Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

 

Đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải chăng là sai lầm lịch sử

          “Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, kiên định với “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là “lạc nhịp”, đó là những điều mà các thế lực thù địch, phản động thường cố rêu rao. Thủ đoạn mà chúng thường sử dụng là tạo dựng, xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng nền tảng tư tưởng của Đảng. Phương thức chung là tuyệt đối hóa hiện tượng thay cho bản chất, “lập lờ đánh lận con đen”, hòng gây mơ hồ, mất niềm tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo. Họ cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam “bảo thủ” với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm lịch sử. Các luận điệu trên sai về khoa học và phản động về chính trị, bởi một số lý do sau:

Thứ nhất,  chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ sự thay thế giữa các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử là hoàn toàn khách quan, tuân theo quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Khi quan hệ sản xuất lỗi thời, trở thành xiềng xích của lực lượng sản xuất mới thì tất yếu nó bị lực lượng sản xuất mới phá vỡ nhằm thay thế bằng quan hệ sản xuất phù hợp hơn.

Hai làChủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu hướng của thời đại và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong những năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng giá trị nhân văn của xã hội chủ nghĩa hiện thực ở nước Nga để tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột, xâm lược, đô hộ của chủ nghĩa thực dân, phong kiến. Bởi vậy, muốn giành được độc lập cho dân tộc thì phải tiến hành con đường cách mạng vô sản và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ba là, đường lối đúng đắn, sáng tạo hòa quyện “ý Đảng, lòng dân” về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ năm 1930, Chánh cương vắn tắt của Ðảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng thảo luận, thông qua, tuy rất ngắn gọn, nhưng đã xác định rõ đường lối của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Từ đó, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành mục tiêu chiến đấu nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.

Bốn là, chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời đã thể hiện tính ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản; sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể. Rõ ràng, trong một thời gian ngắn, chủ nghĩa xã hội ra đời ở Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa tuy chưa hoàn thiện, nhưng đã phát triển lớn mạnh về nhiều mặt, khác hẳn về chất so với chủ nghĩa tư bản. Điều đó cho thấy, chủ nghĩa xã hội là một hiện thực, hoàn toàn không phải là “giấc mơ” cũng chẳng phải là “ảo tưởng”! Hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp đổi mới, cải cách đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, vững chắc, được thế giới ngưỡng mộ.

Thứ năm, Đảng Cộng sản Việt Nam có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, khả năng lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ năm 1954 đến 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời và thắng lợi hai chiến lược cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

          Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, một lần nữa khẳng định: sự xuyên tạc và phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là vô căn cứ. Và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Nhân dân ta đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Cao Trung Sơn

 

1 nhận xét:

  1. Mọi người dân phải tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa