, mà ở Trung Quốc, ở Nga, ở Mĩ...đều có những cá nhân tham nhũng cần phải bị nghiêm trị theo đúng Hiến pháp, pháp luật. Điển hình như, ngay từ thời Xô viết, V.I.Lênin đã luôn chú trọng việc phòng và chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Theo V.I.Lênin: những người quan liêu “là thành những nhân vật có đặc quyền, thoát ly quần chúng và đứng trên quần chúng” và đã chỉ rõ: “Chúng ta có những phần tử quan liêu không những trong các cơ quan Xô - viết của chúng ta mà cả trong những cơ quan Đảng nữa". Lênin đã cảnh báo, quan liêu tất yếu sẽ dẫn tới tham nhũng, cùng với quan liêu thì hủ hóa, tham nhũng càng lan tràn và nghiêm trọng: “hiện tượng thật sự điển hình của nước Nga là nạn hối lộ”. Như vậy, Lênin đã cảnh báo bệnh quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí của đảng cầm quyền và của Nhà nước Xôviết và chính Người đã dày công giáo dục, thuyết phục, kể cả bằng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng lãng phí trong Đảng Bônsêvích và Nhà nước Xôviết.

Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”[1]. Người còn nhấn mạnh: "Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”[2]. "Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị"[3].

Thực tiễn đã chứng minh, những quyết sách của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang đáp ứng đúng yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tế. Chúng ta đã từng bước tìm ra được con đường đi đúng đắn nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, nhất là trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt, quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”[4].

Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để chúng“mượn mưa té nước” để lợi dụng, kích động; thấu suốt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, có nhận thức đúng về bản chất của vấn nạn tham nhũng và tiếp tục bình tĩnh theo dõi, nắm chắc những thông tin chính thống liên quan đến các vụ án; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của đồng bào, đồng chí cả nước, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, “Thực hành tiết kiện, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”,Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 357.

[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, “Thực hành tiết kiện, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”,Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 356.

[3]Hồ Chí Minh, Toàn tập, “Thực hành tiết kiện, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”,Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 358.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST,Hà Nội, 2021, tập 1,

 tr. 193.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta không nên tin bọn phản động và các tổ chức thù địch; chúng chỉ xuyên tạc để chống phá Việt Nam mà thôi

    Trả lờiXóa