Công cuộc đấu tranh với các âm mưu chống
phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước dựa trên chiêu bài nhân quyền
nhằm vào Việt Nam còn lâu dài và phức tạp. Để tạo thêm niềm tin của nhân dân
vào sứ mệnh ấy, rất cần những cái đầu tỉnh táo để nhận diện và vạch trần sự
thật về những đối tượng vi phạm pháp luật đang được các cá nhân, tổ chức chống
phá gắn cho cái mác “tù nhân lương tâm”.
Mới đây, tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc
tế (HRW) ra thông cáo báo chí lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền với nội dung
“Việt Nam nằm trong số ít nhất 83 chính phủ trên thế giới đã dùng đại dịch
COVID-19 để biện minh cho hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn
hòa của người dân”.
Trong báo cáo này, HRW cho rằng, trong năm
2020, chính quyền Việt Nam đã gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền
dân sự và chính trị cơ bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và quyền lập
hội... Thậm chí, một quan chức của tổ chức này còn vu cáo rằng, năm 2020 “lại
là một năm đen tối nữa cho nhân quyền ở Việt Nam”.
Để chứng minh cho lập luận xuyên tạc ấy,
HRW đã liệt kê một số bản án dành cho các đối tượng vi phạm pháp luật thời gian
qua. Trong đó có những trường hợp đã vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy
định của pháp luật Việt Nam, như: Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí
Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Phạm Đoan Trang...
Tất cả những người này đều phạm tội tuyên
truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, trang fanpage Việt Tân đã lợi dụng ảnh hưởng của Báo cáo nhân
quyền HRW đối với Việt Nam để “chế tác” nhiều tấm thiệp gửi đến các “tù nhân lương
tâm” như Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Năng Tĩnh, Hoàng Đức Bình… với
ngôn từ lố bịch.
Đây là một luận điệu chẳng mới mẻ gì của
HRW, bởi bao năm qua họ vẫn chỉ nhai đi nhai lại luận điệu vu cáo Việt Nam vi
phạm nhân quyền. Từ bao giờ, hành động chống phá Nhà nước, chống phá nhân dân
lại được gọi là yêu nước?
> Trong vấn đề này, cần thấy rõ:
Thứ nhất, Việt Nam không có cái gọi là “tù
nhân lương tâm”.
Tù nhân là cụm từ dành cho những người có
hành vi vi phạm pháp luật, bị toà án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù
theo quyết định có hiệu lực của toà án. Việc một người bị phạt tù là hậu quả
tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội, xâm phạm các quan hệ xã hội được quy
định trong Bộ luật Hình sự. Chúng ta phải khẳng định một lần nữa rằng, ở Việt
Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, chỉ có những đối tượng vi phạm
pháp luật, bị pháp luật xử lý. Cách gọi “tù nhân lương tâm” chỉ là một chiêu
trò của tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International - AI) và những cá nhân, tổ
chức thù địch. Họ nêu ra với ý đồ cổ súy, hậu thuẫn cho các đối tượng chống phá
Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, can thiệp bảo vệ cho những đối tượng này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và
đại diện cơ quan chức năng liên quan nhiều lần khẳng định, ở Việt Nam không có
cái gọi là “tù nhân lương tâm”, không có việc những người vì tự do bày tỏ chính
kiến mà bị bắt giữ. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi
hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp
luật.
Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân chống đối
luôn tìm cách phớt lờ sự thật và chứng lý đó. Bởi vậy, mỗi khi TAND ở Việt Nam
xét xử, tuyên án một hoặc một nhóm người có hành vi vi phạm pháp luật với các
tội danh liên quan hoạt động chính trị, chống phá Nhà nước thì các tổ chức, cá
nhân trên đã dựa vào cái gọi là “tù nhân lương tâm” yêu cầu Việt Nam “phải trả
tự do vô điều kiện, ngay lập tức” cho số người này nhằm vu cáo Nhà nước Việt
Nam.
Thứ hai, đây là chiêu trò hòng cổ vũ, khích
lệ, động viên cho số đối tượng chống phá chính quyền tiếp tục “vững niềm tin”
hòng tiếp tục thực hiện hoạt động chống phá sau khi ra tù.
Năm qua, không ít lần trên mạng xã hội xuất
hiện những thông tin đại loại như: Các tù nhân lương tâm trong các trại giam ở
Việt Nam thường xuyên bị ngược đãi, đe dọa, thậm chí bị đánh đập, thiếu đồ ăn
thức uống... Bằng cách rêu rao rằng, thông qua nguồn tin bí mật, nguồn tin giấu
tên, các “tù nhân lương tâm” tại Việt Nam hiện như “cá nằm trên thớt”. Thời
gian qua, các cá nhân, tổ chức trên liên tục kêu gọi phải thả các tù nhân này
ngay lập tức. Dường như chưa đủ để bẻ lái dư luận,họ còn phỏng vấn đối với
người nhà của các đối tượng đang bị giam giữ, rồi tặng quà, ủng hộ tiền với mục
đích cổ súy các đối tượng phạm tội ở trong tù hãy yên tâm và tiếp sức, lôi kéo
người nhà đối tượng trên tiếp tục thực hiện các hoạt động chống phá Nhà nước
Việt Nam.
Với danh nghĩa “tù nhân lương tâm”, các cá
nhân, tổ chức chống phá hy vọng đối tượng vi phạm pháp luật ở trong tù yên tâm
và đã được sự “cưu mang”, “thương hại” từ bên ngoài. Thậm chí, có kẻ lợi dụng
cái mũ “tù nhân lương tâm” để tạo danh tiếng, điểm nóng, khuếch trương “thương
hiệu”, thu hút tài trợ từ các tổ chức chống đối, phản động bên ngoài như trường
hợp Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cù Huy Hà Vũ...
Mục đích của cái danh “tù nhân lương tâm”
là cổ súy, bảo vệ cho những hành vi xem thường luật pháp, gây rối xã hội, chống
phá chế độ, xâm phạm an ninh quốc gia, từ đó tạo thêm vây cánh và nhân rộng
“chân rết” phục vụ cho những hành động chống phá Việt Nam thông qua các vấn đề
về tự do, tôn giáo và nhân quyền.
Công cuộc đấu tranh với các âm mưu chống
phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước dựa trên chiêu bài nhân quyền
nhằm vào Việt Nam còn lâu dài và phức tạp. Để tạo thêm niềm tin của nhân dân
vào sứ mệnh ấy, rất cần những cái đầu tỉnh táo để nhận diện và vạch trần sự
thật về những đối tượng vi phạm pháp luật đang được các cá nhân, tổ chức chống
phá gắn cho cái mác “tù nhân lương tâm”./.
-NVM-
Cần phải xử lý thật nghiêm bọn phản động chuyên xuyên tạc và chống phá đất nước
Trả lờiXóa