Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

 

HIỂU ĐÚNG VỀ HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ

ĐỂ PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

                                                          Cao Thái Sơn

Gần đây, trên các trang mạng xã hội phản động tiếp tục nhắc lại Hiệp định Genève (1954) và la lối rằng: việc đưa chủ nghĩa Mác -Lênin vào Việt Nam là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh ở Việt Nam; Chúng còn ra sức xuyên tạc: cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một sai lầm, “không có bên thắng, bên thua” mà tất cả cùng thua, có nhất thiết phải chiến tranh mới giành được độc lập không? Những luận điệu trên hoàn toàn xuyên tạc, ngụy biện, nhằm phá hoại tư tưởng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Tiếc rằng, một số phần tử bất mãn, vì lý do thiếu hiểu biết lịch sử, mơ hồ về chính trị và động cơ cá nhân cố tình hùa theo những luận điệu đó, tiếp tay cho mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch. Do đó, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần hiểu đúng về bối cảnh lịch sử, nội dung Hiệp định Ginève và âm mưu của Mỹ, ngụy để có cơ sở đấu tranh, làm thất bại thủ đoạn “xét lại” của các thế lực thù địch.

Hội nghị Genève về Đông Dương (1954) bắt đầu diễn ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang ở giai đoạn cuối. Thế và lực của quân và dân ta không ngừng lớn mạnh, đẩy quân đội Pháp vào thế bị động, liên tiếp thất bại. Lập trường xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Genève là: hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài, v.v. Theo đó, Hiệp định được ký kết với các thỏa thuận: hòa bình được lập lại, chấm dứt sự hiện diện của quân đội và chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17, song các bên tham dự Hội nghị nhấn mạnh rằng: dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”.

Tuy nhiên, Mỹ và Chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm biết rằng, nếu tổng tuyển cử tự do thì đa số nhân dân sẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, nên chúng ra sức phá hoại Hiệp định; thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đẩy mạnh đàn áp tôn giáo. Mặt khác, Mỹ ngày càng bộc lộ rõ dã tâm xâm lược bằng các hành động hậu thuẫn cho chính quyền Việt Nam cộng hòa và trực tiếp đưa quân vào Việt Nam. Vì thế, không còn con đường nào khác, chúng ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để thực hiện khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam là: hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, với chân lý “Nước Việt Nam là một - Dân tộc Việt Nam là một”.

Thực tiễn đã khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Vì vậy, Đảng ta đã phát huy được truyền thống, sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết lòng ủng hộ.

Quân và dân ta đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Đó là câu trả lời đích đáng nhất cho những luận điệu xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin của các thế lực thù địch. Dù dã tâm của chúng có hiểm độc đến đâu thì sự thật vẫn không thể bị lu mờ.

 

1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá đất nước thì các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ và tìm ra các đối tượng phản động, để xử lý thật nghiêm minh.

    Trả lờiXóa